Nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng trong vở kịch “Dưới ánh đèn”. Ảnh: TL
Sân khấu là sự phản chiếu cuộc đời
Được biết, anh vừa giành HCV cho vai diễn Bầu Nghệ trong vở “Dưới ánh đèn” tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc. Nhiều người khá bất ngờ, không phải vì chiếc HCV anh nhận được mà vì anh vốn định hình ở hài kịch và tổ chức sản xuất các chương trình âm nhạc là chính. Anh lại “âm mưu” gì chăng?
- Vở kịch này là tôi được mời, mà người mời đều là anh em thân thiết trong nghề. NSND Trần Nhượng là đạo diễn, nhà văn-nhà viết kịch Chu Thơm là tác giả kịch bản. Các diễn viên có anh Quang Tèo, Long Nhật... Vai của tôi cũng nhỏ thôi, nhưng khi nhận lời, tôi nói với đạo diễn: Em làm không phải để thi thố đâu, nên ngoài ý đồ của vở diễn thì phải cho em sáng tạo.
Cũng là lời thoại đó nhưng tôi nhấn nhá, nhả đài từ để nó có chất hài, làm mềm đi vở diễn. Có như thế thì dù là vai phụ nhưng khán giả vẫn sẽ nhớ đến cái riêng của mình, chứ tôi không nghĩ là mình được giải Vàng đâu, vì chỉ là vai phụ thôi mà.
Cái này làm tôi nhớ đến lễ tốt nghiệp đại học 15-16 năm trước. Tôi diễn 2 vai là hề Nhân trong vở “Nàng Thiệt Thê” - một vở chèo cổ và vai cậu ấm Sếnh trong vở “Duyên kiếp ở đời”. Lúc diễn xong, tôi không nghĩ mình sẽ đạt kết quả tốt, vì ngày đó giọng khàn lắm. Thế mà lúc tốt nghiệp lại được xuất sắc, còn được Giấy khen và 100.000 đồng. Sau này làm nghề tôi mới ngẫm, mình càng thoải mái bao nhiêu thì khi lên sân khấu lại càng dễ thăng hoa bấy nhiêu. Như ở Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc vừa rồi, trước lúc lên diễn tôi vẫn còn ngồi chơi game mà (cười).
Đang là nhà sản xuất, đạo diễn của các chương trình lớn, bỗng nhiên anh vào một vai phụ. Thường thì từ thấp lên cao chứ ngược lại, người ta hay nghĩ là mình kém oai?
- Càng lên cao thì người ta lại càng nhận thấy mình nhỏ bé. Như đã nói, tôi đến với vở diễn không phải để thi mà là để thể hiện thêm một khả năng khác của mình ngoài hài. Những ai làm nghệ thuật cũng được dạy rằng, nghề này không quan trọng dài ngắn, không quan trọng chính phụ mà là sự xuất hiện của mình thế nào để đông nghiệp và khán giả công nhận. Nếu nghĩ vì mình là nhà sản xuất, đạo diễn mà không thể đóng một vai thứ thì rất dở. Tôi thấy vai này nhỏ nhưng khá ấn tượng. Đó là ông bầu của ca sĩ Bảo Long (ca sĩ Long Nhật đóng), vì đồng tiền mà trở nên thoái hóa, hại Bảo Long để lăng xê cho đối thủ của anh. Nhưng cuối cùng, Bảo Long vẫn đứng lên từ nơi đã ngã xuống để làm lại từ đầu.
Đó có phải là câu chuyện rất phổ biến ngoài đời không, như chuyện đạp đổ nhau trong showbiz ấy?
- Sân khấu là sự phản chiếu cuộc đời mà. Đời sống nghệ thuật luôn có sự cạnh tranh, ganh đua khắc nghiệt như vậy. Dưới ánh đèn sân khấu luôn có những góc tối, đó chính là nơi mà mọi hỉ nộ ái ố lộ diện. Nhưng khi bước ra ánh sáng, chính nó lại được khoác chiếc áo lộng lẫy. Người ngoài có thể bị che mắt nhưng trong nghề thì hiểu rất rõ.
Sân khấu phải hướng đến khán giả
Rất nhiều nghệ sĩ từng “chinh chiến” trên các sân khấu khác nhau nhưng vẫn chưa có duyên với giải thưởng. Trong khi đó, anh vừa “ra quân” lần đầu đã có ngay HCV. Phải chăng sau này sẽ có thêm một đạo diễn sân khấu Nguyễn Công Vượng, bên cạnh hài kịch và tổ chức chương trình?
- Đúng là nghệ thuật cần có cái duyên, nhưng bên cạnh tài năng, sự đầu tư cho vở diễn thì cái rất quan trọng là chọn được nhân vật phù hợp với mình. Tôi nghĩ, những người chưa có may mắn ấy phần nhiều là họ chưa chọn được đúng vai. Trước đây, tôi cũng được nhiều đạo diễn mời trong các kỳ liên hoan nhưng quả thật là tôi không có thời gian. Như vừa rồi, mặc dù tôi diễn vai thứ thôi nhưng mất hơn 1 tháng tập luyện với mọi người. Chỉ có một hôm tôi dở dang công việc mà cả ê-kíp phải nghỉ khiến tôi áy náy vô cùng.
Thêm nữa, nhận lời làm cho người khác thì mọi công việc của tôi gần như buông lơi. Không thể nhận lời diễn cho đạo diễn mà mình cứ cầm điện thoại điều hành công việc ở công ty được. Tập đến giữa chừng, thực sự là tôi đã có suy nghĩ thay người vì thời gian của mình kẹt quá. Nhưng thật may là sau đó việc cũng giãn ra nên tôi cũng mới tập trung hết mình cho vai diễn được.
Sau Liên hoan Sân khấu kịch vừa qua, anh thu nhận được gì cho mình?
- Đó là sự sôi động và yêu nghề của sân khấu kịch Sài Gòn. Có rất nhiều điều về mặt nghề nghiệp để học hỏi từ các đạo diễn, nghệ sĩ. Duy có điều tôi không thích là vẫn có một số đề tài mô típ quá cũ. Dù là dự thi thì một vở diễn trước hết vẫn phải hướng đến khán giả chứ không phải làm để đi thi là chính, để rồi nói những vấn đề đao to búa lớn quá. Vấn đề nữa là lời thoại quá xa thực tế, vì người viết, đạo diễn không phải là diễn viên, chỉ viết theo suy nghĩ chủ quan của mình. Trong chèo có một câu rất hay mà Lý Trưởng nói với Mẹ Đốp: “Hay là hay với mày chứ không phải với tao”. Nhiều khi chúng ta cứ làm để “tự sướng” với nhau, để rồi phải đến khi mang ra “cọ sát” với khán giả thì mới biết được vị thế của mình ở đâu.
Anh vừa nói, một số vở có lời thoại không mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Nhưng trong tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt”, nhà văn dùng những ngôn ngữ hiện đại để làm mới câu chuyện lịch sử thì lập tức bị lên án dữ dội?
- Tôi chưa đọc tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” mà chỉ xem các hình ảnh chụp lại đoạn văn đó, nhưng quả thật là thấy dung tục. Như truyện tiếu lâm, cũng tục đấy nhưng đọc không thấy bẩn. Không chỉ ở văn học mà trong điện ảnh, truyền hình đôi khi cũng rất kém khi miêu tả về cảnh “nóng”.
Tôi nghĩ, khi nói về các nhân vật lịch sử cần tuân thủ nguyên tắc không được phép tô vẽ như thánh thần và cũng không được phép hạ bệ. Tức là phải tả thực, tôn trọng sự thật. Bất cứ nhân vật lịch sử nào cũng là người bình thường. Họ có đức cao vọng trọng, nhưng họ không phải là thánh và cũng có những ham muốn bình thường. Nhưng nếu một tác phẩm viết ra mà bị đại đa số phản bác thì phải xem lại. Như tôi diễn hài chẳng hạn, nếu không có ai cười thì không thể nói rằng, vì khán giả trình độ kém nên không hiểu được.
Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Công Vượng!
Minh Nhật (thực hiện) (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.