Nghệ sĩ hài Vượng "râu" vạch trần sự dối trá của truyền hình thực tế

(Dòng đời) Thứ bảy, ngày 18/10/2014 07:00 AM (GMT+7)
“Tôi lấy đề tài truyền hình thực tế để làm tiểu phẩm cho đĩa hài Tết của mình cũng bởi sự bức xúc của tôi. Tôi muốn khán giả nhìn thấy sự lừa đảo của các nhà sản xuất, sự dối trá của truyền hình thực tế”- nghệ sĩ hài Vượng "râu" chia sẻ với Dòng Đời.
Bình luận 0

Được biết anh đang rất bận rộn chuẩn bị cho đĩa hài Tết Ất Mùi và đây cũng là năm anh kỷ niệm 15 năm nghiệp diễn của mình. Vậy, anh đã có kế hoạch gì cho sản phẩm?

- Tôi dự định sẽ lấy đề tài từ gameshow đang được diễn ngày một dày đặc trên các sóng truyền hình. Tôi đang nghĩ kịch bản theo cốt truyện kén rể ngày xưa, nhưng lại đưa câu chuyện về các gameshow, truyền hình thực tế lồng ghép vào tác phẩm. Và từ câu chuyện đó tôi muốn khán giả nhìn thấy sự lừa đảo của các nhà sản xuất, sự dối trá của truyền hình thực tế. Một thông điệp từ tác phẩm tôi muốn gửi đến là khán giả đừng nên ngây thơ tin vào nhà sản xuất, vào ban tổ chức các cuộc thi, tất cả đều không có thật và đều là lừa dối.

img

Vậy theo anh, câu chuyện mà anh định đưa vào đĩa hài Tết tới đây là do anh hư cấu, hay trên thực tế đang xảy ra như vậy?

- Tôi khẳng định đây là câu chuyện có thật, vì mục đích lợi nhuận của nhà sản xuất họ làm vậy. Bởi họ vẫn biết khi sản xuất về chương trình truyền hình thực tế đó, sự đón nhận của khán giả sẽ ra sao. Họ thừa biết hiệu ứng khán giả khi chương trình lên sóng, và khi họ biết hiệu ứng khán giả, họ sẽ có cách sử dụng. Thậm chí họ còn biết sử dụng hiệu ứng ngược như chương trình truyền hình thực tế “Vua đầu bếp” vừa qua. 

Khi nhà sản xuất biết chương trình đã bắt đầu nhạt, không thu hút được khán giả, họ đã dùng đến chiêu trò chặt đầu, chọc mắt con ba ba. Chuyện giết mổ, hay làm thịt một con gia súc nào đó cho bữa cơm, bữa cỗ gia đình là chuyện hết sức bình thường của người Việt Nam. Nhưng nếu như việc chặt đầu, chọc mắt con ba ba lại được đưa lên sóng truyền hình thì rõ ràng đó là một hành động phản cảm gây bức xúc, khó chịu, cũng như sự quan tâm của khán giả.

Tôi nghĩ nhà sản xuất, Đài THVN nên có sự chắt lọc cho dù chương trình được giả tiền thì cũng để tránh đi sự cẩu thả, thiếu tôn trọng khán giả như hiện nay.
img

Anh nghĩ sao về các chương trình truyền hình thực tế về trẻ em, ngoài yếu tố không đúng với lứa tuổi còn có những yếu tố không mang tính giáo dục?

- Rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đã tạo cho các em một thói quen, một tật xấu là già trước tuổi, và mất đi sự hồn nhiên. Đặc biệt các em sẽ mắc phải tật xấu, sự ganh đua, thiệt hơn trong cuộc thi mà đánh mất đi sự trong sáng của tuổi thơ, đúng tuổi của các em. 

Ở chương trình gameshow Giọng hát Việt nhí, các em được rèn luyện quá điêu luyện, gồng mình thể hiện cho đúng với cảm xúc, tâm trạng của những bài hát về tình yêu trai gái, mà chuyện tình yêu phải là những người đã có sự trải nghiệm mới có thể hát được. Nên tôi cảm giác nhà sản xuất đang ép các cháu gánh một gánh nặng quá sức trên vai. Và như vậy đó là hình ảnh, hành động phản cảm, giống như người già 80 tuổi nhưng lại bắt cõng trên lưng một bao gạo nặng đến cả 100kg. 

Tôi cũng đã được nghe nhiều lý do biện luận rằng, nếu hát những ca khúc đúng với lứa tuổi, những bài hát thiếu nhi ngày xưa ở cả chương trình Giọng hát Việt nhí, hay Đồ rê mí thì có vẻ không phù hợp và khán giả không thích nghe. Nhưng theo tôi đó là những biện luận không chính đáng của các nhà sản xuất. 
Ở chương trình gameshow Giọng hát Việt nhí, các em được rèn luyện quá điêu luyện, gồng mình thể hiện cho đúng với cảm xúc, tâm trạng của những bài hát về tình yêu trai gái, mà chuyện tình yêu phải là những người đã có sự trải nghiệm mới có thể hát được.

Sau 15 năm đi diễn, anh rút ra điều gì?

- Sau 15 năm đi hát, điều tôi nhận thấy để khán giả yêu phải tạo được 2 yếu tố, một là sự nhạy cảm, tinh tế của người nghệ sĩ với khán giả, hai là phải có gì đó tinh quái trong đó để nắm bắt nhu cầu, yêu thích của khán giả.

