Nghệ sĩ Xuân Hinh: Vợ ở nhà, hàng xóm xông nhà thì gay go!

Thanh Hà (thực hiện) Chủ nhật, ngày 07/02/2016 06:48 AM (GMT+7)
Nghệ sĩ Xuân Hinh không quan niệm tự mình xông nhà ngày Tết là gặp đen đủi. Anh dí dỏm: “Vợ tôi ở nhà trông nhà, tôi đi lễ xong nếu tôi không xông nhà thì anh hàng xóm sang xông nhà mất, mà như thế thì gay go rồi”.
Bình luận 0

Nghệ sĩ Xuân Hinh dường như vẫn được khán giả, đặc biệt bà con vùng nông thôn yêu mến và trông đợi mỗi khi anh về diễn. Năm nay cũng vậy, trước Tết cả hai tháng anh đã tất tả ngược xuôi trên mọi cung đường đi lưu diễn các tỉnh. Cuộc trò chuyện của Dân Việt với anh được thực hiện qua điện thoại khi anh đang đi lưu diễn ở Mộc Châu, Sơn La. Anh bảo, điều quý giá và hạnh phúc nhất với anh là mang được tiếng cười tới bà con nông thôn.

Anh vẫn là một nhân vật rất “hot”trong giới nghệ thuật. Nghe nói anh chạy show từ trước Tết. Tết này anh sắp xếp giữa lịch diễn và việc lo Tết cho gia đình như thế nào?

- (Cười) Giờ tôi nhiều tuổi rồi, cũng không “hot” như bạn nói đâu. Nhưng đúng là năm nào cũng như năm nào, tôi thường bận rộn với lịch quay, lịch diễn hài Tết cho đến tận sát ngày 27, 28 mới nghỉ và về nhà lo sửa soạn mua đồ cũng như dọn dẹp nhà cửa. Nói là lo vậy chứ một tay vợ tôi lo hết, tôi chỉ về là góp gọi là một chân, một tay phụ với vợ tí ti. Tuy nhiên năm nào cũng vậy, bận rộn đến mấy thì cũng cứ đến 24 âm lịch là tôi và con trai về để đi chạp mộ tổ tiên cùng cả dòng họ. Đông lắm, bận diễn thế nào thì diễn nhưng ngày đó là tôi nghỉ để về quê.

img

Nghệ sĩ Xuân Hinh

Năm nào cũng như thành thông lệ, đêm 30 sau khi cúng giao thừa là tôi đi lễ chùa cầu may, cầu bình an sau đó về xông nhà. Tôi luôn là người xông nhà mình, dù có năm sao xấu. Mọi người cứ trêu là năm không được tuổi mà tự xông nhà sẽ gặp vận đen nhưng tôi không lo bởi nhà mình, mình xông mình tự chịu trách nhiệm. Với lại vợ tôi ở nhà trông nhà, tôi đi lễ xong nếu tôi không xông nhà thì anh hàng xóm sang xông nhà mất chứ, mà như thế thì gay go rồi (cười).

Năm nay cũng đúng 27 âm lịch tức ngày 5.2 tôi nghỉ diễn. Đầu năm xuất hành đi diễn xa vào ngày 4 âm lịch tức ngày 11.2.

Năm nay anh không ra đĩa hài Tết nào, trong khi mọi năm anh luôn được coi là ông “vua” đĩa hài Tết?

- Tôi vẫn nói với các nhà báo là tôi có phương châm xuất hiện ít trên truyền hình, hạn chế để khán giả còn nhớ và “thèm” mình. Với đĩa hài Tết cũng vậy, năm nay tôi không ra đĩa hài Tết vì muốn có sự đổi khác, hơn nữa bây giờ tìm một kịch bản hài hay là điều không dễ. Có những năm tôi tuyên bố đầu tư một số tiền khá lớn cho ai viết được kịch bản hài hay nhưng vẫn không có.

img

Mặc dù năm nay tôi không ra đĩa hài Tết nhưng tôi nhận được rất nhiều lời mời đi diễn ở nước ngoài như ở Úc, New Zealand, vào các ngày 5, 6 tháng 2 tức ngày 27, 28 âm lịch. Tháng 3 thì diễn ở Đức, Pháp, Ý... Song tôi không muốn đi diễn xa thế, tôi ưu tiên đi diễn ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa nhiều hơn. Tôi đi đến những nơi mà bà con chưa được biết đến sân khấu, chưa biết hề chèo, chưa xem tôi diễn. Tôi muốn mang tiếng cười tới bà con nông thôn để họ có được cái Tết đầm ấm, vui vẻ.

Được biết vừa rồi anh tự bỏ tiền túi để ghi âm các giá chầu văn và đưa lên kênh riêng trên YouTube. Anh có thể chia sẻ lý do cũng như cảm nghĩ của mình khi ghi âm những giá chầu văn này?

- Vừa rồi tôi tiếp tục phát hành CD1 và CD2 “Xuân Hinh với Văn Ca Chúc Thánh” với mong muốn được nhân rộng tình yêu nét văn hóa truyền thống tới khán giả, đặc biệt các là các bạn trẻ. Nếu bạn trẻ nào thích âm nhạc truyền thống thì có thể vào đó để nghe, nghe lâu thì sẽ thấy yêu và say mê...

Tuy nhiên để có được những sản phẩm đó, tôi phải tích cóp tiền từ những chuyến đi diễn khá lâu. Cũng bởi tôi yêu, say những làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống nên tôi cứ làm hết khả năng của mình. Một điều mà tôi cứ đau đáu nữa là, ngày trước khi còn trẻ tôi được học các thầy, cô, các nghệ nhân giỏi, nhưng thời đó lại chưa nở rộ về khoa học công nghệ, cũng không có điện thoại smartphone như bây giờ nên cũng ít ai nghĩ đến chuyện ghi âm, hay quay video để lưu giữ những làn điệu, lời ca hay từ các tiền nhân.

Giờ đây khi họ đã tuổi cao sức yếu không còn biểu diễn được nữa, thậm chí có nhiều người đã đi về miền xa thì thế hệ như tôi không may mắn được biết đến chứ đừng nói là được xem để học. Vì vậy tôi luôn trăn trở và nghĩ mình cần phải lưu giữ để cho thế hệ trẻ còn biết đến những ngón đàn gảy tuyệt hay của các nghệ nhân, hay những lời hát cùng làn điệu dân ca mang đậm nét văn hóa dân tộc với ông Bơ, ông Hoàng Bảy... hay những vai hề chèo như: cu sứt, thầy bói, hề gậy, thầy đồ...

Vậy sự phản hồi của các bạn trẻ khi anh đưa những sản phẩm này lên YouTube ra sao?

- Nhiều bạn trẻ nghe đi, nghe lại, say mê đã đề nghị tôi mở lớp dạy. Tôi đã chỉ dẫn cho nhiều bạn trẻ về cách hát, múa tay, động tác chân ra sao. Không chỉ hát Văn, tôi còn chỉ dạy cả hát hề Chèo nữa.

Tôi nghiệm ra rằng, với các môn nghệ thuật truyền thống nếu chỉ dạy ở trường lớp thì dường như tình yêu, sự say mê với các bạn trẻ chưa đủ thuyết phục, nếu mình ghi lại và đưa lên YouTube để các bạn nghe thì giống như kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Các bạn trẻ cứ nghe đi, nghe lại nhiều lần sẽ bị cuốn hút từ đó tìm hiểu, học môn nghệ thuật này.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem