Nghề đổi mạng người

Thứ ba, ngày 13/12/2011 14:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Câu ví này quả không sai với những người thợ làm đá ở xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Nghề này mang lại thu nhập cho người dân, nhưng cũng mang tới nhiều bệnh tật nguy hiểm.
Bình luận 0

Nhọc nhằn với nghề chạm khắc đá

Xã Hải Lựu nổi tiếng với nghề chạm khắc đá, được công nhận là nghề truyền thống năm 2005. Vào mùa cao điểm, cả xã có hơn 500 lao động làm đá, cho thu nhập trung bình 4-6 triệu đồng/người/tháng.

img
Thợ đá bảo hộ sơ sài, coi thường sức khỏe (ảnh chụp tại làng nghề Hải Lựu).

Anh Nguyễn Tiến Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Dừa Lẽ, xã Hải Lựu cũng là chủ hai chòi đá chia sẻ: “Nghề này vất vả, những nghề khác một công thợ (một ngày công) chỉ 100 nghìn, chứ làm đá một công không được 200 nghìn đồng thì chẳng ai làm”.

Tại chòi đá của anh Sơn, dù đã 12 giờ trưa nhưng 3-4 thanh niên vẫn gồng mình lăn chuyển những khối đá lớn vừa khai thác được để chuẩn bị cho việc chạm khắc. Cái lạnh giá của khí hậu vùng núi cũng không lại được với sự vất vả của những tay thợ, mồ hôi vẫn thi nhau tuôn nhễ nhại trong tiết trời đông.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (thôn Hoà Bình, xã Hải Lựu) từng là thợ lâu năm trong làng nghề cho biết: “Để một phiến đá trở thành sản phẩm được bày bán trên thị trường phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết cần khai thác đá trên núi sau đó vận chuyển về rồi chọn lọc, cưa cắt theo hình khối và cuối cùng là đục đẽo, đánh bóng biến những khối đá thô ráp thành những “tác phẩm” như mong muốn”.

Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những tác phẩm tượng phật đá, tượng người… lần lượt ra đời. Ngoài ra, thợ ở đây còn làm các phiến đá xẻ, đá ốp chất lượng cao, ốp khảm trong các công trình lớn.

Hiểm họa từ bụi

Có chứng kiến cảnh hành nghề của mấy người thợ chế tác đá mới thấy hết những khó khăn và nguy hiểm mà họ thường xuyên phải đối mặt. Dừng chân tại một chòi đá, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là lớp bụi mù mịt, bao phủ cả một góc nhà. Cùng với đó là tiếng máy cưa, tiếng búa đập liên hồi, nghe inh tai nhức óc.

Bà Hán Thị Mót - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Lựu cho biết: “Do phải thường xuyên tiếp xúc với bụi đá, bảo hộ lại sơ sài nên đa phần thợ đá nơi đây mắc phải những căn bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, lao...”.

Bà Mót cũng cho biết thêm: Điều nguy hiểm là tuy làm việc trong môi trường độc hại, nhưng người dân lại chủ quan, cho rằng nghề không ảnh hưởng tới sức khoẻ, sống chết có số. Do vậy, dù có tuyên truyền thì cũng rất ít người đi khám và điều trị vì sợ tốn kém.

Theo thông tin từ UBND xã Hải Lựu, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn đồng ý với chủ trương xây dựng khu làng nghề tập trung rộng 2ha trên địa bàn xã Hải Lựu. Nếu dự án được triển khai, ngoài vấn đề giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, vấn đề bảo hộ lao động cũng sẽ được đặt ra để tìm hướng giải quyết.

Bà Bùi Thị Hải (Đồng Trổ, Hải Lựu), ngoài 70 tuổi, buồn rầu vì đứa con trai 43 tuổi đang nằm viện cả tháng nay vì lao phổi do ảnh hưởng từ bụi đá. Bà tâm sự: “Ngày trước nó cũng làm đá như người ta, từ ngày sức khỏe giảm, nó chuyển qua làm bên xây dựng được 2-3 năm nay. Giờ nằm trong viện, nó cứ hỏi tôi không biết nó có sống được không”.

Được biết, năm nào thôn Đồng Trổ cũng có người nhập viện vì lao phổi mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ bụi đá. Trong số đó có không ít người qua đời vì không chữa trị kịp thời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Tiến Trung - cán bộ xã Hải Lựu cho biết: “Hiện nay vì chưa có kinh phí, người dân chủ yếu làm nghề tự phát theo hộ gia đình nên vấn đề an toàn lao động chưa được quan tâm nhiều, việc kiểm soát bệnh nghề nghiệp liên quan tới nghề đá lại càng không có”.

Ông Trung lo lắng: “Dù thu nhập có cao hơn so với nhiều nghề khác nhưng nếu nhà nước không có biện pháp hỗ trợ, cảnh báo người dân thì thợ làng nghề chẳng mấy chốc phải đổi mạng vì kiếm sống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem