Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 01/01/2024 11:49 AM (GMT+7)
Tối ngày 31/12, UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tổ chức Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa”.
Bình luận 0
Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 1.

Bà Đinh Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai công bố quyết định công nhận.

Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa mang giá trị thẩm mỹ cao

Nghệ thuật trang trí trên trang phục người dân tộc Mông đen ở thị xã Sa Pa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tộc người. Bộ trang phục truyền thống của người Mông đen Sa Pa mang giá trị thẩm mỹ cao, nổi bật là các hoa văn trang trí trên trang phục thông qua kỹ thuật thêu, ghép vải và in sáp ong. 

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống là đứa con tinh thần của cộng đồng Mông đen ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Thông qua nghệ thuật trang trí, họ gửi gắm khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 2.

Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Ảnh: Nguyên Hoa.

Phát biểu tại lễ, ông Đỗ Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Hôm nay, tại chương trình chào năm mới Xuân Giáp Thìn 2024, thị xã Sa Pa tự hào đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông đen. 

Việc này góp phần thiết thực vào giữ gìn và phát huy sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn thị xã Sa Pa nói riêng, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam nói chung. 

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để bạn bè trong nước và Quốc tế biết đến sự đa dạng và nét đẹp trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thị xã Sa Pa.

Thay mặt Lãnh đạo thị xã Sa Pa, xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, các chuyên gia, các nhà khoa học đã luôn quan tâm, đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ thị xã Sa Pa trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ để công nhận "Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông Đen Sa Pa" di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 3.

Chương trình nghệ thuật gắn với trang phục của người Mông đen Sa Pa. Ảnh: Nguyên Hoa.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của các phòng ban chuyên môn, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các xã phường, các nghệ nhân và nhân dân dân tộc Mông trên địa bàn thị xã trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đối với Nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen Sa Pa.

Năm 2023, khép lại với những thuận lợi và khó khăn đan xen, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, chủ động sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Điều mừng là thu ngân sách của thị xã tiếp tục đứng trong tốp thu trên 1.000 tỷ đồng; thu hút trên 3,6 triệu khách du lịch đến Sa Pa; quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa được phê duyệt tạo điều kiện cho việc thực hiện các quy hoạch chi tiết và thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh… 

Đây là tiền đề quan trọng cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Sa Pa trong năm 2024, với nhiệm vụ mới, trách nhiệm mới để tạo nên một Sa Pa với diện mạo mới, phát triển xứng tầm Khu du lịch Quốc gia mang tầm quốc tế. 

Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 4.

Trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen cho thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Nguyên Hoa.

Cũng tại buổi lễ đông đảo du khách thập phương và người dân đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật gắn với bản sắc văn hoá, trang phục dân tộc của người Mông đen Sa Pa và màn bắn pháo hoa chào đón năm mới 2024.

Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  - Ảnh 5.

Màn pháo hoa đầy cảm xúc, mãn nhãn người xem khởi đầu cho một năm mới với nhiều mục tiêu mới với khu du lịch quốc gia Sa Pa năm 2024. Ảnh: Trung Hiếu.

Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định 3433/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem