Nghệ An: Đổ xô vào rừng săn ong giống, vui hơn hội lại thu bộn tiền

Thứ bảy, ngày 04/01/2020 18:45 PM (GMT+7)
Tháng Chạp, người dân các huyện miền núi Nghệ An hối hả bước vào mùa săn ong giống. Từ lâu săn ong giống luôn là một công việc hấp dẫn của nhiều người, đem lại niềm vui, nguồn thu nhập đáng kể trong những ngày cuối năm.
Bình luận 0

img

Mùa săn ong mật giống ở các huyện miền núi Nghệ An - Hà Tĩnh kéo dài suốt từ mùa Đông sang mùa xuân. Sau mỗi đợt mưa rét, xen kẽ những ngày nắng ấm là thời điểm thích hợp của những người đi săn ong giống. Những ngày này, người đi săn ong trong và ngoài tỉnh thường đổ về các xã biên giới ở Thanh Chương, Anh Sơn để săn ong.

img

Dụng cụ bất li thân của người đi săn ong giống là vợt và những chiếc ống ong. Mỗi người đi săn thường mang từ 2 - 5 ống ong. Ngày xưa, mỗi lần đi săn ong, người dân lên rừng phải gồng gánh, tay xách nách mang dụng cụ khá lọc cọc. Nay, nhờ có xe máy, điện thoại, công việc săn ong đỡ vất vả hơn.

img

Săn ong giống là cả một nghệ thuật, từ chỗ chuẩn bị ống ong sao cho phù hợp đến cách thức săn ong, đi đơn đánh lẻ hay đi tập thể... Một số người sử dụng cả xe kéo chở ống ong vào rừng đi săn.

img

Trước khi di chuyển từ núi cao xuống các vùng thấp để tránh rét, đàn ong thường cử "quân trinh thám" để dò xét rất kỹ lưỡng nơi đóng tổ mới.Trong ảnh: Cảnh săn ong giống ở Sung Lầy xã Thanh Thủy (Thanh Chương)

img

Săn ong giống không giống như việc lấy các tổ ong trên các vách đá và cành cao các cây cổ thụ, người đi săn ong chỉ cần đứng dưới thấp chờ cơ hội bằng những thủ thuật và cả sự may mắn. Săn ong giống không chỉ là công việc, mà còn là thú vui của nhiều người. Lực lượng đi săn ong giống ngày càng đông đảo, đủ mọi lứa tuổi từ trẻ tới già, thậm chí có cả phụ nữ. Nhiều cụ già trên dưới 80 tuổi, không đi được xe máy, xe đạp cũng nhờ con cháu, người quen chở lên rừng để đi săn ong.

img

Người đi săn ong giống, mắt phải tinh, tai phải thính mới phát hiện ra ong thăm để bắt. Ong thăm có thể xuất hiện đâu đó dưới gốc cây cổ thụ, trước thềm nhà, cạnh cột điện...nhiều khi bắt được ong thăm một cách tình cờ. Người dân cũng phải rất cảnh giác về an toàn khi thăm ong ở các cột điện như thế này.

img

Quá trình đi săn ong giống thực chất là "mời" ong thăm ống, chọn ống, mà công việc quan trọng nhất là bắt cho được 1 con ong thăm bỏ vào ống ong của mình. Khi ống ong nào đó có nhiều ong thăm về, những người đi săn ong thường gọi điện cho nhau mang ống tới bắt ong thăm. Do đó, tại 1 địa điểm xuất hiện ong thăm thường có hàng chục thậm chí cả trăm ống ong mang đến để săn.

img

Quá trình chờ ong thăm ống diễn ra từ vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ, thậm chí vài tuần, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Lúc này, những người đi săn ong chỉ việc ngồi bên ống ong để chờ kết quả. Đối với người đi săn ong, việc ngồi cả ngày xem ong, quên ăn, quên uống chờ ong đổ bộ là chuyện thường tình.

img

Ong thăm ống rất kỹ, nếu ưng ý, sau khi con ong đầu tiên rời đi nó sẽ kéo một số con ong khác đến (từ vài con đến vài chục con) để xem xét lại. Khi đã "nhất trí" lựa chọn 1 ống ong nào đó, tất cả số ong thăm sẽ rời khỏi ống để đi đón đàn. Trong 1 khoảng thời gian nhất định (tầm vài phút, tùy thuộc vào khoảng cách xa gần) cả đàn ong sẽ đổ bộ đúng vào chiếc ống mà chúng đã lựa chọn, mặc dù xung quanh có hàng chục, hàng trăm chiếc ống khác được thăm. Xem ong đổ bộ là thời khắc hấp dẫn nhất trong suốt quá trình săn ong.

img

Khi ong đã đổ bộ, chỉ có 1 ống có ong, đồng nghĩa với 1 người được ong, những người còn lại phải về không hoặc sẽ tham gia thăm ống mới. Suốt mùa săn ong có người săn được hàng trăm đàn ong, nhưng có người chỉ kiếm được vài đàn. Ong săn được có thể để nuôi, để bán (ong được đong vào bát,100 000 đồng/bát). Những năm qua, cùng với phong trào nuôi ong ở các địa phương, việc săn ong giống được đẩy mạnh. Săn ong giống không chỉ đem lại thu nhập, mà còn đem lại niềm vui cho nhiều người. 

Huy Thư (Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem