Nghệ sĩ biểu diễn: “Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”

Thứ tư, ngày 24/12/2014 08:54 AM (GMT+7)
Người ta thường bảo danh đi kèm với lợi. Nhưng có những người thành danh chưa chắc đã giàu sang, thậm chí vẫn khốn khó, khổ sở. Ngay trong nghệ sĩ biểu diễn là một điển hình của ví dụ này. Có những nghệ sĩ cả cuộc đời làm diễn viên mấy chục năm lao động cực khổ trong nghề đã thành danh, được tặng danh hiệu này, nọ nhưng sau mỗi đêm diễn lau sơn, xóa phấn lại chạy xe ôm, như một vài nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Chuông vàng, Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Bình luận 0

Nhưng cũng có nghệ sĩ biểu diễn chỉ sau vài ba buổi xuất hiện trên truyền thông, được quảng cáo hình ảnh rầm rộ, lập tức trở thành hiện hượng gây hot, giá cát sê đẩy lên cao ngất ngưởng được truyền thông ưu ái gọi tên ông hoàng, bà chúa, hotgirl, hotboy Việt…

Chênh lệch cát sê - người cười, kẻ tủi

Thu nhập của nghệ sĩ luôn là con số vô cùng. Vô cùng nhiều hoặc là vô cùng ít. Một ca sĩ hạng sao, dòng thị trường, giải trí hát hai bài khoảng 10 phút đứng trên sân khấu tiền cát sê là 50 triệu, 80 triệu, thậm chí 100 triệu, và trong một tối có thể chạy được mấy show. Một nghệ sĩ sân khấu đạt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) diễn một vở kịch trên khấu thời lượng 2 tiếng, tiền cát sê từ 200 nghìn đến 500 nghìn, họa hoằn lắm thì một ngày diễn được hai ca. Nhiều người vẫn nghĩ rằng tài năng quyết định túi tiền của nghệ sĩ, nhưng thực chất chúng cũng chả mấy liên quan.

Một số ca sĩ có chất giọng tàm tạm, hình thức kha khá, vũ đạo ưa nhìn, một ngày đẹp trời được truyền thông đồng loạt rầm rập nhòm ngó, đẩy lên hàng sao, thế là từ việc ăn mặc, đầu tóc, dùng túi hãng nào, đi xe gì, đang yêu ai, thân với người nào cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Nổi tiếng càng nhiều cát sê càng lắm. Thậm chí nổi tiếng cả theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Chỉ cần được thường xuyên xuất hiện, và truyền thông không quên họ.

img
Diễn viên kịch nghệ bao giờ mới có cát sê tương xứng với sức lao động?

 

Theo thống kê chưa đầy đủ trên giấy tờ: Năm 2012, thu nhập của diễn viên trẻ Minh Hằng lên đến  gần 2 tỉ rưỡi, số tiền cô phải nộp thuế trong năm này là 700 triệu đồng; Thu Minh có thu nhập hơn 1 tỉ đồng và số tiền cô phải đóng thuế hơn 200 triệu đồng; Mỹ Tâm có thu nhập suýt soát 1 tỉ 600 triệu đồng, và cô phải nộp thuế hơn 400 triệu đồng; Đàm Vĩnh Hưng có tổng thu nhập gần ngang với Mỹ Tâm.

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) có thâm niên 30 trong nghề diễn viên đóng cả trăm phim truyền hình và hàng chục tác phẩm sân khấu, tiền cát sê một ngày làm phim là 1 triệu đồng một tập, thường quay từ sáng sớm đến tối mịt. Nếu diễn trên sân khấu dao động từ 50 nghìn, 100 nghìn, 200 nghìn  cho hai tiếng diễn xuất. Nghệ sĩ biểu diễn có danh hiệu NSND được trả 2 triệu 500 nghìn một tập phim truyền hình quay trong hai ngày. Tiền lương Nhà nước trả một tháng được 5 triệu. Diễn viên đóng vai phụ trên sân khấu dao động từ 50 nghìn, 100 nghìn, 200 nghìn. Tiền cát sê làm phim của diễn viên không thuộc hàng sao, không phải người nổi tiếng có giá từ 400-600 nghìn/tập phim truyền hình.

Nhưng không phải nhà hát nào cũng đỏ đèn cả tuần, may ra có dịp cuối tuần là nhà hát bán vé hoặc đi diễn các tỉnh. Còn về đi làm phim, không phải ai cũng may mắn được gọi đi, diễn viên đắt show thì một năm làm 4 phim, theo đoàn làm phim 4, 5 tháng. Diễn viên đóng ít, cả năm đóng 1 phim quay một hai tháng, còn lại ngồi chơi xơi nước dài dài.  Số tiền đóng phim thu nhập không đáng là bao. Ngay cả diễn viên hạng sao tiền cát sê đóng phim cũng không quá cao, cũng chỉ trên 100 triệu/phim. Mà có khi cả năm ngôi sao này mới có một phim, tiền thu nhập có từ nhiều nguồn hoạt động nghệ thuật khác mang lại.

Cũng không phải cứ ca sĩ được trả cát sê cao ngất ngưởng là phải có giọng hát siêu hay, nhưng một điều chắc chắn họ phải siêu quyến rũ, quyến rũ về mặt ngoại hình để hút khách, và cái tên của họ cũng là một thương hiệu. Các bầu sô thấy dù có trả tiền cát sê cho họ với con số thuộc dạng khủng nhưng vẫn hời chán và con số đẩy lên vài chục triệu, cả trăm triệu nhưng ông bầu vẫn chịu chơi, chịu chi.

Nghệ sĩ biểu diễn các loại hình nghệ thuật như diễn viên kịch nói, tuồng chèo, cải lương, dân ca, nhạc công… cả chục năm trời luyện giọng, rèn nghề đứng trên sân khấu ở nhà hát nào khấm khá trả cho 1 buổi biểu diễn, diễn viên chính được 200 nghìn, diễn viên phụ 100 nghìn (sân khấu phía Bắc), diễn viên chính 500 nghìn, diễn viên phụ, từ 200-300 nghìn (sân khấu phía Nam). Nghệ sĩ sân khấu lẳng lặng  ngắm các “sao” thị trường ở đằng xa, thèm thuồng xen lẫn với tủi hổ, xót xa.

img
Diễn viên kịch nghệ bao giờ mới có cát sê tương xứng với sức lao động?

 

Diễn kịch, đóng phim cát sê không bằng làm ca sĩ, đây mới chính là mảnh đất màu mỡ để kiếm thu nhập. Chính vậy mà nhiều diễn viên chuyển ngạch đi làm ca sĩ như Hoàng Thùy Linh, Minh Hằng, Ngô Thanh Vân, hoặc hàng loạt diễn viên nhí bỏ học hoặc bảo lưu kết quả ở nhà trường để theo đuổi con đường nghệ thuật như Chi pu, Angela Phương Trinh… Khi đã thành một cái tên khá hot, đủ lực hấp dẫn thì nghệ sĩ lập tức sẽ có thu nhập từ nhiều nguồn đem lại như đi dự sự kiện, làm MC, hoặc lấn sân sang các bộ môn nghệ thuật khác, ca sĩ có thể làm diễn viên, diễn viên có thể làm ca sĩ, hay ký được các hợp đồng quảng cáo.

Không có sao, khán giả  không đến rạp

Ngay cả các nhà sản xuất phim chọn diễn viên cho phim của mình cũng phải cho tên tuổi một vài sao đang nổi hoặc mới nổi để hút khách. Đấy là lý do tại sao sinh ra lượng hotgirl hùng hậu vào phim thị trường chiếu rạp. Nghệ sĩ muốn có thu nhập cao phải là sao. Đây là sao nhân tạo, do chính con người tạo, bản thân họ tự tạo hay cả ê kíp hùng hậu phía sau tạo ra hào quang cho họ.

Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói: “Sân khấu trong Nam vở diễn nào không có sao, khán giả không  đi coi, mặc dù nhiều diễn viên có cả chục năm, hai chục năm cống hiến trong nghề, diễn rất hay, thậm chí được danh hiệu giải thưởng lớn của Nhà nước. Rất tội cho các bạn đấy…”. Ngay kể cả sân khấu phía Bắc, một nhà hát  diễn một vở kịch cũng phải có lấy dăm ba cái tên đủ độ nóng sàn.

Ví dụ như khi khán giả đến Nhà hát Kịch Việt Nam xem một vở diễn nhìn thấy diễn viên Xuân Bắc thì thích thú chỉ trỏ: “A, Xuân Bắc kìa, lại cả Quốc Khánh nữa chứ!…”; hoặc sang Nhà hát Kịch Hà Nội thì vui mừng: “Đấy, cô Đẩu Công Lý” hoặc tới Nhà hát chèo Quân đội thì: “Ôi, danh hài Tự Long”. Hay đoàn đi diễn ngoại tỉnh khi trưng băng rôn quảng cáo cũng phải có những tên tuổi đang làm mưa làm gió trên truyền hình thì mới đủ để câu kéo khán giả.

Lý giải về điều này, quả thực rất dễ hiểu. Diễn viên sân khấu công việc chỉ là xuất hiện trên mấy mét vuông sàn gỗ, được một nhóm khán giả đến rạp biết đến. Nghệ sĩ muốn được khán giả nhớ đến phải lên sóng truyền hình nhiều để công chúng thuộc mặt biết tên và ở trong giới showbiz. Vậy sao vẫn có nhiều diễn viên truyền hình đi ra từ diễn viên kịch đã đóng hàng chục, hàng trăm tập phim phát sóng liên tục trên các kênh nhà đài được khán giả cả nước biết tới, nhưng thu nhập èo uột, nghèo vẫn hoàn nghèo?! Bởi vì họ đã có tuổi. Họ thuộc lớp nghệ sĩ không nằm trong dòng nghệ thuật giải trí. Tên của họ không đủ độ hot. Mà độ hot này do chính nhờ được cả một ê kíp hỗ trợ, chiến lược marketing đon đả chào mời, trải thảm, dọn đường đi đến con đường thương hiệu.

Tuy rằng, không phải nghệ sĩ biểu diễn trong giới showbiz nào cũng kém tài, có nhiều người thực sự có tài năng và một điều không thể phủ nhận là rất có duyên với sân khấu như danh hài Hoài Linh, nhưng để trở thành một hiện tượng như Hoài Linh với cát sê sân khấu lên đến vài chục triệu, cả trăm triệu là hiện tượng hy hữu. Một số nghệ sĩ nhạc công kiếm được “bộn tiền” trở thành hiện tượng thì chỉ mới có Khắc Tư, Trọng Quỳnh, Văn Chương, Xuân Hinh …

Thời marketing, nhiều nghệ sĩ mang giá trị ảo

Nhạc sĩ Phú Quang đã từng phát biểu: “Đang tồn tại một nghịch lý, đây là thời của tiếp thị và đẩy những giá trị ảo lên quá mức. Nghệ sĩ, ca sĩ được làm màu, tung hô và đẩy lên một giá trị sai lệch mà thực chất tài năng và thu nhập cát sê của họ đối chọi nhau”. NSƯT Anh Tú, Phó giám đốc Nghệ thuật, Nhà hát Kịch Việt Nam ngậm ngùi nói: “Tôi rất thương diễn viên sân khấu, cả tháng trời luyện tập đến khi lên sân khấu diễn cả một tối tiền cát sê chỉ đủ trả bát phở, cốc nước nhưng các em vẫn hăng say làm nghề. Nghệ sĩ sân khấu muôn đời vẫn đói nghèo…”.

img
Từ trái qua: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ, diễn viên Minh Hằng có thu nhập thuộc hàng khủng trong giới showbiz. Danh hài Hoài Linh - nghệ sĩ hiếm hoi của làng sân khấu có cát sê cao ngất ngưởng.

 

Loại hình tiếp thị cho nghệ sĩ hiện nay chính là các chương trình truyền hình thực tế, game show của nhà đài như: Cặp đôi hoàn hảo, Việt Nam Idol, Gương mặt thân quen, Tôi tỏa sáng… Những chương trình hút khách mang tính chất giải trí và các nghệ sĩ tham gia nhanh chóng trở thành hiện tượng hot của giới trẻ.

Nếu như trước kia, nghệ sĩ phải mất cả dăm bảy năm khổ luyện trong nghề, được đào tạo bài bản, khi ra trường đi biểu diễn vẫn là những đồng tiền còm thì hiện nay các chương trình truyền hình thực tế đã đẩy một số người tham dự may mắn lên hàng sao. Từ trong bóng tối đi ra ngoài ánh sáng và cơ hội đổi đời cũng từ đây.

Một số khác thì tân trang nhan sắc, dùng hàng hiệu cho thật nổi trội, phát ngôn gây sốc, hành động khó hiểu xuất hiện thật nhiều ở các sự kiện để tự tiếp thị cho bản thân. Hoặc nghệ sĩ lắm tiền dư của nuôi cả một đàn gà, thả thóc cho ăn để một ngày những chú gà ấy cất tiếng gáy cho mình. Khi các trang mạng đồng loạt đưa tin, dựng ảnh thì bỗng dưng sau một ngày trở nên nổi tiếng và tiền cát sê bỗng dưng, phình to, trĩu nặng.

(Theo Công An Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem