Hôm chúng tôi đến nhà, nghệ nhân trồng mai thế hệ 8X Nguyễn Thanh Hà (SN 1982) đang tất bật tỉa cành và uốn nắn tạo thế cho hàng trăm cây mai chuẩn bị xuất bán mùa Tết Nguyên đán 2019. Nghe chúng tôi hỏi về những cây mai “gia truyền” của mình, anh Hà cười tươi: “Có vài gốc thôi nhưng tuổi đời hơn 100 năm rồi, cha tôi để lại xem như tài sản kế thừa cho các thế hệ con cháu với lời nhắn nhủ dù người ta trả giá thế nào cũng đừng bán, để con cháu sau này còn biết về giống mai Ba Trận Thủ Đức”.
“Con nhà tông”
Nghệ nhân 8X Nguyễn Thanh Hà bên cây mai “gia truyền” có giá hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: M.N
"Ít ai biết, để cây mai có bộ rễ đẹp, tạo hình trừu tượng, thân mai có dáng rồng bay và hoa nở đúng dịp tết, nghệ nhân phải ăn, ngủ cùng mai... Nhiều khi, vợ tôi còn ghen tỵ khi tôi lo lắng, chăm sóc cho những cây mai còn hơn cho cô ấy”.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hà
|
Đưa bàn tay đen sạm, đầy vết nứt, vuốt ve thân những cây mai “của để dành”, anh Hà cho biết: Gia đình anh đã 2 đời theo nghề này. Từ nhỏ, Hà đã phụ cha chăm sóc mai, tuổi thơ của anh trôi theo những mùa mai nở. Anh kể, từ lúc 6-7 tuổi đã ‘lẽo đẽo” theo cha học tỉa cành, nhổ cỏ. Cha anh - nghệ nhân trồng mai Nguyễn Văn Trận (Ba Trận) - một nghệ nhân nổi tiếng ở làng mai Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) từ những năm 1960 - vẫn cần mẫn, tỉ mỉ hướng dẫn cách tỉa cành với một cậu nhóc ở cái tuổi “mẹ phải dắt đến trường”. Thế nên, không phụ công cha hướng dẫn, ở tuổi 13-14, Hà đã trở thành “thợ chính” của vườn kiểng Ba Trận.
“Sau này, những lúc cả gia đình sum vầy, cha tôi lại nhắc chuyện hồi đó tôi lẽo đẽo theo cha học nghề thế nào. Ông bảo, ánh mắt say mê của tôi khi đó với cây mai khiến ông càng quyết tâm tỉ mỉ “truyền nghề” cho tôi”-anh Hà tâm sự.
Năm 1998, nghệ nhân Nguyễn Văn Trận cùng cậu út là anh Nguyễn Thanh Hà (khi đó mới 16 tuổi) đã cùng lai tạo thành công giống mai 8 đến 12 cánh to, đẹp, có hương thơm và đường kính hoa từ 8 - 10cm. Giống mai này sau đó được đặt tên là giống mai Ba Trận. Từ đây, làng nghề trồng mai Thủ Đức lại có thêm giống hoa mai cánh to, đẹp để mang đến cho người yêu hoa mai khắp cả nước dịp xuân về. Anh Hà bảo: “Tính ba tôi vậy, lai tạo được giống hoa đẹp nhiều người bảo đi đăng ký bản quyền gì đó nhưng ông gạt đi. Ông bảo, hoa mai là hoa của mùa xuân. Có hoa đẹp thì mang đến cho người dân chứ giữ lại làm gì...”.
“24 tuổi, tôi chính thức trở thành “ông chủ” của vườn kiểng Ba Trận, cũng chính thức được “thừa kế” những cây mai gia truyền hơn trăm tuổi. Để giống mai Ba Trận được vươn xa, tôi quyết định mở rộng thêm diện tích trồng và mở thêm cơ sở thứ 3 nhưng với tên gọi Hà Ba Trận. Lúc tôi đặt tên mới này, cha hơi ngạc nhiên nhưng nghe tôi giải thích là muốn thoát khỏi “cái bóng” quá lớn của cha, để có thể tự khẳng định mình trong nghề, cha tôi rất xúc động và tự hào” - anh Hà nhớ lại.
Nói được thì làm được, thương hiệu hoa mai Hà Ba Trận ngày nay vang danh không chỉ ở làng nghề Thủ Đức mà được người chơi mai cả nước biết đến. Đầu năm 2014, nghệ nhân trẻ Nguyễn Thanh Hà đã đạt thành tích “Tôn vinh giá trị của làng nghề trồng mai truyền thống tại Thủ Đức” và được Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh tặng danh hiệu "Vườn sinh thái đẹp".
Tìm hướng đi riêng để thành công
Dẫn chúng tôi tham quan quanh vườn, anh Hà say sưa nói về kỹ thuật trồng mai. Theo anh, ngoài có tay nghề, nghề trồng mai đòi hỏi người trồng phải biết “yêu mai hơn yêu... vợ”. Muốn mai tốt, ra hoa nhiều vào năm sau, cần phải chăm sóc mai ngay sau tết. Cụ thể, sau khi vừa hết tết, người trồng cần đem mai ra ngoài trời, bắt đầu thực hiện các giai đoạn chăm sóc, tạo dáng. Muốn mai đẹp uyển chuyển, phải dùng kẽm tạo dáng cong từ các cành. Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Tùy vào vụ mùa cũng như thời tiết mà mai sẽ được bón phân, canh bông, lặt lá cho phù hợp...
“Nếu mai bán cho khách hàng Hà Nội cần lặt lá từ các ngày 9-10 tháng Chạp, còn bán cho thị trường miền Nam lặt lá từ các ngày 14 - 15 tháng Chạp. Thường xuyên chăm sóc mai, nếu thấy mai nở chậm, phải tưới phun sương nước vào các nụ, mai nở nhanh thì hãm nước (tưới ít), đem vào nhà lưới, tránh sương và có bóng mát, mai sẽ nở đúng tết” - anh Hà kể.
Tuy nhiên, trong thời buổi làng nghề mai đang ngày càng thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa, người trồng mai điêu đứng vì biến đổi khí hậu, thời tiết... thì người trồng mai kinh doanh phải có những hướng đi riêng mới thành công. Tại vườn mai Hà Ba Trận với doanh thu hàng năm ổn định từ 4-5 tỷ đồng, anh Hà cho biết có những “chiến lược” kinh doanh rất riêng: Đầu tiên, anh chụp ảnh những cây mai có thế, dáng đẹp nhất vườn và tải lên tất cả các trang mạng xã hội như zalo, viber, facebook... kèm theo đó là mã số từng cây. “Khách muốn thuê hay mua thì có thể vào website của vườn mai Hà Ba Trận để xem hình ảnh chi tiết, giá tiền... sau đó liên lạc để được “ship” đến tận nhà” - anh Hà thông tin.
Với những cây mai nhỏ, giá từ 3-5 triệu đồng, khách trả tiền đặt cọc mua chơi tết xong, nếu thích thì giữ, không thì chỉ phải trả 1 triệu đồng và trả cây lại cho vườn sẽ được nhận lại tiền đặt cọc. Theo anh Hà, cách làm này sẽ tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng vì có thể chơi cây mai đẹp nhưng giá phù hợp với túi tiền. Nhờ vậy, nếu như những vườn mai khác mỗi năm chỉ bán và cho thuê được khoảng 30% lượng mai trong vườn thì anh Hà có thể cho thuê đến 50-60% lượng mai, chưa kể những cây xuất bán.
“Với khách quen đã thuê mai của mình hằng năm, họ chỉ chọn một cây quen thuộc và điều quan trọng là mình phải uy tín. Thế nên, có năm khách mới trả tiền thuê nhiều hơn nhưng tôi vẫn phải giữ cho khách quen; hoặc nếu năm đó cây mai đó không ra hoa như kỳ vọng thì phải thuê cây mai khác đẹp hơn cho khách để giữ uy tín. Còn nhớ năm ngoái, có cây mai khách thuê quen rồi nhưng ít hoa do thời tiết bất thường nên thay vì cho khách thuê 20 triệu đồng, tôi phải đi thuê cây mai khác đẹp hơn giá 35 triệu đồng” - anh Hà kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.