Nghị định 100 đổi thay thói quen sử dụng rượu bia của tài xế

Thế Anh Thứ hai, ngày 09/11/2020 11:45 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, đã có không ít văn bản về lĩnh vực giao thông đường bộ ban hành chỉ sau thời gian ngắn phải thu hồi,... gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trái ngược với điều đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được ban hành xử phạt tài xế đã uống rượu bia thì không được phép lái xe lại được người dân ủng hộ.
Bình luận 0

Nghị định 100 đi sâu vào thực tiễn

Cần phải khẳng định rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống và đi vào thực tiễn một cách hiệu quả. 

Trong đó, "điểm sáng" của Luật và Nghị định 100 là các quy định cụ thể đối với từng đối tượng như: Người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia; sử dụng rượu, bia thì không được lái xe; cán bộ, công chức và người lao động không được uống rượu, bia trong giờ làm việc hay quy định khung giờ không được quảng cáo rượu, bia...

Nghị định 100 đổi thay thói quen sử dụng rượu bia của tài xế - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ.

Bởi nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông và hậu quả dẫn tới chết người và thương vong, được đánh giá một phần là do ý thức người tài xế, trong đó, nhiều vụ xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia gây ra..

Đáng lưu ý, là vấn đề tăng nặng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, áp dụng cho cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ... theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sau hơn 10 tháng có hiệu lực, đã đi vào cuộc sống làm giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông. Đặc biệt, Nghị định 100 cũng được đông đảo người dân, đồng tình ủng hộ.

Có lẽ, rất hiếm có quy định pháp luật nào, sau một thời gian ngắn triển khai trong xã hội lại có chuyển biến tích cực, người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi, ở đâu người dân cũng nói về các quy định xử phạt, trong đó đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Người Việt Nam vốn duy tình, cả nể, mời mọc, khích bác, ép nhau uống vì rất nhiều lý do, đã uống một ly rồi thì sẽ khó dừng lại. Do đó, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn tạo ra chỉ giới rõ ràng để người dân thực hiện, tạo nên hiệu quả thực sự trong việc kéo giảm tai nạn giao thông.

Nếu trước kia, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP chưa ra đời và có hiệu lực thì việc tài xế uống rượu, bia gần như không có sự kiểm soát được hết. Các cuộc vui thường kéo dài và có những lời lẽ "kích bác" nhau để uống thêm vài chén rượu, cốc bia. Đặc biệt, là sau mỗi cuộc nhậu lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ta các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tuy nhiên, khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, đến nay, tình trạng nêu trên giảm hẳn.

Nghị định 100 đổi thay thói quen sử dụng rượu bia của tài xế - Ảnh 2.

Nghị định 100 thay đổi thói quen của tài xế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng phải dàn trải tham gia chống dịch, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu bia, không lái xe", nhất là ngay từ ngày đầu tiên của năm đã nhận được nhiều thành công.

Với nòng cốt là lực lượng công an, cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100 đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo. Đây chính là động lực quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông và thực sự đưa Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống.

Theo báo cáo mới nhất, của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 - 14/10/2020), toàn quốc xảy ra 11.653 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 5 nghìn người, bị thương hơn 8.600 người.

So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.598 vụ, số người chết giảm 862 người, số người bị thương giảm 2.243 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 6.582 vụ, làm chết 5.348 người, bị thương 3.500 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 768 vụ, giảm 827 người chết, giảm 561 người bị thương.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, người dân đã có nhiều thay đổi với thói quen uống rượu bia. Tại một số nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội lượng bia, rượu têu thụ giảm hơn nhiều so với những ngày trước khi chưa xử phạt nặng "ma men".

Đổi thay thói quen

Trao đổi với PV Dân Việt , anh Nguyễn Sơn, quản lý nhà hàng Nhất Nướng trên đường Trần Vỹ (TP Hà Nội) cho biết: "Nghị định 100/2019 có hiệu lực, lượng tiêu thụ rượu bia ở quán cũng giảm đi rất nhiều có thời điểm giảm tới 60%. Nguyên nhân khách giảm là do khách sợ bị phạt nồng độ cồn nên họ đâu có đi nhậu nhiều như trước. Đối với những khách ăn nhậu bình thường là do họ có đi cùng với vợ hoặc có tài xế riêng nên vẫn vẫn vô tư uống rượu bia mà không sợ bị xử phạt".

Cũng theo anh Thiên Minh chủ một Nhà hàng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để giữ khách nhậu đến quán, chúng tôi đã kết hợp với một số loại hình dịch vụ chở khách nhậu về nhà và bố trí bãi đỗ xe cho khách để qua đêm.

Nghị định 100 đổi thay thói quen sử dụng rượu bia của tài xế - Ảnh 3.

Người dân thay đổi thói quen sử dụng rượu bia khi lái xe.

Nhìn nhận về tình tình trật tự an toàn giao thông, TS. Minh cho rằng: "Khi Nghị định 100/CP chưa ra đời, chúng ta, đặc biệt là lực lượng CSGT thực thi pháp luật có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt các vi phạm về thời gian lái xe, vi phạm trên đường cao tốc (đi lùi, đi ngược chiều), tình trạng lái xe sử dụng ma túy, sử dụng rượu, bia, sử dụng điện thoại và nhắn tin, không thắt dây bảo hiểm... đã gây nên những vụ TNGT nghiêm trọng với thiệt hại lớn".

Theo TS. Minh, trước đây, có những cá nhân tổ chức có liên đới tới tai nạn nạn giao thông, nhưng trách nhiệm còn khá mờ nhạt trong cả Nghị định 46 và Nghị định 86, vì vậy thực tế đòi hỏi cần xem xét xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện nếu để xảy ra tình trạng lái xe vi phạm trật tự an toàn giao.

Do đó, Nghị định 100 là một quy định pháp luật có tính xã hội rất cao, ảnh hưởng tới mọi người dân và nhiều lĩnh vực về quy tắc, kết cấu hạ tầng, phương tiện, người lái và ứng phó sau tai nạn trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt chứ không chỉ riêng về vấn đề rượu, bia.

Chưa bao giờ chúng ta làm nghị định xử phạt với mục tiêu lấy tiền vào ngân sách mà mục tiêu xử phạt là để giáo dục và răn đe, muốn vậy cần bảo đảm mức xử phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. "Tôi rất mong cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mỗi người chúng ta cùng hành động với những hành động thiết thực để những quy định pháp luật rất nhân văn này đi vào cuộc sống", TS. Minh bày tỏ mong muốn.

Đánh giá về Nghị định 100/CP, TS. Minh nhấn mạnh: "Hai việc "sử dụng rượu, bia" và "sử dụng rượu, bia khi lái xe" là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp. Pháp luật chỉ cấm không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy sử dụng rượu, bia một cách có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng và với chính bản thân chúng ta.

Trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: "Nghị định 100 đã có tác động rất lớn đối với xã hội. Trong đó, tình trạng tai nạn giao thông đã giảm, người uống bia cũng sẽ ít đi rất nhiều. Như vậy, thói quen sử dụng rượu bia của người dân cũng thay đổi đi rất nhiều".

"Chưa có một luật, Nghị định nào mà lại hiệu quả và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân như vậy!. Đây là một bước đột phá, làm thay đổi xã hội", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi "Đã uống rượu bia - Không lái xe" và chấp hành tốt "4 không": Không lái xe khi đã uống rượu bia; Không uống bia rượu nếu phải lái xe sau bữa ăn; Không ép người uống bia rượu nếu biết người đó lái xe; Không ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe ô tô mà người lái vừa uống rượu bia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia về việc đẩy mạnh tuyên truyền phố biến pháp luật ATGT để người thân, bạn bè chấp hành tốt luật GTĐB.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - lực lượng luôn được coi là "cánh tay phải của Đảng" cần xung phong tăng cường tuyên tuyền lời kêu gọi "4 không", hình thành các phong trào thi đua giữa các chi đoàn để nâng cao sự tự giác chấp hành pháp luật ATGT của đoàn viên, giúp đoàn viên hiểu rõ hậu quả của việc coi thường pháp luật và tác hại của việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia.

"Bộ GD-ĐT cũng cần có những chương trình tuyên truyền sâu rộng kiến thức ATGT trong đội ngũ sinh viên học sinh. Trong đó, cần nghiên cứu đưa việc phố biến pháp luật về ATGT vào giáo trình các tiết học ngoại khóa để nâng cao nhận thức pháp luật của học sinh, sinh viên", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem