Nghệ An: Từng bị kết án tù chung thân, người đàn ông này làm thế nào mà thành nông dân giỏi?

Phan Nga - Trà Giang Thứ năm, ngày 08/04/2021 18:48 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tấn Đức (SN 1962, trú tại xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) từng bị kết án tù chung thân với tội danh giết người.
Bình luận 0

Khi nghe giới thiệu về câu chuyện của ông Đức, chúng tôi bán tín bán nghi. Bởi chỉ cần nghĩ đến "tù chung thân", nhiều người đã có ác cảm, ấy vậy mà người đàn ông này lại làm được điều kì diệu khiến ai ai cũng phải thán phục: Được ân xá, ông trở về làm lụng và trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

"Cởi bỏ" án chung thân

Từ cựu tù chung thân trở thành nông dân giỏi - Ảnh 1.

Hiện ông Nguyễn Tấn Đức có vườn cam Vinh khoảng 350 cây cho quả ngon, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: P.N

Năm 2020, ông Nguyễn Tấn Đức được nhận giấy khen điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Giai Xuân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Tân Kỳ. Ông còn được Công an huyện Tân Kỳ công nhận là gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đức ngậm ngùi nhớ về chuyện gần 30 năm trước: "Hồi đó, vợ chồng tôi từ Nghĩa Hoàn lên Giai Xuân lập nghiệp. Sau một thời gian cũng dần dần ổn định kinh tế nhưng lại bị một số người đố kỵ, ghen ghét. 

Năm 1996, mảnh đất tôi làm nông nghiệp xảy ra tranh chấp, dẫn đến ẩu đả với 5 người nữa, không may khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Mình đâu muốn mọi chuyện xảy ra như vậy".

 Vụ án đó, ông Đức bị kết án tù chung thân vì tội danh "giết người". Án tù khiến ông Đức và gia đình như rơi vào vực thẳm, những tưởng không có ngày đứng dậy được.

"Mình làm thì mình phải chịu, tôi chấp nhận bản án. Song, nỗi lo lớn nhất của tôi là vợ phải một mình nuôi con. Lúc đó, đứa lớn nhất mới 10 tuổi, đứa út 2 tuổi" - ông Đức nghẹn ngào kể.

Thời gian đầu, vợ ông Đức là bà Đoàn Thị Hiền suy sụp, không dám đi ra ngoài vì sợ người đời chỉ trỏ, gièm pha. Nhưng sau đó, bà quyết tâm vực dậy tinh thần để nuôi dạy các con. Bà tin chồng bà sẽ trở về cùng xây dựng lại cuộc đời.

Thụ án ở Thanh Hóa, ông Đức chưa bao giờ thấy cô đơn, bởi năm nào vợ con ông cũng dắt nhau lên thăm, động viên. Dù bị kết án chung thân nhưng ông Đức luôn suy nghĩ tích cực, cố gắng cải tạo.

"Thời gian ở trong tù giúp tôi nhìn nhận lỗi lầm, biết trân quý cuộc sống. Những năm đó, tôi làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm kỹ thuật cho đội nông nghiệp của trại. Cán bộ, quản giáo cũng tin tưởng, giúp tôi có thêm động lực. Bây giờ, năm nào các cán bộ trại cũng gọi điện hỏi thăm" - ông Đức tâm sự.

Ông Đức kể, giai đoạn đó, khi ở tổ thủ công mỹ nghệ, ông làm thú nhồi bông mang đi thi đạt giải Nhất toàn miền Bắc, rồi lại làm kỹ thuật cho đội nông nghiệp ở trại hơn 10 năm. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp ông được giảm án tù chung thân xuống 20 năm, rồi được đặc xá tha tù trước thời hạn.

"Từ ngày 17/4/1996 đến ngày 28/08/2010, tổng cộng tôi mất 14 năm 4 tháng 15 ngày để trả giá cho tội lỗi của mình" - ông Đức rơm rớm nước mắt...

Nỗ lực phi thường

Ông Vũ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết: "Sau khi mãn hạn tù, về địa phương, ông Đức luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tái hòa nhập cộng đồng rất tốt, đồng thời xây dựng kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao. Năm 2019 - 2020, gia đình ông Đức được trao giấy khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện".

Tiếp câu chuyện, ông Đức cho biết: "Khi ra tù tôi như được sinh ra lần thứ hai. Lúc trở về, tôi cũng rất mặc cảm nhưng khi tiếp xúc thấy cán bộ, bà con lối xóm không ai xa lánh, ghét bỏ gì mình, tôi càng có quyết tâm vươn lên làm lại cuộc đời".

Mảnh đất trước đây, sau biến cố, ông bà không giữ được. Ông Đức quyết tâm đấu thầu đất trống của xã để trồng cây ăn quả. Hiện nay, ông Đức đang có vườn cam Vinh với khoảng 350 cây. Trong vườn cam, ông kết hợp trồng bưởi, ổi, vú sữa, quýt, mận…

Nghệ An: Từng bị kết án tù chung thân, bất ngờ  trở thành nông dân giỏi - Ảnh 4.

Ông Đức kể về quá trình hòa nhập cộng đồng, làm kinh tế của gia đình.

 Ông Đức ủ hoai phân bò, tự làm thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học (tỏi, gừng, ớt, rượu, giấm, mật ong…) ủ trong 6 tháng. Cam được bón phân 3 lần/năm, ngoài bón phân chuồng ủ hoai thì bón thêm phân NPK. Cách chăm sóc này hơi cầu kỳ, nhưng thu được những quả cam to đẹp, vị ngọt đậm. Giá bán cam tại trang trại của ông luôn ổn định mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, giúp gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng cây ăn quả, ông còn trồng 5ha cây keo lấy gỗ. Cây keo 5 năm tuổi sẽ có giá 1 - 2 triệu đồng/cây, trên 10 năm tuổi bán được 10 - 15 triệu đồng/cây.

Bên cạnh trồng trọt, ông Đức còn nuôi thêm đàn bò gần 30 con. Mỗi năm, ông bán khoảng 15 con bò cỏ với giá từ 9 - 16 triệu đồng/con có thêm hơn 200 triệu đồng/năm.

Từ cựu tù chung thân trở thành nông dân giỏi - Ảnh 3.

Ông Đức nhận được bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: T.G

Theo ông Đức, với mô hình vườn - chuồng - rừng, ông tận dụng được hết phân bò thải ra để làm phân bón cho cây, ngoài ra ông thả bò trong rừng keo cho chúng ăn cỏ. Điều này giúp ông tiết kiệm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao. 

"Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thêm một trang trại nuôi lợn với vốn đầu tư khoảng 200 - 300 triệu, đồng thời trồng thử nghiệm một số giống cây mới. Nếu thành công sẽ nhân rộng ra diện tích lớn" - ông Đức chia sẻ.

Sản xuất sạch, sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông Đức luôn được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, ông không giữ khư khư cho riêng mình. Có bí quyết trồng cây, chăn nuôi cho hiệu quả cao, ông Đức chỉ dẫn nhiệt tình cho mọi người cùng làm. Một số hộ gia đình trong xã đã học hỏi theo cách làm của ông.

Ông cho rằng, đó là cách ông trả ơn Nhà nước đã khoan hồng, trả nợ cuộc đời, trả nợ xã hội đã đón nhận lại ông… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem