Nghệ sĩ Trà My và diễn viên Lê Tâm trong cảnh phim ngắn “Người mẹ một mắt” (ảnh nhân vật cung cấp).
Diễn lần nào khán giả cũng khóc
Được biết, chị đang thực hiện bộ phim ngắn “Người mẹ một mắt” để phát hành trong dịp lễ Vu lan. Đang quen với diễn hài, giờ làm vai bi có gì khó với chị không?
- Thực ra, tôi vốn là “dân” cải lương của đoàn cải lương Thái Bình. Diễn hài chỉ là sau này thôi nên sở trường vẫn là diễn các vai bi. Tôi đã từng đảm nhiệm nhiều vai thân phận như chồng mất, con mất nên với “Người mẹ một mắt”, thách thức với tôi không phải là vai gì, mà là làm thế nào để lấy được nước mắt của người xem, làm lay động suy nghĩ của những người con dành cho đấng sinh thành.
Nhưng “Người mẹ một mắt” thường được diễn nhiều vào dịp Vu lan nên đã không còn mới nữa, vậy chị làm thế nào để nó vẫn hấp dẫn, thu hút được người xem?
- Chính tôi cũng đã từng mang vở diễn này đi diễn ở nhiều sân khấu khác nhau vào mỗi dịp Vu lan báo hiếu và lần nào cũng khiến khán giả khóc. Tôi nhớ năm ngoái diễn ở chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình), nhiều khán giả khi ra về đã tìm bằng được nghệ sĩ để nói lời cảm ơn vì đã cho họ thấy mình phải sống hiếu đạo hơn với mẹ cha khi mẹ cha còn tại thế. Trong đó, tôi xúc động nhất là một cụ già tóc bạc phơ, lưng còng… đến ôm chặt lấy tôi rồi khóc nức nở khiến tôi và các diễn viên cũng khóc theo. Từ hiệu ứng này, tôi muốn làm thành phim ngắn để nó đến được với nhiều khán giả hơn.
Diễn viên trong phim là những người đã diễn vở kịch này trước đó với tôi, như Lê Tâm, Trọng Phúc- con trai ngoài đời. Ngoài ra, tôi mời thêm hai nhà sư vào phim là Thượng tọa Thích Đức Nguyên - Ủy viên hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo TƯ - Trưởng ban Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hoà Bình (đóng nhà sư hồi già). Đại đức Thích Chí Thiện- Trụ trì chùa Đôi Cao Thái Nguyên (đóng nhà sư hồi trẻ) để đảm bảo độ chân thực nhất cho phim. Để diễn viên vào vai nhà sư cũng được thôi nhưng về thần thái thì chắc chắn là không thể đạt như người đã tu tập trong nhiều năm mới có được. Ngoài ra, tôi diễn vai chính, lại tự viết kịch bản nên sẽ hiểu nhân vật hơn. Qua bàn tay của đạo diễn Đông Hồng, tôi nghĩ phim sẽ chạm được vào cảm xúc của khán giả. Phim mới quay “thô” thôi mà không ít người trong đoàn và khán giả đến xem đoàn quay đã khóc vì xúc động.
Xem hình ảnh, thấy chị hóa trang thành bà mẹ đến mức không nhận ra…
- Nhân viên hóa trang phải mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ để biến tôi thành người mẹ mù một mắt. Móng tay, móng chân cũng phải cắt tỉa cho “ra chất” của người lam lũ. Lúc đầu, người hóa trang sợ tôi diễn một mắt khó nên bảo chỉ dán mắt he hé thôi, để không bị ảnh hưởng đến tầm nhìn. Nhưng tôi bảo phải dán kín hết, vì nhân vật không phải bị mù mà là khoét mắt để hiến cho con trai. Nếu không bịt hết thì khi quay cận sẽ giảm mất độ chân thực.
Buồn vui đều về với mẹ
Câu chuyện trong “Người mẹ một mắt” là sự cảnh tỉnh đến những người con hãy dành tình cảm nhiều hơn cho cha mẹ, vậy với chị, có hành động nào thời trẻ khiến chị day dứt, ân hận vì đã làm cha mẹ buồn không?
- Tất nhiên là đứa con nào cũng có đôi lần làm cha mẹ phiền lòng vì sự ngang bướng, thích làm theo ý mình… Nhưng để trở thành hành động bất hiếu thì chưa bao giờ. Từ nhỏ, chúng tôi đã thấu hiểu sự vất vả cơ cực của mẹ nên lớn lên luôn có suy nghĩ bù đắp cho mẹ thật nhiều. Không chỉ bằng vật chất mà lớn hơn nữa là tinh thần. Vì với người già, có cho tiền hay mua sắm những thứ sang trọng, đưa đi đây đó thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Trong DVD “Lời tri ân với cha mẹ”, thay vì mời diễn viên thì tôi đưa cả mẹ đẻ và mẹ chồng vào quay. Tôi muốn lưu giữ thật nhiều những hình ảnh về mẹ, để sau này mẹ không còn nữa thì tôi vẫn còn rất nhiều điều để nhớ. Facebook của tôi cũng rất nhiều hình ảnh chụp chung với mẹ là vì vậy.
Đã từ lâu tôi xác định rằng, dù bận đến mấy thì tôi vẫn phải tranh thủ về với mẹ. Về ăn một bữa cơm, ôm mẹ một cái rồi đi cũng đủ hạnh phúc rồi. Hay mỗi khi thấy lòng mỏi mệt, tôi lại phóng xe về với mẹ là bao nhiêu muộn phiền trôi đi hết. Càng có tuổi, con người ta lại càng cảm nhận rõ, có cha mẹ khỏe mạnh mới là phúc đức lớn nhất. Thế nên tôi rất muốn câu chuyện về “Người mẹ một mắt” được lan tỏa, để những người con luôn biết trân trọng từng phút giây khi còn có cha mẹ để yêu thương và được yêu thương.
Vậy ở vai trò là một người mẹ, đã bao giờ chị thấy buồn vì những bồng bột của con trai hay chưa?
- Cũng như tôi khi còn trẻ, Trọng Phúc đang ở độ tuổi trưởng thành nên không tránh được những bất ổn về tâm sinh lý. Ở trong hoàn cảnh bố mất sớm, như bản năng tự nhiên, Phúc rất hiểu chuyện và luôn đặt mình là người đàn ông lớn trong nhà để làm chỗ dựa cho mẹ. Những lần con làm tôi buồn chỉ dừng lại ở việc thỉnh thoảng bị cô giáo nhắc nhở chuyện chưa làm bài tập ở lớp, mải mê với phòng thu nhiều quá… còn những chuyện nghiêm trọng thì chưa bao giờ. Với bộ phim “Người mẹ một mắt” này, tôi muốn Phúc tham gia cũng là để con thấu hiểu được câu chuyện về chữ hiếu từ khi còn trẻ. Thỉnh thoảng bị con cãi lại mà tôi đã buồn lên buồn xuống rồi, nếu bị đối xử bất hiếu thì tôi không biết mình sẽ như thế nào nữa. Với người mẹ dứt ruột đẻ ra, chăm bẵm đứa con đến quên cả thân mình mà bị con phụ bạc thì đúng là không còn bất hạnh nào lớn hơn!
Cảm ơn nghệ sĩ Trà My!
Phim “Người mẹ một mắt” có độ dài 24 phút, kể về người phụ nữ vô tình “nhặt” được một đứa bé trong bụi cây. Khi đưa đứa bé về nuôi nấng, bà phát hiện cậu bé chỉ còn một mắt. Với tình yêu thương vĩ đại, người mẹ này đã hy sinh một mắt của mình cho cậu con trai để con có thể lớn lên bình thường như chúng bạn. Cậu con trai lớn lên luôn mang trong mình nỗi mặc cảm và xấu hổ vì có bà mẹ một mắt, lại lam lũ xấu xí. Cậu căm ghét người mẹ của mình và luôn đối xử với mẹ một cách xấc xược, hỗn hào. Càng trưởng thành, người con trai càng xấu hổ, xa lánh mẹ và không dám nhận mẹ vì gia đình vợ là một gia đình danh giá. Thậm chí còn xua đuổi mẹ thậm tệ. Chỉ đến khi đọc bức thư của mẹ từ tay một nhà sư- người đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện từ đầu đến cuối, người con trai mới hối hận thì đã muộn. “Cuộc sống bây giờ đã khác với câu chuyện nhưng chuyện con cái bất hiếu với cha mẹ thì vẫn nhiều đến đau lòng. Bộ phim sẽ là bài học giáo dục sâu sắc để mỗi người biết trân quý hơn khi đang còn có cha mẹ”, nghệ sĩ Trà My nói. |
Minh Nhật (thực hiện) (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.