Nghệ An: Nuôi loài ngỗng lạ trông dữ tợn, ngực nở bụng phệ nhưng thịt thơm, có 300 con mà lãi 63 triệu

Hồng Thanh Thứ hai, ngày 01/03/2021 19:06 PM (GMT+7)
Ngỗng sư tử là loài vật dữ tợn nhưng cho chất lượng thịt ngon, thơm, đặc biệt ngỗng sư tử dễ nuôi, nhanh lớn, đang được người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Trong những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi gia cầm như gà sinh sản, gà thịt, vịt siêu đẻ… tại thành phố Vinh (Nghệ An) phát triển khá mạnh, tuy nhiên mô hình nuôi ngỗng sư tử lại chưa phổ biến vì đây là đối tượng nuôi mới tại địa phương, bà con chưa am hiểu kỹ thuật.

Nghệ An: Nuôi loài ngỗng lạ trông dữ tợn, ngực nở bụng phệ nhưng thịt thơm, có 300 con mà lãi 63 triệu - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ngỗng sư tử tại hộ anh Đinh Văn Vinh (xóm Hồng Liên – Nghi Liên, Nghệ An).

Là một người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và áp dụng cái mới, anh Đinh Văn Vinh ở xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên, TP Vinh với lợi thế có trang trại gần đồng ruộng, thuận lợi cho việc nuôi ngỗng thả đồng đã quyết định đầu tư nuôi 300 con ngỗng sư tử. 

Đây là những con giống ngỗng sư tử khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ được anh đặt mua của Viện Giống chăn nuôi với giá 120 nghìn đồng/con. 

Do chưa có kinh nghiệm nuôi ngỗng sư tử nên trước khi nuôi, anh đã dành thời gian rất nhiều để tìm hiểu thêm quy trình kỹ thuật nuôi trên báo, đài, tivi, mạng internet, thậm chí đến các mô hình nuôi ngỗng sư tử đạt hiệu quả cao để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm hiểu thêm về thị trường tiêu thụ ngỗng trên địa bàn.

Nghệ An: Nuôi loài ngỗng lạ trông dữ tợn, ngực nở bụng phệ nhưng thịt thơm, có 300 con mà lãi 63 triệu - Ảnh 2.

Ngỗng sư tử là loài vật dữ tợn nhưng cho chất lượng thịt ngon, thơm, đặc biệt ngỗng sư tử dễ nuôi, nhanh lớn.

Anh Vinh chia sẻ: "Trong các loài gia cầm đã nuôi thì ngỗng sư tử là loài có sức đề kháng cao nên ít xảy ra dịch bệnh. Ưu điểm của giống ngỗng sư tử là cho sản lượng thịt cao hơn các loại ngỗng cỏ thông thường. Nuôi ngỗng sư tử vất vả nhất là tháng đầu tiên vì giai đoạn này nuôi nhốt hoàn toàn, nếu không chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đặc biệt không giữ ấm được cho ngỗng con thì tỷ lệ chết sẽ rất cao".

Tuy nhiên từ tháng thứ 2 trở đi, việc nuôi ngỗng sư tử chủ yếu là nuôi thả đồng nên ngoài thức ăn hỗn hợp sẽ tận dụng thêm được nguồn thức ăn tự nhiên, công chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, kết quả sau 4 tháng nuôi, đàn ngỗng sư tử của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 94%, trọng lượng bình quân xuất chuồng đạt 5,5 kg/con. 

Với giá bán ngỗng sư tử 120.000 đồng/kg, tổng thu nhập 186.120.000 đồng, sau khi trừ chi phí gia đình anh Vinh thu lãi 63.450.000 đồng. Ngỗng của anh hiện nay chủ yếu được tiêu thụ cho các cửa hàng thực phẩm sạch và nhà hàng trên địa bàn thành phố Vinh.

Ngỗng sư tử là giống ngỗng nhà bắt nguồn từ Bắc Trung Quốc và Xiberi. Ở Việt Nam, ngỗng sư tử được nuôi ở nhiều nơi thuộc đồng bằng sông Hồng và tập trung ở khu vực Hà Nội. 

Nghệ An: Nuôi loài ngỗng lạ trông dữ tợn, ngực nở bụng phệ nhưng thịt thơm, có 300 con mà lãi 63 triệu - Ảnh 4.

Ngỗng sư tử có tầm vóc to trông dữ tợn.

Ngỗng sư tử lâu dần đã trở thành một giống nội cho sản lượng thịt cao hơn hẳn ngỗng cỏ và được xem là giống ngỗng quý và được nằm trong danh sách các loài cần bảo tồn nguồn gen.

Ngỗng sư tử có tầm vóc to trông dữ tợn, có lông màu xám, đầu to mỏ đen thẫm, mào màu đen. Mắt nhỏ và có màu nâu xám. Phần trên cổ có yếm da, thân mình dài vừa phải, ngực dài nhưng hẹp, xương to và nặng nhưng thân thịt màu hơi trắng. Mỏ và chân màu đen. 

Thân ngỗng có hình chữ nhật, ngực nở và sâu. Bụng phệ. Bộ lông của ngỗng sư tử có màu xám thẫm chiếm phần lớn số con trong đàn, một số con có lông trắng pha nâu. Khi trưởng thành con đực nặng tới 6 kg/con, con cái nặng 5 kg/con.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem