Từ làm thợ…
Nghề cơ điện nông thôn được hiểu theo nghĩa khá rộng: Kỹ năng nghề được áp dụng cho nhiều loại máy móc có chạy điện ở nông thôn; vận hành - thiết kế hệ thống điện trong các gia đình, trang trại. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thực - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề và nông lâm Phú Thọ cho biết, ở trình độ trung cấp, học viên học nghề cơ điện nông thôn có thể sử dụng thành thạo các thiết bị, dụng cụ tháo lắp, đo kiểm thông thường dùng trong sửa chữa cơ khí và điện.
|
Dạy nghề cơ điện cho lao động nông thôn. |
Thợ tay nghề bậc 3/7 có thể phát hiện được sự cố, kiểm tra và sửa chữa được những hư hỏng thông thường của các máy động lực, các thiết bị điện dùng trong sản xuất, sinh hoạt ở nông thôn như động cơ nổ, động cơ điện, máy bơm nước, máy xay xát, máy làm đất, hệ thống điện chiếu sáng… Ngoài ra, thợ cũng có kỹ năng tính toán, lắp đặt được hệ thống cung cấp điện dân dụng tại các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở nông thôn.
Tại nhiều khu vực nông thôn, nhất là vùng đang phát triển các trang trại, gia trại sử dụng nhiều thiết bị điện, nhu cầu về thợ có nghề cơ điện nông thôn khá lớn. Anh Bùi Ngọc Phi, thợ điện ở khu vực Ba Vì (Hà Nội) cho biết, nhờ có nghề cơ điện, một mình anh vận hành và bảo dưỡng cho hệ thống điện của hơn chục trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn.
“Mỗi trang trại có hàng trăm thiết bị sử dụng điện, hầu hết các kỹ năng về vận hành điện đều có thể áp dụng như thiết kế mạng lưới điện, lắp aptomat, lắp đặt các ổ điện để đảm bảo đúng tải, bảo vệ các thiết bị điện… Các thiết bị điện cũng cần bảo dưỡng thường xuyên, nên tôi chỉ cần làm cho hơn chục trại lợn đã không hết việc”- anh Phi nói.
… tới tự làm tự ăn
Chính vì nhu cầu lớn nên hiện nhiều tỉnh, thành chọn nghề cơ điện nông thôn là nghề đào tạo ngắn hạn cho nông dân. Ở trình độ sơ cấp (đào tạo 3 tháng), người học có thể lắp đặt thiết bị điện sinh hoạt: Hiểu và vẽ được sơ đồ mạch điện dùng trong sinh hoạt gia đình, lắp đặt được mạng điện sinh hoạt trong hộ gia đình và cơ sở sản xuất nhỏ. Biết công dụng một số thiết bị như cầu dao, cầu chì, bảng điện…
Theo phụ lục 211 nghề ngắn hạn dạy cho lao động nông thôn, nghề cơ điện nông thôn còn được “chẻ” nhỏ ra gồm: Quản lý điện nông thôn, Điện công nghiệp, sửa chữa cơ khí nông thôn.
Ông Lê Văn Tình - giáo viên Trung tâm Dạy nghề tứ giác Long Xuyên cho biết, với đối tượng rặt “Hai Lúa” thì việc thiết kế bài giảng cũng phải hết sức linh động và hướng dẫn thật cụ thể. Ví dụ, mỗi phần có từng bài, như bài lắp đặt cầu chì, lắp đặt aptomat, lắp đặt mạch điện cho đèn sợi đốt; lắp đặt điện 1 pha, 3 pha... Tổng thời gian học 454 giờ, trong đó 304 giờ là thực hành. Kết thúc khoá học, hầu hết học sinh có thể “sửa chữa vặt các đồ điện ở nhà và thiết kế hệ thống điện cho gia đình”. Tuy nhiên, theo ông Tình, để có thể làm nghề thực sự, học viên cần phải học thêm.
Để giúp người dân có nhiều sự lựa chọn, ở một số tỉnh thành, các trung tâm dạy nghề chọn mô hình liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề để tổ chức dạy nghề cơ điện nông thôn ở trình độ cao hơn. Chẳng hạn, mới đây nhất, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên (Yên Bái) liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp (Bộ NNPTNT) mở 2 lớp cao đẳng nghề cho 112 sinh viên học tại huyện. Ngoài kỹ thuật, học sinh được học thêm các môn pháp luật; tin học; ngoại ngữ; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng… giúp nâng cao trình độ cho lao động ở các vùng xa xôi, khó khăn nhất.
Hồng Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.