Tâm sự người phụ nữ 2 lần bán đất xây dựng Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật
Tâm sự người phụ nữ 2 lần bán đất xây dựng Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ năm, ngày 30/05/2024 13:11 PM (GMT+7)
Bà Đoàn Thị Hoa (Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) 2 lần bán đất để có chi phí xây dựng và duy trì hoạt động trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Bà lựa chọn nghề làm tranh giấy cuộn cho học viên tại trung tâm.
Độc đáo các sản phẩm từ giấy cuộn của người khuyết tật. Clip: Trung Hiếu
2 lần bán đất lấy tiền trang trải cho Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật
Những ngày cuối tháng 5 năm 2024, chúng tôi đến thăm Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Đây là nơi dạy nghề cho hơn 50 người khuyết tật ở thời điểm hiện tại. Các thành viên có độ tuổi từ 13 đến 33 tuổi và đến từ khắp mọi miền tổ quốc.
7 giờ 30 phút sáng, khi vừa tới nơi, phóng viên đã nghe thấy tiếng niệm Phật của các học viên tại trung tâm, đâu đó có cả những thanh âm trầm bổng của các chú chim, êm tai và nhẹ nhàng. Ngoài sân, bà Đoàn Thị Hoa (62 tuổi) từ cổng bước vào, “tay xách nách mang” những mớ rau, túi đậu về để chuẩn bị bữa trưa cho những người khuyết tật học nghề và sống nội trú tại đây.
Nở một nụ cười tươi trên môi, người phụ nữ 62 tuổi giới thiệu về bản thân theo cách thật đặc biệt: “Về lý, tôi là Giám đốc trung tâm, thế nhưng về tình, tôi chỉ là một người mẹ để chăm sóc đàn con khuyết tật thôi”.
Vừa đi, bà Hoa vừa tiếp lời: “Năm 2005, tôi theo đoàn Chữ thập Đỏ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh phát quà cho người khuyết tật. Tôi nhìn thấy một bạn nữ bị liệt nửa người ngồi buồn trên ghế đá, lại gần tâm sự thì cháu gái ấy mới nói rằng: 'Được tặng quà, chúng cháu rất vui, nhưng cháu cũng ước mơ người khuyết tật có một nghề để tự lập'. Kể từ đó, mong muốn thành lập trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật cứ lớn dần trong tôi".
Theo bà Hoa, sau khi bàn bạc và nhận được sự ủng hộ từ chồng, bà đã quyết định dùng mảnh đất của gia đình để xây dựng xưởng nhỏ dạy nghề cho các em khuyết tật xung quanh xã. Bà nói: “Đến tháng 8 năm 2007, trung tâm chính thức được thành lập. Dù không thông báo tuyển sinh nhưng người nọ truyền tai người kia, số lượng học viên tới trung tâm ngày càng nhiều. Lớp đầu tiên gồm 15 bạn, đều là người bị khiếm khuyết như tay chân khó vận động, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ… Nhiều người từ Nghệ An, Hà Tĩnh cũng biết và tìm đến”.
Để duy trì trung tâm đến nay là gần 20 năm, bà Hoa đã phải cắt mảnh vườn dành cho chăn nuôi, trồng cây của gia đình để bán thêm một lần nữa, lấy chi phí trang trải. “Bán 2 đầu đất là khoảng 110 mét vuông, tôi mới có đủ chi phí để xây dựng và nuôi các bạn học viên. Những năm gần đây, mỗi gia đình của các cháu cũng đề xuất hỗ trợ cho tôi là 500.000 đồng/tháng để phụ vào việc mua thức ăn ba bữa/ngày cho các bạn người khuyết tật tại trung tâm”.
Gian nan hành trình dạy nghề làm tranh giấy cuộn cho người khuyết tật
Bà Hoa cho biết, trước đây, trung tâm có lúc dạy học đến 20 nghề, ai mách nghề gì cũng học để rút ra kinh nghiệm, xem học viên phù hợp với nghề nào nhất. "Từ nghề may, dán vàng mã, móc thảm, nghề thêu, đan cói, làm mây tre đan hay làm mi giả... tôi cũng đều cho học viên thử sức. Đến khi làm nghề tranh giấy cuộn, tôi thấy đây là nghề phù hợp nhất với các cháu ở trung tâm. Học viên sẽ tạo ra các sản phẩm như thiệp, tranh giấy, con giống giấy, lọ hoa, móc len, hoa giấy…”.
Bà Hoa tâm sự về khó khăn khi dạy nghề cho người khuyết tật: “Điều khó nhất là cần phải dạy nghề kết hợp với dạy kỹ năng sống cho các cháu. Có những bạn tới đây, tôi cầm tay chỉ việc mấy năm trời nhưng vẫn chưa làm được. Nhiều khi các cháu đang làm thì chán, lại đùng đùng bỏ về phòng nằm. Những lúc như vậy tôi phải kiên trì, nhẹ nhàng động viên để các bạn cố gắng”.
"U Hoa" là cách gọi thân thương mà các học viên ở trung tâm thường gọi bà Hoa để đáp lại tình thương của người phụ nữ 62 tuổi với người khuyết tật. Mỗi học viên lại mang trong mình một câu chuyện riêng. Chị Nguyễn Lan Anh (25 tuổi) đã sống và làm việc ở trung tâm được 11 năm. Chị chia sẻ: "Nhà mình cách đây 2km nhưng mình ở nội trú tại trung tâm luôn. Lúc ban đầu chưa quen thì cảm thấy bỡ ngỡ và ngại, nhưng giờ ở lâu rồi mình lại rất vui vẻ khi được làm việc, sinh hoạt, trò chuyện cùng mọi người”.
Ngồi kế chị Trang là anh Bùi Huy Hiệu (22 tuổi, Thái Bình). Anh Hiệu xem bà Hoa như người mẹ thứ hai. Anh nói: “Từ bữa cơm tới giấc ngủ, chúng mình đều được u Hoa quan tâm, chăm sóc. Mỗi ngày, mình có thể làm được từ 2 - 3 sản phẩm con giáp từ tranh giấy cuộn. Mình rất vui vì có thể làm việc, các sản phẩm sau khi bán, mình cũng được trả công nên có động lực để cố gắng hơn".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Hoa cho hay: "Có những bạn học viên thành thạo việc có thể kiếm từ 1 triệu đồng tới 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người bán hàng trong các khu du lịch ở Nha Trang, Hội An có liên lạc với tôi để bán giúp sản phẩm cho trung tâm. Ngoài ra, thường có các cháu sinh viên ở nhiều trường đại học tới giao lưu và thường mua sản phẩm về, mỗi đoàn một chút".
Gần tới giờ cơm trưa, bà Hoa chuẩn bị vào bếp để nấu ăn cho các học viên. Vừa đi, bà vừa bảo: "Nhiều lúc khó khăn, muốn từ bỏ nhưng tôi lại nghĩ đến lời các cháu nói với mình. Có bạn nói: 'U ơi, u cố lên để chúng con được ở với u', thậm chí có học viên còn tâm sự là sẽ không lấy chồng, hoặc không lấy vợ để ở với tôi suốt đời. Nghĩ tới những câu nói đó, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình".
Chứng kiến các học viên tại trung tâm trò chuyện, giúp đỡ nhau trong công việc, phóng viên cảm thấy đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của họ. Vừa làm, mọi người vừa ngân nga câu hát: Anh em ta từ bốn phương trời/ Chị em ta từ khắp năm châu/ Không phân biệt màu da tôn giáo/ Cùng về đây xây đắp yêu thương…”. Trong căn bếp phía xa, bà Hoa lặng lẽ nhìn những học viên của mình, ánh mắt không giấu được vẻ hạnh phúc và tự hào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.