Ở một huyện của Quảng Bình, dạy nghề kiểu cầm tay chỉ việc, nông dân tự tin kiếm thu nhập tốt hơn
Ở một huyện của Quảng Bình, dạy nghề kiểu cầm tay chỉ việc, nông dân tự tin kiếm thu nhập tốt hơn
Trần Anh
Thứ tư, ngày 20/12/2023 08:02 AM (GMT+7)
Thời gian qua, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều mô hình dạy nghề từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, góp phần "tri thức hóa" nông dân, nâng cao tay nghề trong việc chăn nuôi, trồng trọt.
Hơn một tháng này, đều đặn các ngày trong tuần, những học viên là nông dân ở huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) được các giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuyên Hóa truyền đạt các kiến thức, kỹ năng quan trọng trong công tác nuôi và phòng trị các bệnh trên gia cầm nhằm hỗ trợ cho nông dân có thêm kinh nghiệm chăn, nuôi.
Clip: Nông dân huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ sau khi tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi
Bà Đoàn Thị Thu Hiền (ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Tôi đang tham gia lớp dạy nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, lớp học này rất thiết thực với lao động nông thôn như chúng tôi, sau khi học xong bản thân sẽ trang bị được kiến thức, kỹ thuật mới trong việc nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm".
"Tôi có tham gia lớp tập huấn nuôi ong. Qua đó, chúng tôi có thêm kiến thức để áp dụng vào nghề nuôi ong. Đồng thời, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật và con giống để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo", ông Nguyễn Thế Anh (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) nói.
Ông Võ Xuân Trường – Chủ tịch xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Hàng năm, chính quyền địa phương đăng ký với các cơ sở dạy nghề để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa phương để hỗ trợ về các vấn đề sản xuất nông nghiệp…
Trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi chú trọng vào những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, để mỗi người dân phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn, mở lối cho sinh kế, nâng cao thu nhập và phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, các ngành nghề liên quan đến các sản phẩm đặc trưng của xã nhằm tăng cường sự cạnh tranh và nâng cao hiệu quả nông sản của địa phương".
Giúp "tri thức hóa" nông dân
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuyên Hóa là đơn vị được huyện này giao nhiệm vụ mở các lớp đào tào nghề tại địa bàn và liên kết với các cơ sở đào tạo nghề khác trong toàn tỉnh Quảng Bình để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Thời gian qua, đơn vị này đã tổ chức khảo sát, điều tra thu thập số liệu về nhu cầu học nghề lao động nông thôn trên địa bàn huyện này.
Ông Trần Chung Chính – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Với trọng trách mà huyện Tuyên Hóa giao, Trung tâm đã bám sát chủ trương phát triển kinh tế của các địa phương để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn. Chính vì vậy chất lượng đào tạo đã không ngừng được nâng cao".
Trao đổi với PV, ông Lương Công Đức – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ rất quan trọng, phòng lao động đã tham mưu cho ủy ban mở các lớp đào tạo nghề phù hợp…
Với nhiều giải pháp đã và đang triển khai chính là nền tảng cơ bản trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Tuyên Hóa. Qua đó, giúp tri thức hóa nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.