Hai tay vòng ra đỡ phía sau lưng, chân bước chậm rãi với khuôn mặt nhăn nhó, bà Lành bước vào quán mua đồ ăn sáng. Vừa thấy dáng bà Lành, bà Phán vội hỏi: “Lưng chị bị làm sao à?”.
Bà Lành vừa đáp rằng bà bị đau lưng suốt mấy ngày chưa khỏi vừa từ từ để bà Phán đỡ ngồi xuống ghế chờ đến lượt. Trong lúc đợi, bà Lành kể chuyện hôm qua bà mới đi khám ở trên thành phố về hết nhiều tiền quá và đang phải uống thuốc. Bà Phán nhanh nhảu: Hết nhiều tiền thì đã có các con lo rồi, chị chịu khó uống thuốc cho nhanh khỏi bệnh.
Nghe đến đấy bà Lành rơi nước mắt: “Gớm, con mình lại được như con người ta thì phúc quá bà ạ. Con trai bận đi làm xa, mình tự nhờ người đưa đi khám. Con dâu biếu mình một trăm ngàn, nó biếu chả lẽ mình không nhận. Nhưng nó còn không được lời quan tâm bà ạ”.
Ảnh minh họa
Bà Phán ngạc nhiên: Chết thật, thấy dâu mới của chị cũng khéo léo, mau mồm mau miệng lắm mà? Nhưng thế lại chả khác gì con dâu em. Ngày mới về cũng chả được lời quan tâm mẹ chồng, chỉ thấy nhắc đến tiền thôi. Chồng nó đi làm xa, nhà có một mẹ một con chứ có năm có bảy gì. Tính em thì hay chuyện, cứ có chuyện gì về lại muốn kể với nó, có gì kể nấy.
Lần đó, nó bận đi làm, một mình không cấy nổi mấy sào ruộng nên em thuê người cấy. Tối đến em mang chuyện thuê người này người kia hết chừng ấy chừng nọ tiền kể nó nghe. Là em kể thế nhưng nó lại cho rằng em kể ý là nói nó góp tiền. Rồi nó bảo em: “Con thấy tiền thuê người cấy còn quá tiền mua gạo nhà mình ăn. Nhưng con vẫn xin góp tiền cấy cho mẹ”. Em giận lắm chị ạ.
Lại kể với chị dịp hội người cao tuổi tổ chức đi tham quan, em cũng muốn về hỏi ý con dâu. Nó lại bảo: “Mẹ có tiền thì mẹ đi chơi chứ con chả có tiền biếu mẹ nên con không có ý kiến gì”. Rồi nó cũng biếu em hai trăm ngàn đi chơi nhưng lại cố tình cho em nghe thấy nó phải đi vay tiền của người ta. Vậy thì em mặt mũi nào mà nhận tiền con dâu biếu trong khi nó phải đi vay mượn.
Có đận, người quen muốn nhờ em đi bế con giúp đôi vợ chồng trẻ trên thành phố, em thấy mình còn khỏe thì cũng muốn đi làm thêm. Em về kể với con dâu để xem ý tứ nó thế nào. Như người ta thì nó bảo mẹ có tuổi rồi cũng không nên đi ở cho người ta, nhà có gì ăn nấy mẹ ạ, thì em nghe mừng quá.
Đằng này nó lại bảo: “Con chả có tiền biếu mẹ, mẹ đi làm lấy tiền thì con sao có ý kiến gì được”. Em giận lắm nhưng rồi nói con dâu ngồi lại phân tích cho nó hiểu.
Chúng nó giờ là thế đấy chị, một câu nhắc đến tiền hai câu nhắc đến tiền. Cuộc sống của chúng nó bây giờ chỉ quanh với đồng tiền nên nghĩ chị em mình cũng thế. Trước chị em mình khó khăn, vất vả là thế, nhưng có bao giờ luôn miệng nhắc đến tiền đâu.
Nhiều lúc cái mình cần là câu nói quan tâm, tình cảm thôi, chứ mình cũng đi hơn nửa cuộc đời rồi, cái ăn cái tiêu đáng mấy đâu, nhưng chúng nó không làm được chị ạ.
Hồi đầu, con dâu cũng không vừa lòng khi nghe góp ý, nhưng em vẫn nói thẳng và phân tích cho nó hiểu. Dần dần con dâu cũng hiểu, bớt nhắc chuyện tiền bạc. Thế nên theo em, chị muốn các con làm gì, không vừa lòng chuyện gì cứ nói thẳng ra. Chứ mong chúng nó phải hiểu, nhìn trước nhìn sau như chị em mình làm dâu ngày trước khó lắm.
Sau một hồi nghe chuyện con dâu nhà bà Phán, bà Lành lau nước mắt. Gật đầu, ngẫm nghĩ nhiều điều bà Phán nói đúng, bà Lành bảo: “Có khi tôi cũng phải học bà, cứ nói ra chứ chờ chúng nó hiểu, chủ động quan tâm thì khó nhỉ”.
Bà Lành xoa lưng bà Phán: “Chị cứ nghe em, con dâu có gì không nên không phải chị cứ bảo cho nó biết, chứ cứ giữ trong lòng, mình đang bệnh lại bệnh thêm đấy chị”.
Hai bà vừa ăn sáng vừa tiếp tục chuyện qua chuyện lại, tâm sự với nhau. Một lúc sau bà Lành đứng lên chào bà Phán rồi chậm chạp bước ra về. Khuôn mặt bà Lành cũng đã vui vẻ hơn lúc mới đến...
Thùy Giang (Phụ Nữ Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.