Công văn ‘7 điểm’ để tháo gỡ khó khăn
Ngày 28.7 vừa qua, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường ký công văn số
5290, về việc ‘chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia
sản xuất trên địa bàn tỉnh’, trong đó điểm mặt 2 hãng bia lớn, Sài Gòn và Hà
Nội.
Công văn này được gửi rộng rãi đến các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, các
tổ chức đoàn thể và hội doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện 7 điều để hỗ trợ, ‘tháo
gỡ khó khăn’ cho doanh nghiệp.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2014/images/2014-08-28/1434395338-172429-3.jpg)
|
Công văn do Chủ tịch UBND Nghệ An ký gửi các đơn vị, yêu cầu hỗ trợ các doanh
nghiệp bia sản xuất tại địa bàn.
|
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ban ngành vận động người dân địa
phương ưu tiên dùng các loại bia sản xuất trong tỉnh, trong đó có Hà Nội, Sài
Gòn.
Các cuộc hội nghị, hội thảo sử dụng ngân sách theo quy định được sử dụng đồ
uống, phải ưu tiên bia Hà Nội, Sài Gòn, Vida.
Bên cạnh đó, công văn này cũng đề cập đến các nhà hàng, khách sạn…, ưu tiên
giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các loại bia nêu trên.
Mặt khác, các đơn vị phải thường xuyên phối hợp với các công ty sản xuất bia
trên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hội thảo để quảng bá
thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Trong số 7 điểm được xem là các giải pháp để ‘tháo gỡ khó khăn’, UBND tỉnh
Nghệ An còn đề cập tới việc chỉ đạo cơ quan chức năng ‘kiểm soát chặt chẽ’ các
loại bia không sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Cục thuế địa phương được yêu cầu ‘quan tâm’ các nhà máy bia sản xuất trên địa
bàn, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành thuế của các đại lý, nhà hàng
sử dụng bia không sản xuất ở địa phương.
Sức ép từ mức thu ngân sách?
Theo tìm hiểu, tại Nghệ An hiện có 2 nhà máy bia Sài Gòn khá lớn, gồm Nhà máy
bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh (tiền thân là của địa phương, sau cổ phần hóa, đã hoạt
động hàng chục năm) và Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam.
Trong khi đó, địa phương này có 1 nhà máy bia Hà Nội, đóng tại khu công
nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc).
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, tinh
thần của công văn là để ‘trọn vẹn với nhà đầu tư, thể hiện trách nhiệm của địa
phương’.
Ông Trung Thành Công, Phó văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (đơn vị tham mưu ra
công văn) cho biết, ủy ban tỉnh nhận được những số liệu từ Sở Công Thương cho
thấy, sản lượng tiêu thụ của hai hãng bia Sài Gòn và Hà Nội bị sụt giảm lớn,
không tiêu thụ được tại địa bàn, có dấu hiệu tồn kho.
“Việc các sản phẩm bia sản xuất tại Nghệ An lại phải chở đi nơi khác tiêu
thụ đã đẩy chi phí sản xuất lên, gây lãng phí. Tỉnh muốn thể hiện tinh thần cùng
chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư”, ông Công cho biết.
Theo ông Công, địa phương đã tổ chức một cuộc họp với nhiều thành phần, trước
khi ra công văn này. Trong vòng 1 tháng kể từ lúc công văn về tận các cơ sở,
tỉnh chưa hề nhận được bất cừ phản ứng nào trái chiều.
Theo số liệu do văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cung cấp, năm 2013, tổng thu ngân
sách từ Cty CP bia Sài Gòn – Sông Lam, Sài Gòn – Nghệ Tĩnh và Cty CP bia Hà Nội
– Nghệ An lên tới trên 1.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1/7 tổng thu ngân sách của
toàn tỉnh Nghệ An).
Ông Công cho biết đây là các đơn vị đóng góp ngân sách lớn nhất trong tỉnh.
Do đó địa phương phải có biện pháp hỗ trợ khi những đơn vị này gặp khó khăn.
Phó văn phòng UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, việc này không hề ảnh hưởng đến
sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
(Theo VietNamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.