Nghẹn ngào nỗi lòng những chiến sĩ áo trắng chống "giặc" Covid-19

Diệu Linh - Cao Tuân (BYT) Thứ bảy, ngày 15/05/2021 18:21 PM (GMT+7)
Mướt mải, kiệt sức trong những bộ đồ phòng hộ kín mít dưới cái nóng 36-37 độ, xa gia đình, xa con... là muôn vàn nỗi khổ mà những chiến sĩ áo trắng khi phải cách ly để điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng thế còn chưa hết...
Bình luận 0

Vừa chăm bệnh nhân Covid-19 vừa khóc

Ngày thứ 7 (15/5) xót xa khi một nhân viên y tế đang cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã phải đăng một cái "status" trĩu nặng. 

Chị viết: 

"Các bạn đã bao giờ nhìn thấy 1 bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa??? Tôi của ngày hôm nay đó!.

Sáng, nhận được tin mẹ của 1 đồng nghiệp, 1 người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. 

Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào?

Lòng trĩu nặng…

Nghẹn ngào nỗi lòng những chiến sĩ áo trắng chống "giặc" Covid-19 - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2

Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin 1 điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ý cung cấp số điện thoại của Giám đốc bệnh viện. Bạn ấy đang cố giải thích là bạn ấy không có và chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa nhưng bệnh nhân không nghe. 

Nghĩ đến 1 nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…

Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân Covid-19 cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…

Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng yên lặng đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…

Làm sao để vững vàng bước tiếp đây??? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này???

Thứ 7, ngày cách ly thứ 10".

Khi PV mong muốn chia sẻ thêm về câu chuyện thì nữ nhân viên y tế này cho  biết, chị chỉ muốn giấu tên. Đó chỉ là một phút cảm thán của chị khi gánh nặng quá lớn mà đường thì xa. Còn công việc vẫn phải nỗ lực hoàn thành, chưa một phút nào dừng chân. 

Một vị bác sĩ khác trong khu cách ly cũng chia sẻ. Việc điều trị bệnh nhân, chống dịch Covid-19 dài đằng đẵng cũng không khiến mọi người mệt mỏi bằng việc không được ở bên người thân, nhất là những đứa con nhỏ, đang cần cha mẹ. Rồi lúc cha mẹ già yếu, khuất bóng không thể ở cạnh để nhìn mặt lần cuối, tiễn đưa lần cuối. 

Rồi sau những giờ điều trị bệnh nhân Covid-19 lại không thể đi đâu, chỉ loanh quanh trong 4 bức tường ở bệnh viện. Suốt mấy tháng trời. Cả người đều bí bách, khó chịu, bứt rứt. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ vợ con, nhớ phở, nhớ cả góc hiên mình nhấm nháp cà phê hàng ngày... 

Nghẹn ngào nỗi lòng những chiến sĩ áo trắng chống "giặc" Covid-19 - Ảnh 2.

Các cán bộ CDC Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 xuyên đêm

Xét nghiệm Covid-19 xuyên đêm ngày

Tại Bắc Ninh, để truy vết Covid-19 thật nhanh, hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm đã được lấy và hoàn thành trong vài ngày. Những nhân viên y tế lấy mẫu, kỹ thuật viên xét nghiệm đã phải "chôn mình" trong hàng chục ngàn chạy lọ mẫu xét nghiệm. Họ không còn khái niệm ngày đêm. Làm đến khi nào mệt thì nghỉ tạm, hồi phục "sơ sơ" lại tiếp tục làm. 

Bác sĩ Vương Thị Tuyến, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh khản đặc giọng. Chị giật mình khi biết hôm nay là thứ 7. “Từ hôm Bắc Ninh bùng phát dịch Covid-19 đến nay, chúng tôi làm việc cả ngày và đêm, quên cả hôm nay là thứ mấy”. 

Nghẹn ngào nỗi lòng những chiến sĩ áo trắng chống "giặc" Covid-19 - Ảnh 3.

"Cắm mặt" vào các mẫu xét nghiệm không còn phân biệt nổi ngày tháng

Chị vội vã lấy điện thoại nhắn vội dòng tin căn dặn 2 con ở nhà nhớ ăn uống đầy đủ, tự biết cách chăm sóc nhau khi bố mẹ vắng nhà. Chị Tuyến chia sẻ, chồng chị làm việc ở Ban An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh nên đợt này cũng được tăng cường vào lực lượng phòng chống dịch bệnh của địa phương. 

Tại khu vực tầng 3 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh- nơi đặt phòng xét nghiệm COVID-19, hoạt động hết công suất 24/24. Cán bộ xét nghiệm của Trung tâm chạy đua cùng thời gian, tận dụng từng phút để thực hiện xét nghiệm. 

Chưa đến 1 tuần, 3 hệ thống xét nghiệm PCR Realtime tại đây đã chạy liên tục để xét nghiệm hơn 41.000 mẫu. 30 y bác sỹ được huy động phục vụ công tác xét nghiệm cũng ở lại cơ quan trong suốt thời gian qua. 

Bình quân mỗi ngày, có khoảng gần 7.000 mẫu xét nghiệm được thực hiện. Để thực hiện nhanh nhất, chuẩn xác nhất, 21 cán bộ xét nghiệm được chia làm 3 ca, duy trì hoạt động xét nghiệm suốt 24/24.

“Có những ca trực (8 tiếng), chúng tôi thực hiện xét nghiệm 3.000 mẫu gộp, mục tiêu đạt 10.000 mẫu gộp 1 ngày, còn 1.000 mẫu đơn cho các trường hợp F1. Cơ quan bố trí khu vực ăn, ngủ tại cơ quan để các ca trực bảo đảm tiến độ và chất lượng hoạt động chuyên môn”, chị Tuyến chia sẻ.

Nghẹn ngào nỗi lòng những chiến sĩ áo trắng chống "giặc" Covid-19 - Ảnh 4.

Chịu đựng căng thẳng, kiệt sức trong các bộ đồ phòng hộ

Không chỉ hai vợ chồng chị Tuyến cùng xa nhà chống dịch mà hai vợ chồng bác sỹ Ngô Thị Xuân, Giám đốc CDC tỉnh Bắc Ninh cũng ở hoàn cảnh tương tự. 

Hai vợ chồng cùng làm trong ngành y tế nên từ đầu đợt dịch thứ 4, hai vợ chồng chị ngày nào cũng làm việc từ sáng đến đêm sau đó ở lại nơi làm việc, tránh tiếp xúc với người thân. 

Bác sỹ Xuân kể, về đợt cao điểm thực hiện công tác lấy mẫu, truy vết xuyên đêm ở ổ dịch Mão Điền, huyện Thuận Thành. Trong 1 đêm, lực lượng y tế đã lấy gần 11.000 mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2. Các cán bộ y tế suốt nhiều ngày căng mình đi lấy mẫu cho mấy nghìn người, mặc bộ đồ bảo hộ 2 lớp kính, hơi thở và mồ hôi mờ cay cả mắt. 

Cả một ngày, họ chỉ có nửa tiếng buổi trưa để ăn, thậm chí nước cũng không dám uống vì không thể đi vệ sinh. Nhiều cán bộ trẻ lẫy mẫu liên tục nhiều giờ đến đau cả tay, cổ họng khô khốc. Giờ nghỉ, ai nấy nhai trệu trạo từng hạt cơm, nước mắt và mồ hôi cứ tứa ra nhưng vẫn phải cố gắng để có sức khoẻ làm việc tiếp.

Trong hoàn cảnh như vậy, các y bác sỹ chỉ biết nắm tay, động viên nhau cố gắng: “Bao giờ hết dịch, nhân dân bình yên chúng ta lại được trở về với gia đình”.

Bác sĩ Xuân chia sẻ và cho biết, CDC Bắc Ninh có 167 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 2/3 là nữ nên mọi người còn hỗ trợ nhau việc bếp núc để tranh thủ ăn uống trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi.

3 nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu khi chống dịch ở Thuận Thành, Bắc Ninh

Trong đợt dịch cao điểm dịch bệnh ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều cán bộ, y bác sĩ tình nguyện xin về vùng tâm dịch, tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm.

img

Một nữ nhân viên y tế ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã ngất xỉu vì mệt mỏi khi làm việc liên tục dưới trời nắng nóng

Tại đây, do làm việc liên tục nhiều giờ dưới trời nắng nóng, 3 nữ nhân viên y tế đã kiệt sức, ngất xỉu. Theo ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, 3 nữ nhân viên y tế đó là: chị Lê Thị Huệ, Lê Thị Trâm, Đỗ Thị Thu Thủy, đều là các y tá, bác sĩ tự nguyện. Sau khi nắm thông tin, lãnh đạo huyện Thuận Thành đã thăm hỏi, động viên kịp thời đối với các nữ nhân viên y tế này.

 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem