Xót xa "thủ phủ" lợn Đồng Nai: Lợn chết vì dịch tả tăng từng ngày

Nguyên Vỹ - Bình Nguyên Thứ bảy, ngày 17/08/2019 06:00 AM (GMT+7)
Tình trạng lén lút vứt xác lợn chết ra môi trường đang là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi đang trở nên khó kiểm soát ở Đồng Nai, khi số lượng lợn bị nhiễm bệnh đang tăng từng ngày. Ước tính, tỉnh này cần tới cả ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của dịch bệnh.
Bình luận 0

Chế tài xử phạt thấp, lợn chết vứt tràn lan

Tình trạng vứt xác lợn ra môi trường xuất hiện liên tục ở Đồng Nai từ cuối tháng 7 tới nay. Một số người kém ý thức không chỉ vứt xác lợn chết xuống sông suối mà còn lén bỏ vào các lô cao su. Nhiều con lợn chết do kích thước quá lớn, không bỏ được vào bao thì bị vứt luôn ra đất.

img

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn bị dịch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Ngô Thanh Tùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất cho biết, thời gian qua, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Những người vứt lén lút thường chọn thời điểm ban đêm, trời mưa để vứt xác lợn nên rất khó khăn trong kiểm tra, xử lý.

Ngành chức năng huyện Thống Nhất đã khoanh vùng các đối tượng nhiều khả nghi chính là trại nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn và các thương lái có lợn bị chết trong quá trình thu mua, vận chuyển lợn.

Kiểm tra thực tế, ông Tùng cho biết, các xác lợn đều có dấu bấm lỗ tai. Đây là dấu hiệu đầu tiên của lợn chăn nuôi gia công cho công ty chăn nuôi. Cùng với thương lái, đối tượng này không nằm trong diện hỗ trợ của Nhà nước nên khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi thường lén lút vứt xác lợn không xử lý để giảm chi phí.

“Khi bị dịch tả lợn châu Phi, con lợn là cơ sở để nhà nước tính toán mức hỗ trợ nên không ai vứt xác lợn đi cả. Chưa kể nhà nước cũng đã hỗ trợ luôn chi phí tiêu hủy đối với các hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch bệnh” - ông Tùng giải thích.

Ông Tùng cũng cho biết trên địa bàn có đến hàng trăm trang trại nên việc kiểm soát gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài việc bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý khi phát hiện, huyện vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

img

Một số người kém ý thức không chỉ vứt xác lợn chết xuống sông suối mà còn lén bỏ vào các lô cao su.

Được biết, khung xử phạt đối với hành vi vứt xác động vật ra môi trường theo Nghị định 90 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong công tác thú y chỉ dừng ở mức 5 - 7 triệu đồng. Nhiều người cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe.

Được biết, khung xử phạt đối với hành vi vứt xác động vật ra môi trường theo Nghị định 90 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong công tác thú y chỉ dừng ở mức 5 - 7 triệu đồng. Nhiều người cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe.

Ngày 13/8, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất cho biết, cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp là thương lái có hành vi vứt xác heo chết chưa qua xử lý ra môi trường, mỗi trường hợp 5 triệu đồng.

Cần cả ngàn tỷ đồng xử lý dịch bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, xác lợn vứt ra môi trường phần lớn là chết vì nguyên nhân truyền nhiễm. Trong điều kiện dịch bệnh đang bùng phát mạnh, thời tiết giữa mùa mưa, việc vứt xác lợn chết vô ý thức là rất nguy hiểm.

Xác lợn không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, do virus dịch tả lợn châu Phi sống rất lâu ngoài môi trường nên việc vứt xác lợn bừa bãi càng làm tăng nguy cơ loại vi rút này trú ẩn trong môi trường và bùng phát về sau.

Ông Quang cho biết bên cạnh biện pháp tăng cường kiểm tra, xử phạt, ngành chức năng tiếp tục vận động nâng cao ý thức người chăn nuôi để chấm dứt tình trạng này.

Tính đến ngày 13/8, toàn tỉnh Đồng Nai có 2.754 hộ chăn nuôi lợn tại 371 ấp thuộc 118 xã của 11 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với trên 271.000 con lợn bị tiêu hủy. Đồng Nai đang xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương để chi cho công tác phòng, chống dịch.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương lo lắng: “Mật độ chăn nuôi dày đặc cũng có thể là nguyên nhân khiến dịch lan nhanh trên địa bàn. Khó khăn không nhỏ của địa phương là rất khó bắt tận tay và xử lý tình trạng vứt lợn chết, lợn bệnh ra ngoài môi trường; trong đó nhiều trường hợp thương lái vứt lợn chết trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ”.

Theo Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Chánh, trong việc ngăn chặn dịch ASF, các địa phương phải tập trung vào 2 giải pháp: Công tác tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là khu vực đầu nguồn các suối, ao hồ để hạn chế dịch lây lan do ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi. Tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ trại nuôi.

Việc vứt lợn chết ra suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vứt lợn chết ra môi trường phải kiểm điểm nghiêm túc; quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem