Dịch vụ lạ nở rộ
Một tấm bảng trung tâm dịch vụ đẻ thuê ở Lào.
Nhiều phòng khám sản khoa ở thủ đô Vientiane, Lào đã mọc lên như nấm sau mưa sau khi nhiều quốc gia láng giềng châu Á cấm mang thai hộ từ năm 2001. Các phòng khám với tên gọi rất “kêu” như “Phép màu”, “Hoàn hảo” giúp chúng nổi bật hơn giữa những con đường cát bụi mịt mù trên cao tốc giáp biên giới Thái Lan.
“Lào có một chính phủ tuyệt vời. Việc mang thai hộ hay hiến trứng không hề phi pháp”, một bác sĩ sản khoa, nói. Ông hy vọng sẽ thu hút khách hàng từ nhiều quốc gia khác tới sử dụng dịch vụ của mình.
Tháng 4 vừa qua, cảnh sát Thái Lan bắt giữ một công dân tuồn lậu 6 lọ tinh dịch vào Lào, đựng trong thùng ni tơ lỏng. Số tinh dịch này được sử dụng cho các phòng khám tại Vientiane. Lào đang trở thành thiên đường cho những cặp đôi hiếm muộn, theo thông tin của hai tổ chức tư vấn trả lời hãng tin Reuters. Hiện tại chưa có con số chính xác bao nhiêu phòng khám hiếm muộn và mang thai hộ đang hoạt động tại quốc gia này.
“Nhiều người tìm tới Lào”, Sam Everingham, giám đốc quỹ “Gia đình thông qua mang thai hộ” có trụ sở ở Australia, nói. Ông cho biết 4 năm qua, ít nhất 600 cặp vợ chồng Australia đã tới Lào để nhờ mang thai hộ.
Tuy nhiên, Sam nói rằng Lào có thể sẽ cấm việc thương mại hóa mang thai hộ trong tương lai gần. Nỗi lo này cũng được một tổ chức mang tên “Mang thai hộ Nhạy cảm” có trụ sở ở Nevada (Mỹ) chia sẻ.
Bên ngoài một trung tâm mang thai hộ.
Mang thai hộ là dịch vụ bị cấm ở phần lớn các quốc gia châu Á và mới nhất là Thái Lan năm 2015 sau nhiều vụ lùm xùm. Bất chấp lệnh cấm, nhiều bố mẹ hiếm muộn vẫn tìm tới các quốc gia châu Á vì chi phí rẻ hơn ở châu Âu hay châu Mỹ.
Gói dịch vụ mang thai hộ từ khám thai cho tới lúc đứa bé ra đời vào khoảng 51.000 USD (hơn 1,3 tỉ đồng), theo thông tin của tổ chức New Genetics Global. Giá này rẻ thứ ba thế giới chỉ sau Ukraine và Kenya.
Người mẹ mang thai hộ chỉ nhận được một khoản tiền rất nhỏ nhưng vượt hơn nhiều thu nhập hằng tháng của họ. Một cô gái 28 tuổi từng mang thai hộ tiết lộ với Reuters rằng cô được trả 8.000 USD (khoảng 180 triệu đồng), gấp 72 lần tháng lương cơ bản của cô. Người mẹ này được cấp nơi ăn ở tại Bangkok trong thời gian 3 tháng cuối của thai kỳ.
Sinh ra ở Thái Lan
Tại Lào, việc đẻ thuê là hợp pháp.
Rất ít cơ sở y tế ở Lào đủ máy móc hỗ trợ mang thai hộ, nhất là với trường hợp sinh đôi. Hầu hết các ca sinh đôi bằng thụ tinh ống nghiệm ở Lào dễ nảy sinh tình trạng thai non và cần chăm sóc đặt biệt.
“Chăm sóc đặc biệt sau sinh chỉ có ở Thái Lan”, Everingham nói. Thái Lan cấm mang thai hộ sau khi một cặp vợ chồng Australia chối bỏ đứa con của mình do em mắc hội chứng Down.
Tuy nhiên, một phụ nữ mang thai hộ sinh con và đứa trẻ đó được nuôi tại Thái Lan không bị xem là phạm luật, theo Thongchai Keeratihuttayakorn, phó giám đốc Cục Chăm sóc Dịch vụ sức khỏe.
“Nếu một phụ nữ Lào được thuê để đẻ nhưng sinh con ở Thái Lan, chúng tôi không xem đây là hành động phi pháp”, Thongchai nói với hãng tin Reuters.
“Chúng tôi không hề sử dụng một người mẹ Thái Lan mang thai hộ”, Anthony Fisk, cha của đứa trẻ mang thai hộ ở Campuchia và sinh ra ở Thái Lan, nói. Fisk cho biết con của ông có hai quốc tịch.
Hãng tin Reuters cho biết hiện nay ở Bangkok có 3 bệnh viện không chấp thuận đỡ đẻ cho các ca mang thai hộ. Ngoài các cặp vợ chồng phương Tây hiếm muộn, nhiều phòng khám ở Lào đang để mắt tới các cặp vợ chồng Trung Quốc, nơi có tới 90 cặp đôi muốn có con thứ hai sau hàng thập kỷ chính sách một con được thực thi.
Các cặp vợ chồng này gặp khó khăn trong việc mang thai và có tới 60% phụ nữ đã trên 35 tuổi. Hiện chưa có con số chính thức số ca sinh hộ ở Trung Quốc nhưng ước tính có khoảng 1 vạn trẻ ra đời mỗi năm.
Trải qua một thời gian rất thịnh hành, nghề “đẻ mướn“ đang bị chính quyền Ấn Độ siết lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.