Một người nghệ sĩ nếu có được sự tinh tế cộng lẫn sự tinh quái một chút sẽ khiến khán giả đắm đuối, mê mẩn, đặc biệt với khán giả ở những sân khấu như kiểu sân vận động sẽ cho chúng ta thấy hết được khả năng ứng biến, biểu diễn của người nghệ sĩ đó, có được khán giả yêu hay không yêu.

Tôi ví dụ, như ca sĩ L.Q hát rất hay, nhưng cô ấy dường như không có lộc đi diễn ngoài, mà chỉ có show ở các thành phố, cô ấy cũng không biết cách giao lưu cùng khán giả. Tôi vẫn nhớ một lần đi tỉnh diễn cùng L.Q, V.D, mà ngày đó, L.Q là ngôi sao, là vơ đét các đêm nhạc. Ngay sau khi L.Q hát xong, cô ấy hỏi khán giả có muốn L.Q hát nữa không ạ. Lập tức dưới sân khấu có một khán giả nam nói to, “Không thích L.Q hát nữa”. Tình huống đó rất dở.  
img

Còn kỷ niệm?

- Kỷ niệm nhiều lắm, gặp sự cố và cứu “nét” như kiểu ngôn ngữ hiện đại vẫn nói trên sân khấu cũng không ít lần. Tôi vẫn nhớ khi còn đi biểu diễn ở hãng dầu ăn M., với 10.000 khán giả ở dưới, gặp đúng hôm loa bị tậm tịt, cứ đi một bước lại kêu ú lên một tiếng, lúc đầu tôi khó chịu và ức chế. Nhưng nghĩ mình đang đứng trước 10.000 khán giả, không lẽ mình lại nhăn nhó hay nói sẵng với nhân viên kỹ thuật. 

Sau mất 5 phút không biết phải làm sao, tôi vội vàng ứng biến vào kịch bản bằng cách, cứ một bước âm thanh ú thì tôi cũng diễn với khuôn mặt, điệu bộ và mồm ú theo, thế là khán giả ở dưới thay vì khó chịu lại bò lăn, bò càng ra cười.

Tôi phải cám ơn thời gian được học chèo trong trường, những kỹ thuật biểu diễn cơ bản của chèo rất tốt, ví dụ như kỹ thuật trò nhại ngẫu hứng, xử lý tình huống không có sẵn đối với các nghệ sĩ chèo đều xử lý tốt, khôn khéo, tinh tế hơn các nghệ sĩ bước ra từ điện ảnh. Bạn cứ nhìn những nghệ sĩ chèo như anh Quốc Trượng, Xuân Hinh, Tự Long… đều bước ra từ chèo, họ đã rất thành công, ở bất cứ lĩnh vực nào họ cũng xử lý tình huống tinh tế, một sự nhạy cảm và khôn khéo.


 Như với anh Chiến Thắng anh ấy diễn dài đó chỉ được coi là tấu hài, hay với nhiều nghệ sĩ hài khác khi diễn chỉ hành động theo kiểu, lăn lê bò toài để gây cười, và như vậy chỉ gọi là làm hề, làm trò. Tôi rất khâm phục anh Xuân Hinh, người có thể coi là một diễn viên hài xuất chúng, một tượng đài trong làng hài của Việt Nam, cho đến giờ không ai vượt anh.

Với anh Xuân Hinh, chất hài không chỉ xuất phát từ bẩm sinh, từ trong máu, mà chất hài của anh ấy còn có được do sự tập luyện, chỉn chu tới mức cầu toàn của anh ấy. Có những câu nói rất đỗi bình thường, thậm chí là vô nghĩa mà nếu như đặt ở mồm nghệ sĩ hài khác chưa chắc đã khiến khán giả cười, nhưng khi được anh Xuân Hinh nói thì khán giả lại bật cười một cách rất tự nhiên. Ví dụ khi anh ấy nói, “cái gì nó nổ ấy nhỉ, ôi giời ơi, cái gì nó nổ ấy nhỉ”, đã làm khán giả cười lăn, cười bò. 

Nghe nói để đến với nghề diễn như bây giờ anh cũng đã trải qua thời gian truân chuyên, vất vả?

- Để có được vị trí vừa làm đạo diễn vừa đi diễn hài như bây giờ, tôi đã trải qua rất nhiều vai trò liên quan đến nghệ thuật. Khi chưa đến nhiều với vai diễn hài, tôi đã có mấy năm đi làm bầu show, những ngày vui, buồn, cực khổ với nghiệp ông bầu, rất nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt, cũng nhiều đêm hân hoan, hạnh phúc khi được bà con đón nhận và chào đón. 

Ngày đó tôi nhớ, tôi, nghệ sĩ Hiệp Gà, nghệ sĩ Xuân Nghĩa (em trai Xuân Hinh) đều rủ nhau bán xe ô tô để gây dựng sự nghiệp bầu show. Tôi vẫn nhớ có những chuyến đi tôi cũng thắng đậm lắm, sau khi kết thúc chuyến đi đó, tôi cũng mua được cả cây vàng, nhưng cũng có những tuần thua lỗ thì bán đến 4 cây vàng, bán cả xe máy, ô tô, nhà cửa để trả nợ.

Ngày đó, vẫn còn trẻ, nhiều nhiệt huyết, nên đứng lên làm kinh doanh chỉ nghĩ đơn giản bởi yêu nghề, muốn đem nghệ thuật đến gần hơn với khán giả, gần hơn với bà con. 

Xin cảm ơn anh!

Thanh Hà (Thực hiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem