Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Mười (sinh năm 1957) là diễn viên, đạo diễn của Hãng phim truyện Việt Nam, ông cũng là giảng viên, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa truyền hình, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ông sinh ra tại Thành phố Vinh, Nghệ An; nguyên quán tại xã Hùng An, huyện Kim Động, Hưng Yên, trong một gia đình có 11 anh chị em và không ai theo nghệ thuật. Nhưng ngay từ nhỏ ông đã mê phim ảnh, những bộ phim như: "Nổi gió", "Vĩ tuyến 17, Ngày và đêm"... rồi các diễn viên như Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh... đã trở thành thần tượng của ông.
Năm 1973, trong lần cùng bạn bè đi chơi, Hữu Mười nhìn thấy bảng thông báo tuyển diễn viên, ông liền quyết định viết đơn ứng tuyển. Tuy nhiên, vì nghĩ viết chơi chơi nên lá đơn của ông chỉ vỏn vẹn 6 dòng và suýt bị đuổi về vì cẩu thả và phải viết lại.
Sau đó, khi vào thi tuyển, một trong những thành viên giám khảo đã nhận ra tố chất diễn viên nên Hữu Mười đã vượt qua vòng sơ tuyển và được ra Hà Nội dự thi chung tuyển. NSƯT Hữu Mười là một trong 16 sinh viên của lứa diễn viên điện ảnh khóa 2 gồm: NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Đình Thân, NSND Bùi Cường, NSND Phương Thanh, NSƯT Thanh Quý, NSND Đào Bá Sơn… của Trường Điện ảnh Việt Nam.
Tốt nghiệp lớp diễn viên, NSƯT Hữu Mười cùng cả lớp về Hãng phim truyện Việt Nam. Thời gian đầu ông thường hóa thân vào những vai phụ kiểu thanh niên lười biếng, chậm tiến trong "Khôn dại", vai nông dân lười lao động trong "Ngày ấy ở sông Lam"…
Chia sẻ với Dân Việt về quãng thời gian này, NSƯT Hữu Mười cho biết: "Thời điểm mới ra trường, tôi gầy lắm, cao 1m75, nặng 48kg, được gọi là "que củi di động", trông tôi yếu ớt nên các đạo diễn không mời vào các vai chiến sĩ. Trong khi vai chiến sĩ phải to cao, khỏe mạnh, còn tôi quá gầy không tạo được hình tượng người chiến sĩ mạnh mẽ, bản lĩnh. Các bạn cùng lứa với tôi như: Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Bùi Cường… vừa to cao, khỏe mạnh, đẹp trai nên được mời nhiều vai chiến sĩ khác nhau.
Mất 5 năm tôi bị khủng hoảng tinh thần, trầm cảm vì không được mời vào vai diễn chính, dù rằng lúc nào tôi cũng chỉ ao ước được tăng cân, được mời vào vai bộ đội. Thế rồi tôi đã tính chuyển nghề và tôi đã chuyển sang làm trợ lý đạo diễn. Nhưng thời điểm đó cũng là lúc điện ảnh mở cửa, không chỉ bó hẹp ở đề tài chiến tranh mà còn được phép làm các đề tài đời sống, xã hội, bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" của đạo diễn Phạm Văn Khoa được làm, tôi được đạo diễn mời vào nhân vật ông giáo Thứ.
Đúng là trong cái rủi lại có cái may, cũng vì hình thể của tôi gầy gò, ốm yếu không được mời vào vai bộ đội nhưng lại phù hợp cho vai ông giáo Thứ, người cũng có hình dáng gầy gò, ốm yếu như vậy".
Theo nghệ sĩ Hữu Mười, ngoài may mắn về hình dáng, gầy gò giống với nhà văn Nam Cao, ông còn may mắn khi được đóng cùng nhà văn Kim Lân (vai lão Hạc) nên đã được chỉ dẫn, bên cạnh đó sự bồi đắp, hỗ trợ từ đạo diễn Phạm Văn Khoa (cả hai đều sống cùng thời với nhà văn Nam Cao). Và quan trọng hơn cả, nghệ sĩ Hữu Mười đã có sự tìm tòi, đọc kịch bản, các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, đặc biệt là tiểu thuyết "Sống mòn" để có thể hiểu về tính cách, con người của nhà văn và lột tả hình tượng nhà văn Nam Cao được tốt nhất.
Ngay khi bộ phim được phát hành, "Làng Vũ Đại ngày ấy" đã nhận được sự yêu mến của khán giả và lời ngợi khen từ giới chuyên môn. Với vai diễn ông giáo Thứ, tên tuổi của NSƯT Hữu Mười được biết đến trên khắp cả nước.
Sau thành công của ông giáo Thứ, nghệ sĩ Hữu Mười được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời cộng tác nhưng không phải vai trò diễn viên mà với vai trò trợ lý đạo diễn. Khi đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh tuyên bố không mời Hữu Mười vào vai thầy giáo Khang, vì Hữu Mười đã rất thành công ở vai ông giáo Thứ mà trong điện ảnh kỵ nhất là lặp lại diễn xuất. Tuy nhiên, sau 2 tháng tìm kiếm diễn viên phù hợp với thầy giáo Khang nhưng không tìm được, đạo diễn Đặng Nhật Minh đành quay lại mời Hữu Mười vào vai này và giao kịch bản phim để nghiên cứu nhân vật.
Chia sẻ điều này, NSƯT Hữu Mười cho biết: "Khi đạo diễn Đặng Nhật Minh quyết định chọn tôi, có lẽ đó là ngày vui nhất, vì mình đã được mời".
Khi nói cả hai đều là ông giáo nhưng ở mỗi phim, ông giáo lại có tính cách khác nhau. Ông giáo Thứ là nhân vật luôn luôn trăn trở, đau đáu, đau khổ với các số phận xung quanh. Ông có tính cách trầm, ít nói, không thích vồ vập, sống đức độ và nhân hậu nhưng khá lạnh lùng, với những người chưa bao giờ gặp, ông luôn giữ thái độ đúng mực trong giao tiếp. Ông ở tầng lớp tri thức, là người chỉn chu trong ăn mặc, đặc biệt, có việc gì đi ra khỏi làng thì đều mặc complê, thắt cà vạt và xách cặp rất lịch sự, sống nội tâm.
Còn ở ông giáo Khang trong "Bao giờ cho đến tháng Mười" là tầng lớp tri thức làng quê nhưng lại được kể rất cụ thể. Ông giáo Khang sẵn sàng yêu, sẵn sàng bộc lộ tình cảm, muốn bù đắp cho một số phận, là cô Duyên. Số phận đã run rủi để thầy Khang là người đầu tiên biết chồng cô Duyên đã mất và Duyên không muốn người bố chồng già yếu biết tin này, sợ ông không chịu nổi, nên nhờ anh thay người chồng của cô Duyên để viết những bức thư gửi về gia đình Duyên - nơi mà ông bố chồng, cùng đứa con trai nhỏ bé ngày đêm mong ngóng. Thế rồi từ những bức thư đó, anh ta bị ngấm cảm về tình người, về sự chịu đựng đau khổ của người phụ nữ sau chiến tranh và Khang muốn bù đắp phần nào sự mất mát với cô Duyên. Vì vậy mà ở vai diễn này, tôi cần phải thể hiện nhiều hơn về nội tâm, lột tả được cảm xúc, tình cảm của ông giáo Khang".
Sau khi bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" được công chiếu đã nhận được "cơn mưa" lời khen từ giới chuyên môn, khán giả. Bộ phim giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đặc biệt với vai diễn thầy giáo Khang, Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Mười còn giành giải: Nam diễn viên chính xuất sắc (Bông sen vàng) tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 7.
Nhớ lại thời kỳ làm phim đó, ông bảo: "Thời đó nghèo, thiếu thốn đủ bề, chúng tôi thường nói vui là "nghệ sĩ quốc doanh", chỉ biết ăn lương nhà nước và đi đóng phim. Nếu chưa nhận được phim thì hàng ngày phải đến hãng trao đổi nghiệp vụ, đọc tài liệu. Trước khi lên đường theo đoàn làm phim phải ra hàng gạo cắt tem gạo để nộp cho đoàn làm phim. Hành lý mang theo là chiếc ba lô. Hoàn thành xong một vai diễn chỉ được nhận tiền bồi dưỡng, nếu là vai chính thì được khoảng 15-20 đồng.
Khi quay, buổi sáng cùng nhau ra ăn ở bếp cơm tập thể, được bếp trưởng phát cho mỗi người bát bo bo với muối vừng, đạo diễn, diễn viên đều ăn như vậy.
Buổi trưa, nắng đến đỉnh đầu thì nghỉ ăn trưa, người nấu bếp cho gì ăn nấy, ví dụ như: rau luộc, đậu phụ, lạc rang. Tối về nghỉ tại nhà dân thì đàn ông ở một nhà, phụ nữ ở một nhà khác.
Nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ, cười đùa với nhau. Tôi thường đùa vui, tếu táo ở bữa ăn với Lê Vân: Đáng lý ra phân cảnh này cậu phải liếc tớ, phải cho tớ thơm một cái…"
Trêu đùa với Lê Vân vậy thôi chứ cả hai chúng tôi không có cảnh nào là cảnh vồn vã, vồ vập mà toàn là cảnh diễn luôn có khoảng cách, đủ cho sự tinh tế trong quan hệ giữa các nhân vật.
Mặc dù cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng các nghệ sĩ tập luyện vẫn rất hăng say, vẫn cháy hết mình, cảm xúc vẫn thăng hoa.
Theo NSƯT Hữu Mười, ngày đó kinh phí làm phim không nhiều, có được 1 cuộn phim nhựa là rất quý và hiếm, đèn chiếu sáng để quay cũng hiếm, vì vậy, nghệ sĩ phải tập luyện rất nhiều trước khi quay thật.
"Chúng tôi thường làm theo cách là sau khi đọc kỹ kịch bản, thuộc lời thoại, đạo diễn sẽ chỉ dẫn các đường nét và chúng tôi tự tập với nhau. Khi đã khá nhuần nhuyễn thì chúng tôi tập tiếp trước ống kính máy quay, khi nào đạo diễn thấy ưng thì sẽ bắt đầu quay. Nếu chẳng may diễn chưa tốt thì phải quay đi quay lại nhiều lần, chúng tôi sẽ bị quay phim mắng cho té tát.
Để giữ được cảm xúc "bung" đúng lúc, cả tôi và Lê Vân đều nén cảm xúc lại. Thậm chí, khi quay thật nhưng chưa đến đoạn cao trào chúng tôi vẫn giữ lại cảm xúc. Chỉ đến khi cần điểm nhấn thì chúng tôi mới "bung" hết cảm xúc, sự trăn trở, nỗi đau của nhân vật, bởi cảm xúc là thứ rất dễ bị chai lì. Nếu chỉ mới diễn tập mà đã "bung" hết cảm xúc thì đến lúc bấm máy quay thật rất dễ bị chai sạn cảm xúc.
Trong nghề diễn viên vẫn thường nói với nhau, diễn xuất hành động là quan trọng nhất, trong hành động còn có hành động cơ thể và hành động tâm lý", NSƯT Hữu Mười nói.
Không chỉ nổi tiếng và được biết đến với vai trò diễn viên, nghệ sĩ Hữu Mười còn được biết đến với vai trò đạo diễn, đặc biệt khi ông nhận lời bộ phim điện ảnh "Mùi cỏ cháy" chỉ với kinh phí vỏn vẹn 4,2 tỷ đồng.
Và khi bộ phim ra mắt vẫn nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn về tài xoay xở của NSƯT Hữu Mười.
Nói về những cái khó cho bộ phim đề tài chiến tranh nhưng kinh phí lại quá eo hẹp như vậy, NSƯT Hữu Mười cho biết: "Sau khi nhận lời, tôi đã phải suy nghĩ, trăn trở làm phim này thế nào vừa đủ với số tiền kinh phí nhưng lại phải ra được chất chiến tranh. Cũng may tôi nhận được sự hỗ trợ của bạn bè cả bên ngoài và trong quân đội".
Là người đam mê phim từ bé nên chất điện ảnh, khát vọng điện ảnh như chảy trong máu của NSƯT Hữu Mười. Từ năm 2003 ông tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Năm 2012, ông chuyển hẳn về trường, giữ cương vị Trưởng khoa Truyền hình cho đến lúc nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện tại nghệ sĩ Hữu Mười nhận lời tiếp tục cộng tác giảng dạy tại các khoa của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Ông bảo, nghiệp nghề giáo đã gắn vào cuộc đời ông từ trong phim ra tới ngoài đời. Ông muốn được truyền lửa nghề, truyền những kinh nghiệm đã được ông đúc kết qua những thước phim cho thế hệ trẻ.
Hiện tại, cuộc sống của NSƯT Hữu Mười là vẫn dạy đều 2 buổi/tuần, có học kỳ 3 buổi/tuần, dạy đạo diễn truyền hình và diễn xuất. Ngoài thời gian này, ông đi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Trước câu hỏi về gia đình, NSƯT Hữu Mười nói đó là sự riêng tư nên không muốn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.