Nghệ sĩ hài duy nhất được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú nhờ đồng nghiệp ký trình đơn lên Chủ tịch nước là ai?

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 26/07/2024 13:30 PM (GMT+7)
Sau khi "trưởng thôn" Văn Hiệp qua đời, Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã làm đơn gửi lên Chủ tịch nước, Bộ VHTTDL để đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho ông.
Bình luận 0

Nghệ sĩ hài duy nhất được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú, nhờ đồng nghiệp trình đơn lên Chủ tịch nước

50 năm hoạt động nghệ thuật, đến lúc chết vẫn chưa có danh hiệu

Nghệ sĩ Ưu tú Văn Hiệp (1942) qua đời năm 2013, khi mới bước vào tuổi 71. Cả cuộc đời ông gắn liền với nhiều vai diễn có số phận và vai diễn mang lại tiếng cười không thể quên cho khán giả. Ông bén duyên nghệ thuật năm 12 tuổi với vai nhỏ trong vở "Lỳ và Sáo" ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nghệ sĩ hài duy nhất được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú nhờ đồng nghiệp trình đơn lên Chủ tịch nước- Ảnh 1.

"Trưởng thôn" Văn Hiệp là một phần của ký ức các thế hệ khán giả 8x đổ về trước. Ảnh: TL

Ông tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) cùng lớp với cố NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ năm 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch Trung ương, sau đó chuyển công tác sang Cục Văn hóa Thông tin (Bộ VHTTDL).

Trong mấy chục năm làm nghề của mình, nghệ sĩ Văn Hiệp đảm nhận không biết bao nhiêu vai diễn, bao nhiêu số phận trên sân khấu cũng như màn ảnh nhỏ. Nhưng hình ảnh mà khán giả ấn tượng và nhớ tới ông nhất chính là dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà, tốt bụng, dí dỏm trong rất nhiều phim truyền hình.

Đặc biệt là series tiểu phẩm hài về Trưởng thôn Văn Hiệp diễn cùng nghệ sĩ Quang Tèo và Giang Còi trên chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3. Đây là vai diễn đã làm nên hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc, riêng biệt của nghệ sĩ Văn Hiệp, không thể trộn lẫn với ai.

Ngay cả khi đã về hưu là năm 2002 nhưng "trưởng thôn" Văn Hiệp vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật đến tận khi sức cùng lực kiệt. Dù vậy, cho tới trước khi mất, tuy đã 3 lần làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú nhưng vẫn bị trượt vì thiếu huy chương.

Nghệ sĩ hài duy nhất được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú nhờ đồng nghiệp trình đơn lên Chủ tịch nước- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng lấy chữ ký để trình đơn đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho Văn Hiệp trong đám tang. Ảnh: TL

Thời điểm đó, Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng - người từng cộng tác với nghệ sĩ Văn Hiệp trong phim Mặt trời bé con (1985) cho rằng, nghệ sĩ Văn Hiệp dù xuất thân từ Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng không tham gia vở diễn dự hội diễn để có huy chương theo đúng luật, trong khi danh hiệu nghệ sĩ được xét dựa trên huy chương. Tuy nhiên, với những gì mà nghệ sĩ Văn Hiệp đã cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, được đông đảo công chúng yêu mến, đón nhận thì ông xứng đáng là Nghệ sĩ Ưu tú.

"Bản thân tôi từng làm thành viên trong Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú nên tôi biết theo luật thì nghệ sĩ Văn Hiệp không thể được truy tặng danh hiệu nhưng với những trường hợp đặc biệt cần có sự động viên. Chúng ta làm ra luật thì phải có những điều chỉnh về luật. Việc áp dụng luật vào một vài trường hợp hiện nay không chính xác hoặc hơi cứng nhắc", Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng bày tỏ.

Đó cũng là lý do mà Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng quyết định soạn thảo một lá đơn trình lên Chủ tịch nước đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp. Lá đơn này có chữ ký khoảng 150 người, được ký trong lễ viếng và truy điệu nam nghệ sĩ.

Nghệ sĩ hài duy nhất được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú nhờ đồng nghiệp trình đơn lên Chủ tịch nước- Ảnh 3.

Nghệ sĩ Văn Hiệp đã để lại những ấn tượng khó quên trên màn ảnh. Ảnh: TL

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Khải Hưng, trước đó, trong quá trình làm phim chung, nghệ sĩ Văn Hiệp đã nhiều lần tâm sự với ông về sự thiệt thòi không được phong danh hiệu gì do chỉ là diễn viên hài kịch đã về hưu, chuyên đóng các vai phụ. Tuy nhiên, theo vị đạo diễn này, Văn Hiệp là người lao động rất nghiêm túc. Ông không chỉ là diễn viên giỏi mà còn có khả năng viết kịch bản, đạo diễn… Vì thế, nghệ sỹ văn Hiệp không được danh hiệu gì rất thiệt thòi. Do vậy, nên truy tặng người đã khuất một vị trí xứng đáng để có sự công bằng, an ủi vong linh họ.

Sau đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng soạn một lá đơn tương tự trình lên Bộ VHTTDL, đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho ông.

Được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú nhờ lá đơn và chữ ký của đồng nghiệp

Từ lá đơn này, ngày 02/8/2023, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp Hội đồng xét đặc cách truy tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" cho cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp. Kết quả 8/8 (100%) thành viên Hội đồng nhất trí đề nghị Bộ VHTTDL kính trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét đặc cách truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vì những cống hiến hết mình của nghệ sĩ đối với nền nghệ thuật sân khấu và điện ảnh nước nhà. Đến ngày 7/8/2023, Bộ VHTTDL đã có tờ trình số 175/TTr-BVHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xét đặc cách truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp.

Nghệ sĩ hài duy nhất được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú nhờ đồng nghiệp trình đơn lên Chủ tịch nước- Ảnh 4.

Nghệ sĩ Văn Hiệp có 50 năm hoạt động nghệ thuật. Ảnh: TL

Tờ trình nêu rõ: Qua gần 50 năm hoạt động nghệ thuật, cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của sân khấu kịch Việt Nam nói chung, của Nhà hát kịch Việt Nam nói riêng, cùng với các nghệ sĩ như: Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Doãn Châu… làm nên thương hiệu "Anh cả đỏ" của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp đã tham gia trên dưới 1.000 tác phẩm lớn nhỏ của sân khấu và điện ảnh, truyền hình. Trong hoạt động nghệ thuật, cố nghệ sĩ luôn khẳng định phong cách riêng, có tính chuyên nghiệp cao, có nhiều tìm tòi, sáng tạo với một tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, để lại nhiều vai diễn nổi tiếng, có giá trị trên sân khấu và màn ảnh nhỏ, được các đồng nghiệp đánh giá cao, rất được khán giả mến mộ như: Vai "Phi Vân" trong vở kịch "Pháo Hoa", vai "Háp" trong vở kịch "Đôi mắt", vai "Billy" trong vở kịch "Đêm đen", vai "Vinh" trong vở "Bài ca Điện Biên", và đặc biệt là vai "Sacca" trong vở "Nita", vai "Ốc" trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" góp phần quan trọng vào thành công của vở diễn.

Trong nhiều năm, cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp tham gia nhiều phim truyền hình, tạo ra một thương hiệu "nghệ sĩ hài Văn Hiệp" rất được mến mộ, điển hình là vai "Bác Trưởng thôn", "Cụ tổ làng", "Ông trưởng họ"… Ngoài sự đóng góp về nghệ thuật biểu diễn, cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp còn sáng tác rất nhiều tiểu phẩm, kịch ngắn, các chương trình giải trí trên truyền hình, các vở kịch truyền thanh…

Cả cuộc đời của cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp đã cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật, có một số lượng lớn vai diễn trên sân khấu, truyền hình, kịch truyền thanh. Những đóng góp của cố nghệ sĩ Nguyễn Văn Hiệp cho nghệ thuật đã để lại trong lòng khán giả cả nước một tình cảm yêu mến và một sự đánh giá rất cao tài năng cũng như đạo đức nghệ sĩ của ông.

Tháng 9/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho Văn Hiệp vì những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà. Vào ngày 10/10/2013, tại trụ sở Bộ VHTTDL đã diễn ra Lễ truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem