Nghề không lương, những hy sinh thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng

Nguyệt Minh Thứ năm, ngày 20/07/2023 06:13 AM (GMT+7)
Nơi những xóm đạo yên bình thuộc địa phận Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), vẫn đang có những người hằng ngày không quản ngại vất vả để làm công việc không lương khiến nhiều người sợ… đó là nhặt và chôn cất xác thai nhi.
Bình luận 0


Nghề không lương, những hy sinh thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng. Thực hiện: Nguyệt Minh

Mang đến mái nhà trọn vẹn cho những sinh linh vô tội

Theo lời kể, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Khuyên (60 tuổi, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Cuộc gặp gỡ đặc biệt hơn bao giờ hết khi địa điểm gặp mặt lại chính là nghĩa trang xã.

Trời hè nắng gắt, từng đợt gió nóng phả vào mặt như muốn đốt da. Giữa cái nóng của mùa hè, ai cũng muốn ở trong nhà để tránh nắng. Bà Khuyên lại tranh thủ giờ nghỉ trưa ra nghĩa trang để thăm khu mộ chôn cất thai nhi. 

Tay thoăn thoắt nhặt từng đám cỏ, bà Khuyên không thấy mệt nhọc: “Tôi đã làm công việc này từ năm 2013 đến giờ. Lúc rảnh là tôi  ra đây nhặt cỏ, thắp hương. Các con bị bỏ rơi, mình có duyên mang các con về đây thì cũng cần phải có trách nhiệm quan tâm các con”.

Nghề không lương, những hy sinh  thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Khuyên (60 tuổi, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) không quản ngại trời nắng, vẫn đang chăm sóc để khu mộ thai nhi được trang trọng. Ảnh: Nguyệt Minh

Khu mộ chôn cất thai nhi tại nghĩa trang xã Cồn Thoi được xây dựng từ năm 2013 với chi phí khoảng 100.000.000 đồng, đây là số tiền quyên góp từ những người có lòng hảo tâm trên mọi miền đất nước. Hiện khu mộ đã chôn cất hơn 2.000 xác thai nhi trong suốt 10 năm qua. 

Nhặt xác và chôn cất thai nhi vốn là việc không chỉ cần sự can đảm. Thời gian đầu bà Khuyên cũng có chút sợ và lo lắng, thậm chí gia đình bà cũng chưa hiểu được lý do vì sao bà lại làm công việc này. Thế nhưng, khoảnh khắc khi thấy những xác thai nhi bị gói trong túi bóng, bị bỏ lại trong những bãi rác đã khiến trái tim của bà Khuyên trở nên mạnh mẽ, vượt qua tất cả những nỗi sợ hãi. 

“Nhìn các con tôi xót lắm, những sinh linh bé bỏng ấy nào có tội gì. Chính vì thế, tôi muốn góp sức giúp các con có một nơi ở cuối cùng thật trọn vẹn” - bà Khuyên tâm sự. Đối với bà Khuyên, đây là công việc không được trả bằng tiền, nhưng lại là công việc tích đức, giúp tâm bà cảm thấy an nhiên hơn.

Nghề không lương, những hy sinh  thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng - Ảnh 3.

Khu mộ thai nhi tại xã Cồn Thoi đã chôn cất hơn 2.000 xác thai nhi trong suốt 10 năm qua. Ảnh: Nguyệt Minh

“Chúng tôi không quan tâm đến việc bị kì thị” 

Phóng viên tìm đến gặp ông Trần Văn Nhiên, (69 tuổi, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) trưởng Ban “Bảo vệ sự sống” giáo phận Phát Diệm - nơi bà Khuyên đang làm thành viên với nguyện vọng tìm hiểu sâu hơn về công việc thiện nguyện mang đầy tâm huyết của ông và cả nhóm. Sau khi hiểu mong muốn của chúng tôi, ông nhiệt tình mời chúng tôi vào nhà. Ấm trà mới được pha, chúng tôi lại bắt đầu được hòa mình vào hành trình của ông Nhiên thông qua những lời kể. 

Ông Nhiên cho biết: “Sau khi được sự đồng ý của các cha xứ, ban “Bảo vệ sự sống” được ra đời từ năm 2013. Hiện nay, trên toàn giáo phận Phát Diệm có hơn 70 thành viên, tại giáo xứ Cồn Thoi có 5 thành viên đang hoạt động tích cực”.

Nghề không lương, những hy sinh  thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Nhiên, (69 tuổi, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) trưởng Ban “Bảo vệ sự sống” giáo phận Phát Diệm. Ảnh: Nguyệt Minh

Trong nhóm nhỏ ở xã Cồn Thoi, các thành viên hầu như thuộc độ tuổi trung niên, thành viên trẻ nhất hiện tại cũng đã hơn 36 tuổi. Họ vẫn luôn chăm chỉ vun vén hạnh phúc của gia đình riêng bên cạnh công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa.

“Trong suốt 10 năm qua, trên toàn địa phận Phát Diệm đã thu gom và chôn cất được 19.700 xác thai nhi. Những năm gần đây thì số lượng thai nhi đã ít hơn nhiều rồi. Thương các con, sao lại chặn sự sống của những đứa trẻ vô tội. Chúng tôi cố gắng đồng hành, giúp các con có chặng đường cuối cùng trọn vẹn hơn”.

Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được những mầm giống tích cực mà ông Nhiên, bà Khuyên hay những người khác đang gieo cấy. Ông Nhiên bày tỏ: “Bên cạnh những người thông cảm, nhiều người họ không hiểu nên họ sợ… sợ gần những người làm công việc như chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng tới những người có sức khỏe không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi không quan tâm đến việc bị kì thị, chúng tôi chỉ cố gắng vì lý tưởng của mình”.

Nghề không lương, những hy sinh  thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng - Ảnh 5.

Danh sách những thai nhi đã được ban chôn cất cẩn thận. Ảnh: Nguyệt Minh

Việc bị nhiều phản ứng trái chiều nên ông Nhiên gặp khó khăn trong việc thiếu cộng sự. Hầu như những người tham gia đồng hành cùng ông đều là những người đã lớn tuổi, rất ít người trẻ.

Nhắc về chuyện nhận được những phản ứng trái chiều, bà Khuyên tâm sự: “Nhiều khi, người ta không nói trực tiếp nhưng người ta cố gắng tránh gặp mình. Thấy tôi đi lễ ở nhà thờ nhiều người cũng tạo khoảng cách. Thế nhưng dần cũng quen và tôi cũng hiểu rằng họ cũng không có ý xấu, chỉ là họ còn chưa hiểu về ý nghĩa của công việc chúng tôi đang làm”.

Cứ vậy, những người làm công việc không lương này ngày càng vững tâm, họ kiên cường theo đuổi ý niệm thiện nguyện của mình, mạnh mẽ để vượt qua những định kiến ngoài xã hội.

Những mầm sống được nảy sinh

Không chỉ tìm kiếm và chôn cất xác thai nhi, ban “Bảo vệ sự sống” còn có một công việc hết sức đặc biệt, chính là động viên, đồng hành để nhiều bà mẹ để họ yên tâm giữ con lại. Ông Nhiên tự hào: “Đây là điều mà chúng tôi hướng đến, thứ nhất là gỡ cho đứa con được sống, thứ hai là gỡ cho lòng người mẹ được bình yên”.

Từ các nguồn tin được báo đến, ban của ông Nhiên sẽ phân tích, tìm hiểu, sau đó gặp trực tiếp người có ý định phá thai trong khu vực. Không chỉ làm công tác tâm lý, ban còn trích tiền chăm sóc và đồng hành cùng thai phụ trong cả chặng đường mang nặng đẻ đau. 

“Chúng tôi thay phiên nhau đi đến thăm nom từng trường hợp. Cũng vất vả vì phải đi suốt, nhưng đổi lại cuối cùng là niềm hạnh phúc khôn tả khi một đứa trẻ được chào đời trong yêu thương” - Ông Nhiên hạnh phúc chia sẻ.

Nghề không lương, những hy sinh  thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng - Ảnh 6.

Hòm công đức được đặt tại khu mộ thai nhi cũng nhân được sự ủng hộ từ những nhà hảo tâm. Ảnh: Nguyệt Minh

Chính bởi những tác động thiết thực này, mà ngày càng nhiều những đứa trẻ tưởng chừng như lỡ duyên với thế giới lại được chào đời một lần nữa. Trong 10 năm qua, đã có 17 đứa trẻ tại giáo xứ Cồn Thoi, 117 em trên toàn địa phận Phát Diệm được chào đón đến với thế giới bằng cách này.

Nhắc đến đây, ông Nhiên không giấu nổi sự tự hào và niềm vui trong ánh mắt: “Có nhiều người cảm ơn chúng tôi vì đã đến đúng giây phút họ có suy nghĩ lầm lỡ. Họ cảm thấy rất may mắn khi chúng tôi đã đồng hành cùng họ trong lúc khó khăn để những đứa trẻ được chào đời”.

Hằng năm mỗi dịp trung thu, tết thiếu nhi hay tết nguyên đán, ông Nhiên cùng những cộng sự của mình lại tất bật chuẩn bị những món quà xinh xắn để đến thăm những bạn nhỏ này. “Chúng nhận ra chúng tôi, bám lấy người mà ôm, khoảnh khắc ấy tôi lại càng cảm thấy công việc mình đang làm thật đúng đắn”.

Không chỉ có thế, chính những người làm cha, làm mẹ đã từng có ý định bỏ đi đứa con của mình đều cảm thấy biết ơn, hạnh phúc khi nhờ có sự giúp đỡ của ban, họ đã vượt qua thời gian khó khăn nhất.

Nghề không lương, những hy sinh  thầm lặng vì hạnh phúc cộng đồng - Ảnh 7.

Đối với Ban Bảo Vệ Sự Sống, việc chôn cất xác thai nhi là một việc linh thiêng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, đồng hành để hạn chế tình trạng phá thai cũng là mục tiêu quan trọng của ban. Ảnh: Nguyệt Minh

“Mỗi lần đi thăm là một lần xúc động, nhiều người sau khi sinh con đã nói với chúng tôi rằng “Đây là sự thật mà cứ ngỡ là mơ. Nhiều ông bà khi thấy cháu mình lớn lên khỏe mạnh cũng mừng không kìm được nước mắt” - Ông Nhiên bày tỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem