Nghệ nhân bắt đầu tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trần Cửu Long Thứ sáu, ngày 23/08/2024 06:15 AM (GMT+7)
Nhằm hỗ trợ ngành nghề, làng nghề, UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bình luận 0
Nghệ nhân bắt đầu tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Thầy Tám Ngọc, nghệ nhân Bùi Văn Ngọc trong một lớp đào tạo nghề trồng lan ở TP.HCM. Ảnh: T.Đ

UBND huyện Bình Chánh đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện năm 2024.

Trong đó, huyện khuyến khích nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề nghiệp hỗ trợ đào tạo các nghề truyền thống và ngành nghề nuôi trồng giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả về kinh tế.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP, giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, ngoài hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, TP còn hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành nghề, làng nghề nông thôn.

Cụ thể, người làm nghề truyền thống; người làm nghề tại làng nghề, làng nghệ truyền thống và người làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP hàng năm.

Trong giai đoạn 2022 – 2025, TP đặt ra mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn hơn 8.000 người với kinh phí hơn 37 tỷ đồng, đảm bảo sau khi học xong có 85% lao động có việc làm ổn định.

Thực tế, những năm qua, các nghệ nhân, thợ giỏi đã tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân, thợ giỏi tham gia chưa nhiều.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện nay hoạt động ngành nghề nông thôn tại TP có đủ các loại hình theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Cụ thể, gồm các nghề, như chế biến; bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan đát, cơ khí nhỏ, sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối, các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Nghệ nhân bắt đầu tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 2.

Nhiều lao động ở HTX Raui an toàn Hải Nông (TP.HCM) đã được đào tạo nghề. Ảnh: T.Đ

Tuy nhiên, có 9 ngành nghề được đông đảo hộ dân ở TP. HCM tham gia sản xuất - kinh doanh, gồm: Ngành nghề sản xuất bánh tráng; làm mành trúc; đan đát; se nhang; trồng hoa cây kiểng, cá cảnh; trồng mai vàng; làm muối và chế biến khôn thủy sản.

Liên quan đến nghệ nhân làng nghề, ngành nghề, vừa qua Sở NNPTNT TP đã có văn bản gởi Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất ban hành quy định, hướng dẫn phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi cấp TP nghề truyền thống, làng nghề làm cơ sở đề đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem