3 năm sản xuất chẳng có ăn
Chúng tôi về cánh đồng muối Hòn Khói - vùng làm muối thủ công truyền thống có từ thời Pháp thuộc, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Ninh Diêm và Ninh Hải. Thời điểm này, diêm dân ở Hòn Khói chuẩn bị bước vào niên vụ muối mới.
Diêm dân Ninh Diêm chuẩn bị bước vào vụ muối mới.
Ông Trương Công Hiến, GĐ HTX muối 1/5 Ninh Diêm, phường Ninh Diêm, cho biết, dù bắt tay vào vụ muối 2018, nhưng các thành viên HTX chẳng vui mừng. Vì cơn bão số 12 đổ bộ vào đầu tháng 11 năm ngoái đã làm toàn bộ kênh mương, ruộng muối của HTX bị sạt lở, bồi lấp nặng nề. Do đó để sản xuất được HTX đã chi khoảng nửa tỷ đồng phục vụ cho việc cải tạo.
Điều ông Hiến trăn trở là 3 năm gần đây HTX làm ăn không thuận lợi, tài chính ngày càng eo hẹp. “Năm 2015, giá muối xuống thấp bình quân chỉ 400 ngàn đồng/tấn nên chúng tôi làm chẳng có lãi. Tiếp đến năm 2016, HTX lỗ nặng hơn vì không chỉ giá muối thấp khoảng 380 ngàn đồng/tấn, mà tổng sản lượng cả vụ chỉ đạt 33% kế hoạch đề ra.
Thê thảm nhất là năm 2017, khi HTX bỏ ra hơn 300 triệu đồng chi cải tạo ruộng muối nhưng đành mất trắng hoàn toàn. Bởi cứ cải tạo ruộng xong, trời lại đổ mưa nên chẳng sản xuất được gì”, ông Hiến than vãn.
Ông Hiến còn tiết lộ số tiền cải tạo kênh mương và ruộng muối năm nay được các thành viên trong HTX cho mượn sổ đỏ nhà để “cắm” ngân hàng mới có được. Và, sở dĩ HTX liều mượn sổ đỏ các thành viên vay vốn cũng vì đặt lợi ích của 500 diêm dân lên hàng đầu, nhằm tạo công ăn việc làm cho họ, chứ để ruộng trống thì chẳng đành.
Ông Lê Văn Ba tâm sự nghề làm muối bây giờ chẳng đủ nuôi sống bản thân
Rời trụ sở HTX, chúng tôi ra cánh đồng muối. Trời nắng gắt, gió thổi tấp vào mặt thật khó chịu. Đang hì hụi phụ trách công việc lấy nước vào ruộng muối, thấy chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm về nghề, diêm dân Lê Văn Ba (70 tuổi) dừng tay, gạt mồ hôi ướt đẫm, lên bờ trò chuyện.
“Làm muối cực nhọc đã đành nhưng thu nhập của diêm dân bây giờ chẳng nuôi sống đủ bản thân. Như tổ của tôi có 10 người, nhận sản xuất muối trên diện tích hơn 1ha, trong đó 3 sào là ruộng muối kết tinh. Nếu muối được mùa, mỗi mẻ cào chúng tôi thu được 6 tấn. Những năm gần đây thời tiết không thuận lợi nên thu không đạt, giá muối lại bấp bênh nên cả vụ sau khi chia năm sẻ bảy, riêng tôi kiếm chỉ 6 - 7 triệu bạc. Bản thân tôi là còn đỡ, chứ các diêm dân phụ trách gánh muối, còn thua lỗ do mướn công thêm phụ gánh nhưng tiền chia không đủ trả”, ông Ba chia sẻ.
Đầu vụ giá đã hạ
Trước tết, giá muối sản xuất trên nền đất được thương lái thu mua với mức 1,4 triệu đồng/tấn, khiến diêm dân phấn khởi với hy vọng vụ này giá muối khởi sắc. Thế nhưng sau tết đến nay giá muối bắt đầu hạ xuống, hiện chỉ còn 700 ngàn đồng/tấn.
Những năm gần đây thời tiết không thuận lợi, giá muối thấp nên diêm dân sản xuất chẳng có ăn.
Tôi hỏi, giá muối này diêm dân sản xuất liệu còn có lãi? Ông Hiến, GĐ HTX muối 1/5 Ninh Diêm nói, giá này chỉ lấy công làm lãi, chứ thấp hơn là lỗ do năm nay các chi phí đều tăng cao.
Điều ông Hiến cũng như diêm dân Hòn Khói không khỏi lo lắng với giá muối hiện nay vì mới đầu vụ họ chưa sản xuất có muối mà giá đã hạ rồi. Vậy khi bước vào vụ sản xuất đại trà, muối làm ra nhiều giá sẽ ra sao?!
Câu hỏi đặt ra bao giờ giá muối ổn định, luôn khiến ông Hiến trăn trở dù hiện nay HTX đã làm tốt khâu đầu ra. “Muối chúng tôi sản xuất đến đâu là tiêu thụ đến đó, chẳng bao giờ tồn đọng vì HTX có hợp đồng với nhiều tư thương mua muối. Tuy nhiên chúng tôi lo ngại nhất về giá cả. Một khi nhà nước cho nhập muối, thì các con buôn ở đây “đánh tin” rất nhanh. Họ bắt đầu lấy cớ thừa muối, rồi không mua, giảm giá khiến chúng tôi sản xuất thua lỗ”, ông Hiến cay đắng.
Kim Sơ (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.