Kịp thời
“Sự xuất hiện của mẫu nghê này rất kịp thời, thỏa mong chờ của dư luận cũng như những người mong ngóng có linh vật Việt vừa thân thiện, ấm áp, gần gũi và cũng đủ nội lực, sức mạnh. Sức mạnh ấy không phải thể hiện trên sự sắc nhọn, gai góc. Nghệ sỹ, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ chọn theo mẫu con nghê gỗ to nhất hiện nay, đặt ở đền vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa) niên đại thế kỷ XVII”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.
Nghệ sỹ Văn Vũ tạo tác mẫu bằng đất sét mô phỏng nghê Việt thế kỷ XVII ở đền vua Lê. Ảnh: Anh Phạm
Chiều 8/1, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cùng đoàn chuyên gia về thăm xưởng điêu khắc của anh Vũ tại Từ Liêm. Bức tượng nghê bằng đất sét cao gần 1m trong giai đoạn cuối tạo tác. “Ban đầu khó khăn, vì tất cả mẫu không hoàn thiện. Con thiếu đuôi, con thì đường mẫu hoa văn tạo hình bị khuyết do chiến tranh, hoặc thời gian. Mất khoảng hai tháng để làm con nghê, trải đủ công đoạn tìm mẫu, nghiên cứu, nặn trên đất sau đó mới chuyển chất liệu thạch cao, rồi chất liệu khác”, anh Vũ chia sẻ. Mẫu nghê này tạo nên sau khi nghiên cứu ba con nghê cùng thời Lê. Từ đất sét, anh Vũ nói sẽ chuyển chất liệu, đục một đôi bằng đá nhân tạo, sau khi được một bộ linh vật trên dưới 20 con sẽ chuyển kích cỡ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế ủng hộ quan điểm phải bảo tồn mẫu “gen” quý từ các con nghê cổ. Như con nghê tại đền vua Lê này cũng cho thấy hành trình thăng trầm, vốn là đôi nghê nhưng do chiến tranh chỉ còn lại một con. Làm tốt, đúng quy trình như anh Vũ là đầu tiên, được các nhà quản lý đánh giá cao. Trong quá trình tạo hình được sự giúp đỡ của nhóm Vr3D của Nguyễn Trí Quang để có những góc nhìn đa chiều.
Người ta nói nghê Việt có yếu tố của rồng, tạo hình của một loài chó rất khỏe. Các chuyên gia cho rằng đây là một mẫu mà về niên đại, lai lịch không ai có thể nghi ngờ tính chất kinh điển. Nó là linh vật, vì được đặt ở đền thờ vua Lê Thánh Tông. Từ đây có thể xem nghê là linh vật mang tính hoàng gia, tiêu chuẩn cao nhất trong nghệ thuật của một thể chế.
“Khuyến mãi” linh vật Việt
Công việc của anh Vũ cùng nhiều nghệ nhân các làng nghề khác cho thấy hiệu ứng mạnh mẽ của Công văn 2662, về việc dọn dẹp các hiện vật ngoại lai không phù hợp khỏi di tích, nơi công cộng. “Chúng tôi đánh giá cao sự sáng tạo, tâm huyết của nghệ sỹ với sản phẩm này. Nó giúp bảo tồn, phục dựng và quảng bá nét đẹp các linh vật truyền thống. Chúng tôi tin mẫu nghê này sẽ được người dân hưởng ứng”, bà Bích Liên nói.
Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, điều đáng mừng là nhiều nghệ nhân các làng đá bắt đầu gửi sáng tác, cùng Cục xem xét mẫu mới để triển lãm giới thiệu cho dân. Bộ VHTT&DL có bộ sưu tập linh vật các thời kỳ, in thành tập san, bưu thiếp hoặc in lịch để quảng bá.
Sau khi có Công văn 2662 thị trường tiêu thụ linh vật ngoại lai biến động mạnh, nhiều làng nghề lâm vào khủng hoảng vì ế ẩm. Với nhà điêu khắc Văn Vũ, anh xem đây là cơ hội cho giới sáng tác, nghệ nhân cũng như người dân Việt nói chung. Sau khi xem triển lãm về linh vật Việt ở bảo tàng Mỹ thuật về, anh giật mình về vốn linh vật truyền thống đẹp, phong phú. Anh kể khi mô phỏng con nghê này, khách hàng đến xem không nghĩ nghê Việt lại đẹp thế.
Có thực tế là hơn chục năm nay, nhiều mẫu linh vật Việt làm ra không bán được. Thói quen dùng sư tử đá Trung Quốc dễ mà thay đổi? “Tôi sẽ vận động khách hàng bằng khuyến mãi. Một đôi nghê giá 20 triệu đồng chẳng hạn, bước đầu tôi chỉ lấy một nửa. Tôi đã nhận đặt hàng của ba công ty ở Hà Nội, Nghệ An. Hy vọng dần dần nhiều người sẽ biết tới và thay đổi”, anh Vũ chia sẻ.
“Tôi tin truyền thông có thể thay đổi nhận thức của người dân”, họa sỹ Yên Thế nói. Nhà điêu khắc Văn Vũ nói thêm, anh ấp ủ tạo ra phong cách Việt cho linh vật truyền thống, phù hợp với đời sống hiện đại. “Linh vật Việt sẽ ngự trị, lấp đầy các khoảng trống trong nhu cầu hiện nay”, anh nói.
Bộ VHTT&DL tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra hiện vật lạ trong mùa lễ hội 2015 tại các di tích điểm nóng như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình. Ngoài ra, Bộ gửi công văn cho các địa phương đề nghị tăng cường quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015, trong đó tiếp tục thực hiện pháp lệnh tôn giáo, tín ngưỡng; hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong lễ hội, cơ sở tín ngưỡng.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.