Cán bộ biên phòng hết lòng với trẻ em dân tộc Mông
Cán bộ biên phòng hết lòng với trẻ em dân tộc Mông
Thứ tư, ngày 30/08/2023 20:43 PM (GMT+7)
Điểm chốt trên đường mòn dẫn lên Cột mốc 411 nằm tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang lởm chởm toàn đá. Leo lên đến chốt nằm ngay đỉnh núi, bộ quân phục tôi mặc đã đẫm mồ hôi. Đây là điểm chốt dã chiến, được dựng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, xung quanh có khá nhiều cây và những luống rau đang mơn mởn.
Với các em nhỏ tại hai khu Hạng Chá Lủng và Gì Thàng, thôn Má Lầu B, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn thì việc được ăn bữa sáng tại Điểm trường Má Lầu B của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ma Lé đã trở thành thường lệ. Trên bàn ăn bữa sáng hôm ấy, tôi thấy có mì ăn liền nấu trứng và cơm trắng. Gặp khách lạ, lũ trẻ tỏ vẻ bỡ ngỡ, ánh mắt tò mò nhưng vẫn ăn cơm chan với nước mì ăn liền ngon lành. Ăn xong, các em tự giác dọn dẹp bát đũa, kê gọn bàn ghế, rồi chào tôi và "thầy" Mỹ để đi học. Tôi đếm thấy bữa sáng hôm đó có 13 cháu nhỏ.
Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ chuẩn bị bữa ăn sáng cho các cháu ở Điểm trường Má Lầu B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang).
Sau khi tiễn các cháu lên lớp học, Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ, trinh sát viên của Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) nán lại tiếp tôi tại chính gian phòng vừa là phòng bếp vừa là phòng nghỉ ngơi của các cô giáo. Nhâm nhi chén trà, anh Mỹ kể: "Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi được chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú cử lên trực chốt 411 đứng chân ở thôn Má Lầu B, xã Ma Lé này. Trong thời gian trực tại chốt, những lần đi tuyên truyền, vận động nhân dân về phòng, chống dịch bệnh, tôi ghé thăm các cháu học sinh ở điểm trường thì thấy các cháu thường kêu đau bụng. Khi được các cô giáo pha nước đường cho uống thì các cháu hết đau.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, nguyên nhân khiến các cháu hay bị đau bụng là do phải đi học sớm nên không kịp ăn sáng cùng gia đình, bởi phong tục của đồng bào Mông chỉ ăn cơm hai bữa một ngày, sáng khoảng 8 giờ ăn, sau đó đi làm thông trưa đến khoảng 17 giờ mới về nhà nấu ăn tối. Buổi trưa, các cháu đi học về sẽ có gì ăn nấy và thường là ăn cơm nguội, đến 14 giờ lại phải leo núi đến lớp, thành ra nhiều cháu bị đau dạ dày, bệnh đường ruột. Nhìn các cháu nhỏ ốm yếu gầy gò, tôi vô cùng xót xa và đã về báo cáo với chỉ huy Đồn. Được sự ủng hộ, động viên, hỗ trợ của đơn vị, tôi tận dụng các mối quan hệ, vận động sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để các cháu nhỏ có bữa ăn sáng và ăn trưa ngay tại điểm trường".
Được biết, hiện Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ đang nhận hỗ trợ, chăm sóc 13 cháu học sinh lớp 1 ở thôn Má Lầu B. Cảm kích trước tấm lòng của chú bộ đội biên phòng hằng ngày tận tình chăm sóc học sinh như con đẻ nên các cháu và cả các bậc phụ huynh thường gọi Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ là "thầy". Hầu hết các buổi sáng, "thầy" Mỹ dậy sớm sang điểm trường nấu bữa sáng phục vụ các con ăn trước khi lên lớp. Buổi trưa, hôm nào công việc vãn, anh cũng lên điểm trường phụ giúp các cô giáo nấu cho các cháu bữa trưa. Lương thực, thực phẩm do một cô giáo nhà ở thị trấn Đồng Văn phụ trách mua giúp. "Thầy" Mỹ thường xuyên đi vận động, xin bà con dân bản hỗ trợ thêm rau, củ, quả.
Khi tôi hỏi chuyện về Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ, các cô giáo tại điểm trường đều bày tỏ sự trân trọng, rằng với cô và trò ở Điểm trường Má Lầu B, "thầy" Mỹ như một người cha, người anh vô cùng thân thiết. Ba năm qua, bất kể nắng mưa, giá rét, "thầy" Mỹ đều đến điểm trường cùng các cô giáo chăm sóc học sinh và các cháu coi "thầy" Mỹ như người thân của mình.
Chị Mùa Mí Mây có các con học tại Điểm trường Má Lầu B, tâm sự: "Nếu không có "thầy" Mỹ thì các cháu không có được cơ thể khỏe mạnh như bây giờ. Bọn trẻ nhà tôi quý "thầy" Mỹ lắm. Hôm nào đến trường không được gặp "thầy" là chúng đều nhắc".
Trong số 13 đứa trẻ thường xuyên ăn sáng tại điểm trường, có hoàn cảnh rất đáng thương của hai chị em Vừ Mí Chơ (sinh năm 2015) và Vừ Mí Lùa (sinh năm 2017). Bố mẹ của các em đã mất từ năm 2020, để lại 5 đứa con nhỏ. Đồn Biên phòng Lũng Cú hiện đỡ đầu hai chị em Vừ Mí Chơ và Vừ Mí Lùa. Đơn vị cùng chính quyền địa phương và "thầy" Mỹ đang tích cực vận động các nhà hảo tâm tài trợ nuôi ăn học cho cả 5 anh chị em mồ côi đến khi trưởng thành.
Hỏi về những khó khăn trong việc hỗ trợ bữa ăn cho 13 cháu nhỏ, Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ mỉm cười bảo tôi: "Với người lính sống xa gia đình, việc được chăm lo cho các cháu nhỏ là niềm vui, là hạnh phúc. Tôi coi các cháu như con, cháu của mình. Hôm trước, nhà trường có đợt kiểm tra sức khỏe của học sinh, nhân viên y tế nhà trường thông báo với tôi là nhóm trẻ ở đây sức khỏe tốt, nhìn lớn hơn học sinh cùng tuổi ở thôn khác. Điều đó khiến tôi rất vui. Tuy nhiên, việc duy trì bếp ăn cho các cháu cũng gặp nhiều khó khăn, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm có hạn. Tôi chỉ mong bà con làm ăn khấm khá và có điều kiện hỗ trợ các cháu nhiều hơn. Cùng với đó, điểm trường này đang xuống cấp và không có phòng nấu ăn riêng, tôi rất mong trường sớm được tu sửa, xây thêm một phòng bếp, phòng ăn chừng 30m2 để cô trò nhà trường bớt khó khăn, vất vả. Cá nhân tôi sẽ cố gắng xin hỗ trợ thêm quần áo cho các cháu mặc trong mùa đông vì ở đây vô cùng rét".
Qua tìm hiểu, tôi được biết, những lúc nguồn hỗ trợ đã cạn, Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ vừa đề nghị chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú hỗ trợ thêm, vừa trích tiền lương của mình để lo bữa ăn cho các cháu, đồng thời tăng cường vận động bà con trong bản ủng hộ rau, trứng. Vì thế, đến nay các cháu chưa từng bị đứt bữa khi đến trường.
Tấm lòng yêu thương, luôn quan tâm chăm sóc các em học sinh nghèo ở vùng cao của Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ khiến tôi vô cùng xúc động. Trở về Đồn Biên phòng Lũng Cú, tôi được các đồng chí chỉ huy Đồn cho biết: Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ quê ở tỉnh Vĩnh Phúc. Anh là con một, từ nhỏ đã mồ côi cha nên thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thiệt thòi của trẻ em nghèo, nhất là các cháu mồ côi. Ngoài tình yêu thương con trẻ, hết lòng lo lắng, chăm sóc cho các cháu đi học tại Điểm trường Má Lầu B, Thiếu tá QNCN Đỗ Ngọc Mỹ còn rất trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, mẹ anh Mỹ bị bệnh, phải vào bệnh viện điều trị. Khi đó, anh đã nhờ người thân đưa mẹ vào bệnh viện và chăm sóc trong những ngày điều trị, còn anh tình nguyện ở lại trực, vì anh bảo: "Nếu ai cũng xin về như tôi thì đơn vị làm sao hoàn thành nhiệm vụ được".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.