Thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật gấp nhiều lần trồng lúa
Như Thanh là huyện vùng núi tỉnh Thanh Hóa, nhờ địa hình có nhiều rừng phòng hộ nên rất thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật. Sau khi khảo sát thấy các mô hình nuôi ong lấy mật ở đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con nông dân đã nhân rộng nghề nuôi ong.
Ông Lê Văn Hồng - xã Phú Nhuận (Như Thanh, Thanh Hóa) cho biết gia đình ông nuôi ong đã được 3-4 năm nay. Việc nuôi ong lấy mật rất kinh tế, tính ra lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa.
Hiện nay nhà tôi có hơn 100 khay ong lấy mật. Tính ra một năm trừ hết chi phí cũng thu về được 200 triệu đồng.
Mặc dù thu nhập cao, không quá vất vả nhưng theo ông Hồng, người nuôi ong cần phải có đam mê, có sự tỉ mẩn, chăm sóc liên tục. Thêm vào đó, cũng cần phải hiểu vòng đời, tính sinh trưởng của con ong để tiện chăm sóc. Phải nắm bắt được quy trình ra hoa của các giống cây, xem xét hoa nào có giá trị dinh dưỡng cao, tạo mật tốt để từ đó vận dụng, tận dụng hoa cho ong hút nhụy tạo mật.
"Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng công việc thu vắt mật cũng rất nguy hiểm. Mỗi lần tiếp xúc với ong, người nuôi phải mặc áo, đội mũ bảo hộ. Nếu bị ong đốt rất nguy hiểm", ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng cho biết, năm nay trúng mùa hoa nhãn, ong hút được nhiều nhụy, tạo được nhiều mật nên sản lượng mật đang tăng rất cao, chất lượng sản phẩm cũng rất tốt.
Ông Lưu Văn Tĩnh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) ong mật Thành Kim cho biết, đến nay HTX đã ban hành được những quy định, nội quy đánh giá chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm đều có tem, mác, được truy xuất nguồn gốc.
Hiện tại sản phẩm vẫn do người dân tự tiêu thụ. Mỗi năm sản xuất hơn chục tấn mật ong nhưng bán vẫn hết. Mật ong hoa nhãn cho giá trị dinh dưỡng cao, nên bán cũng được giá. Trung bình giá mật ong từ 180-200 nghìn đồng/1 kg.
Cần quy hoạch vùng sản xuất nuôi ong lấy mật
Ông Quách Minh Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết thời gian tới, địa phương khuyến khích bà con nuôi ong dưới tán rừng, kết hợp với trồng cây dược liệu.
Hướng tới xây dựng các hợp tác xã nuôi ong số lượng nhiều. Huyện cũng đã định hướng hướng dẫn kỹ thuật, tạo mối kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế hiện nay là sau khi thấy nghề nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao, rất nhiều hộ nông dân tự mua ong về nuôi. Vùng nuôi ong cũng chưa được quy hoạch vì vậy rất có thể dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, sản xuất không tiêu thụ được.
Hiện nay ở Thanh Hóa đã có 2 vùng nuôi ong được cấp chứng chỉ Ocop là mật ong bốn mùa Bình Sơn (Triệu Sơn) và mật ong Hưởng Hoa ở huyện Thạch Thành. Tương tự, vùng sản xuất nuôi ong lấy mật của huyện Như Thanh nếu muốn phát triển bền vững cũng phải hướng đến việc xây dựng và định vị thương hiệu thông qua việc phấn đấu được cấp chứng chỉ Ocop này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.