Bỏ nghề vì nguyên liệu làm hương tăng gấp 3
Thời điểm tháng 10, 11, 12 âm lịch là quãng thời gian tập trung sản xuất cao điểm của các làng nghề hương trầm phục vụ tết Nguyên đán. Đây cũng là vụ sản xuất lớn nhất trong năm, đem lại doanh thu chính cho các hộ theo nghề làm trầm hương ở Quỳ Châu, thế nhưng nhiều hộ gia đình đã phải bỏ nghề truyền thống của mình chỉ vì nguyên liệu đắt đỏ và thiếu trầm trọng.
Nhiều hộ gia đình làm hương trầm ở Quỳ Châu (Nghệ An) đã phải nghỉ sản xuất vì thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Văn Hà- một hộ sản xuất hương ở khối 1, thị trấn Tân Lạc cho biết: “Ba năm lại nay, nguồn nguyên liệu sản xuất hương trầm khan hiếm, nhất là rễ hương. Từ tháng 3, các hộ làm nghề đã phải tìm nguồn hàng ở các nơi khác để thu mua, gom từng yến. Thậm chí từng cân để cố cho đủ nguồn nguyên liệu vụ sản xuất Tết. Giá nguyên liệu tăng cao so với trước, nguồn hàng ít nên người sản xuất gặp khó, lợi nhuận thấp, có khi chấp nhận lỗ, không có tiền công để cố gắng giữ lấy cái nghề”.
Trước đây mỗi vụ Tết cung ứng ra thị trường khoảng 20 vạn que hương, tạo việc làm cho 5 lao động. Thu nhập từ làm hương là nguồn chính của gia đình thế nhưng năm nay, anh Mai Dương ở khối 2 Tân Lạc, Quỳ Châu (Nghệ An) đành để xưởng không vì thua lỗ... |
Anh Dương cho biết: “Ba năm nay, nguyên liệu làm hương khan hiếm, giá cả tăng cao. Các năm trước còn cầm cự duy trì nghề, năm nay, giá đội lên gấp đôi, gấp 3 lần so với mọi năm, trong khi giá hương chỉ tăng nhẹ, trừ chi phí, số lãi chẳng đáng là bao, có khi còn lỗ, do đó, buộc phải nghỉ nghề. Chờ khi nào giá nguyên liệu ổn định trở lại, có nguồn cung dồi dào mới tính đến chuyện quay lại với nghề”.
Bên cạnh thiếu nguồn rễ hương, các loại nguyên liệu khác như: nứa chẻ chu hương, thảo quả (quế, hoa hồi…) cũng khan hiếm. Đặc biệt, giá đầu vào của các loại nguyên liệu này tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với các năm trước khiến các hộ làm nghề gặp không ít khó khăn. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng đến thời điểm hiện tại có khoảng vài chục hộ ở các làng nghề sản xuất hương trầm trên địa bàn huyện Quỳ Châu ngừng hoạt động.
Bà Trần Thị Loan, Chủ nhiệm HTX làng nghề hương trầm huyện Quỳ Châu cho biết: “Do không chủ động nguồn nguyên liệu, do đó, sản xuất hoàn toàn bị động. Những năm gần đây, nguyên liệu khan hiếm, giá cả tăng cao nên hầu hết các hộ làm nghề không có lãi, nhiều hộ chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì nghề, nhiều hộ không trụ nổi đành bỏ nghề. Hiện HTX cũng chưa có giải pháp nào ngoài việc chia sẻ nguồn nguyên liệu với nhau, hỗ trợ nhau trong việc giữ mối quan hệ với các đơn hàng…”
Không chỉ làng nghề hương trầm gặp khó về nguồn nguyên liệu mà hiện nay, làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Châu Tiến) cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù để phục vụ cho nghề dệt, xã Châu Tiến đã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với 25 hộ tham gia, diện tích trồng dâu khoảng 2ha. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu của làng nghề dệt thổ cẩm.
Bà Sầm Thị Bích, Trưởng làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết: “Hiện làng có khoảng 200 hộ theo nghề, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 2000- 3000 sản phẩm, đem lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nên gặp không ít khó khăn trong sản xuất: thiếu nguyên liệu, giá cao… nên thu nhập của người làm nghề bấp bênh”. Ảnh: Mỹ Hà
Thiếu nguyên liệu, không chủ động được đầu vào là thực trạng của hầu hết các làng nghề hiện nay. Điển hình như nghề mây tre đan, mộc dân dụn. Do đó, có nhiều làng nghề tạm dừng hoạt động, thậm chí bỏ nghề, số làng nghề bị rút danh hiệu cũng khá nhiều.
Như huyện Diễn Châu có 20 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu, gồm: Làng nghề mây tre đan xuất khẩu, nghề đan lát truyền thống, sản xuất bánh đa, bánh kẹo, nghề bún bánh, làng nghề kết chổi đót, chẻ chu hương, mộc dân dụng, làm trống, tơ tằm, chế biến hải sản, chế biến lương thực, nghề sản xuất bánh lá, nghề đóng thuyền.
Ngoài ra, UBND huyện cũng đã công nhận 20 làng có nghề khác. Tuy nhiên đến nay, có 3 làng nghề mây tre đan và 1 làng nghề chẻ chu hương ngừng hoạt động, đề nghị rút danh hiệu. UBND huyện Diễn Châu cũng đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ danh hiệu đối với 12 làng có nghề đã được công nhận. Trong đó, chiếm phần lớn là các làng nghề mây tre đan, nguyên nhân chính vẫn là thiếu nguyên liệu sản xuất, thu nhập bấp bênh nên lao động không mặn mà với nghề.
Theo số liệu từ Chi cục Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 14 làng nghề ngừng hoạt động. Trong nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân chính là thiếu nguyên liệu đầu vào, giá cả nguyên liệu tăng vọt, không chủ động được nguyên liệu nên sản xuất bấp bênh, thu nhập người làm nghề vì thế cũng không ổn định và chuyện bỏ nghề là điều tất yếu.
Thất thu tiền tỷ
Toàn huyện Quỳ Châu hiện đang có 9 làng nghề và có nghề sản xuất hương trầm với 200 hộ dân tham gia, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, các làng nghề sản xuất hương trầm Quỳ Châu bán ra thị trường khoảng 70 triệu que hương, đem lại doanh thu 40-42 tỷ đồng.
Toàn huyện Quỳ Châu hiện đang có 9 làng nghề và có nghề sản xuất hương trầm với 200 hộ dân tham gia, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng. Ảnh: Mỹ Hà
Hương trầm là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của huyện Quỳ Châu. Do đó, để “gỡ khó” cho các làng nghề, thời gian qua, huyện đã khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng cây rễ hương như: Triển khai mô hình trồng rễ hương dưới tán rừng; thành lập HTX ươm, cung cấp giống rễ hương cho người dân, hỗ trợ giống rễ hương, tập huấn quy trình chăm sóc, thu hoạch… nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí sản xuất.
Thế nhưng đến nay, diện tích rễ hương trên địa bàn huyện vẫn còn khiêm tốn, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của các làng nghề.
Toàn huyện Quỳ Châu có khoảng 40 ha trồng cây rễ hương, chủ yếu tập trung ở Châu Thuận, Châu Hoàn, Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Hội, Diên Lãm… cung cấp cho các làng làm hương trầm khoảng 2.000 tấn nguyên liệu/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu sản xuất hương trầm. 80% rễ hương còn lại, các hộ làm nghề phải thu gom ở các địa phương khác.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết: “So với trồng các loại cây trồng khác thì trồng cây rễ hương có hiệu quả kinh tế, không lo đầu ra, song lại khó mở rộng diện tích. Nguyên nhân là do địa hình đồi núi, khó trong chăm sóc và thu hoạch, các công đoạn từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hái đều phải thủ công nên người dân không mặn mà với việc trồng cây nguyên liệu này.
Hiện HTX ở Châu Thuận đã trồng thành công và cung ứng giống rễ hương ra địa bàn toàn huyện theo hình thức trả chậm, khi bà con thu hoạch mới thu hồi vốn. Riêng năm 2019, HTX này đã cung ứng 10 tấn giống rễ hương cho người dân các địa phương trong huyện. Hy vọng, khi diện tích trồng rễ hương được mở rộng sẽ giải quyết khâu nguyên liệu cho làng nghề, giúp các hộ yên tâm sản xuất”.
Bên cạnh đó, tại huyện Quế Phong để mở rộng diện tích lùng nguyên liệu, được sự hỗ trợ của trung tâm lâm sản ngoài gỗ, Viện khoa học lâm nghiệp sắp tới sẽ triển khai vườn ươm giống cây lùng tại rừng Pù Hoạt. Theo đó, sẽ cấp giống cho 1.000 ha lùng, tập huấn và nâng cao năng lực bảo vệ cây lùng cho người dân toàn huyện. Từ đó, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các làng nghề chế biến lâm sản, làng nghề mây tre đan xuất khẩu trong tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.
Để các làng nghề phát triển ổn định, bền vững, các cấp, ngành liên quan cần có đánh giá khách quan, thực tế về tiềm năng, thế mạnh của từng nghề, từ đó, các làng nghề, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra các giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm…
Theo đó, để có nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến nguyên liệu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.