Nghề nuôi thỏ giúp nhiều nông dân làm giàu, cả nước nuôi mấy triệu con thỏ?

TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Chủ nhật, ngày 03/09/2023 07:38 AM (GMT+7)
Hiện cả nước có khoảng 1,6 - 1,8 triệu con thỏ, hàng năm xuất chuồng thỏ thịt đạt bình quân khoảng 4.500 - 5.000 tấn thịt hơi. Thời gian qua, đàn thỏ trên cả nước phát triển khá nhanh, với xu hướng tăng trung bình hàng năm khoảng 3 - 5%.
Bình luận 0

Đàn thỏ tăng trưởng nhanh

Cơ cấu giống thỏ Việt Nam hiện nay gồm thỏ ngoại nhập khẩu, thỏ bản địa (thỏ nội) và thỏ lai. Thỏ ngoại (như thỏ New Zealand, thỏ Carlifornia) chiếm tỷ lệ khoảng 35,7%; thỏ lai (thỏ ngoại lai thỏ nội) chiếm tỷ lệ khoảng 35,4% và thỏ nội (thỏ bản địa) chiếm tỷ lệ 28,9% trong tổng đàn thỏ của cả nước.

Giống thỏ hiện nay được nuôi nhiều nhất trong các hộ chăn nuôi là giống thỏ trắng New Zealand và thỏ trắng California. Bên cạnh đó còn có một số giống thỏ nội khác như thỏ đen, thỏ xám, thỏ cỏ và thỏ lai giữa thỏ ngoại và thỏ nội. Nhiều chủ trang trại thỏ đã và đang tái đàn, mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi sạch, chế biến thực phẩm thỏ, chú trọng xử lý môi trường, chuồng trại chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt gần đây, có nhiều giống thỏ cảnh mới nhân rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sở thích, thú chơi thú cưng của đông đảo người dân.

Nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi thỏ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch bên trang trại nuôi thỏ New Zealand của gia đình. Ảnh: L.C

Sản phẩm của thỏ có thể chế biến thành nhiều dược phẩm phục vụ con người như sản xuất vaccine phòng bệnh sởi – rubella (MR), hay phủ tạng như ruột thỏ làm chỉ khâu khi phẫu thuật. Nhu cầu nguyên liệu từ thỏ cho nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty Nippon Zoki Nhật Bản để sản xuất vaccine phòng bệnh cho người. Nhà máy này tại Việt Nam có nhu cầu 5.000 con thỏ/ngày.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Long - Chủ tịch Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam cho biết, thỏ là loại vật sinh sản rất nhanh. Mỗi năm, 1 thỏ cái sinh sản ra trên dưới 40 con; thỏ cái 6 tháng tuổi đã có thể sinh sản và mỗi năm sinh sản 6-7 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Thỏ sinh sản nhanh, tăng trưởng nhanh, do đó tiềm năng, thế mạnh của con thỏ là rất lớn. Ngoài ra, thỏ còn được rất nhiều người yêu mến nên còn được nuôi làm thú cưng trong các khu vui chơi giải trí, khu sinh thái, nông trại du lịch trải nghiệm…

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thỏ là loại thực phẩm có hàm lượng protein cao so với các loại thịt gia súc gia cầm (thịt bò, thịt lợn, thịt gà…), tỷ lệ mỡ thấp nhất so với các thực phẩm thịt khác. Hàm lượng Cholesterol cũng thấp nhất trong các loại vật nuôi do đặc tính ăn cây cỏ thiên nhiên nhiều, do vậy thịt thỏ được coi là món ăn lành tính. Bên cạnh đó, thịt thỏ còn có tác dụng rất tốt với cơ thể người nhờ làm giảm mỡ, hạn chế tiểu đường, có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Thịt thỏ giàu protein nhưng lại không có đường, nguồn acid béo Omega3 tốt cho tim mạch, nguồn phosphor (231mg), sodium (57mg), vitamin PP (9,7mg) và vitamin B12 (10.8mcg), potassium, magnesium, phosphor… Đây là những món ăn có chất lượng tốt nên thường được khuyến cáo cho mọi người tiêu dùng sử dụng thành món ăn phổ cập. Thịt thỏ mềm, dễ tiêu hóa nên còn được khuyên dùng cho cả phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, người ốm dậy, người suy nhược cơ thể, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...

Với lợi thế như vậy nên chăn nuôi thỏ đang là một nghề có hiệu quả kinh tế khá cao. Một số mô hình điển hình như anh Hồ Hữu Nghị (xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) chăn nuôi thỏ và tự tìm đầu ra bằng việc chế biến các món ăn từ thịt thỏ. Quán Thỏ Hữu Nghị Bình Thuận của anh tương đối đông khách nên đã tiếp thêm động lực để anh tìm tòi, chế biến nhiều món ăn từ thỏ như thỏ gác bếp, thỏ hun khói, thỏ kho... Đặc biệt, món thỏ sấy gác bếp của anh Nghị đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bình Thuận.

Trang trại thỏ của anh Nguyễn Ngọc Thạch (ở thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) có diện tích hơn 700m2 đang nuôi hơn 5.000 con, trong đó có 500 thỏ sinh sản cũng đang cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 1 tháng anh Thạch xuất bán hơn 1.200 con thỏ - tương đương gần 2.800kg thỏ thương phẩm, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng. Anh Thạch đã được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Anh Thạch cho biết: Thỏ sinh sản và phát triển nhanh, ít bệnh tật, thường thỏ chỉ bị bệnh ghẻ, nấm, rối loạn tiêu hoá, nên nguy cơ rủi ro thấp. Do phải xuất hàng liên tục hàng tháng nên tại trại nuôi của anh Thạch nuôi gối nhau nhiều lứa thỏ. Anh Thạch bán thỏ thương phẩm với giá 100.000 đồng/kg, ngoài ra còn bán thỏ giống với giá 170.000 đồng/con.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nghề nuôi thỏ

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, nghề nuôi thỏ cũng đã và đang gặp những khó khăn, thách thức do thị trường tiêu thụ không ổn định; chưa làm tốt công tác bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu các sản phẩm từ thỏ để người tiêu dùng tiếp cận.

Đặc biệt, người nuôi thỏ chưa được quan tâm về chính sách hỗ trợ, nhất là việc nâng cao cải tiến chất lượng giống thỏ, đào tạo tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin về thị trường... Khác với chăn nuôi gia súc gia cầm, số lượng trang trại, hộ chăn nuôi thỏ còn ít nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư lớn, chủ yếu vẫn các trang trại quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Người dân nuôi thỏ chủ yếu vẫn với phương thức nhỏ lẻ, chất lượng con giống chưa cao nên năng suất thấp, trọng lượng chưa đủ biểu xuất, nhiều trại chưa tiếp thu tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thỏ theo tiêu chuẩn VietGAP dẫn đến thỏ thường hay mắc một số bệnh như nấm, ghẻ, đồng huyết, cận huyết, dị tật bẩm sinh, tỷ lệ nuôi sống thỏ con thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Thậm chí đã có không ít hộ nuôi thỏ bị phá sản, giải thể trại nuôi… làm ảnh hưởng tư tưởng, tầm nhìn của người chăn nuôi thỏ.

Do quy mô chăn nuôi thỏ còn nhỏ nên chưa hình thành liên kết chuỗi - từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm, thực tế đã có nơi, có lúc người chăn nuôi khi có sản phẩm rất khó tiêu thụ, bị tư thương ép giá. Vì vậy, ông Nguyễn Huy Long - Chủ tịch Hội Chăn nuôi thỏ cho biết sẽ tiếp tục tham mưu để các cấp chính quyền quan tâm đến chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, nhất là về con giống, đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Làm tốt hơn công tác truyền thông để nhiều người biết đến nghề nuôi thỏ, biết đến giá trị thật của loài thỏ, nâng cao giá trị sản xuất và sử dụng thịt thỏ làm món ăn hàng ngày. Từng bước tuyên truyền để nâng số cơ sở, trang trại trong chăn nuôi thỏ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động chăn nuôi thỏ. Về chuyên môn tiếp tục cải tiến chất lượng giống, cải tiến các trang thiết bị vật dụng chuồng nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt hình thành các chuỗi liên kết từ chăn nuôi giết mổ đến chế biến, tiếp cận với các siêu thị, nhà hàng khách sạn để mở rộng thị trường, nâng số người dùng thịt thỏ… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem