Nghỉ hè đủ 3 tháng: Tính giải pháp để trẻ có kỳ nghỉ an toàn, bổ ích

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 20/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Chủ trương cho học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng được nhiều chuyên gia về trẻ em ủng hộ, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng đồng thuận do nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại.
Bình luận 0
Tính giải pháp để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích - Ảnh 1.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em

Bà Ninh Thị Hồng (ảnh) - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, địa phương một cách thiết thực thì trẻ mới có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.

Bộ GDĐT đang có chủ trương thực hiện nghỉ hè đủ 3 tháng trong năm học mới. Quan điểm của bà thế nào về chủ trương này?

- Chủ trương cho học sinh nghỉ hè 3 tháng là rất tốt nếu chúng ta tổ chức thực hiện được đồng bộ. Tôi đã từng trải qua thời kỳ học sinh, cũng được nghỉ hè 3 tháng. Tôi thấy đó là thời gian rất vui vẻ mà học sinh ai cũng mong mỏi. Chính bởi vậy, tôi đồng tình với chủ trương kéo dài thời gian nghỉ hè của các con.

Tính giải pháp để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích - Ảnh 2.

Trẻ em trong chiến dịch “Mang mùa hè thật trở lại” do một doanh nghiệp tổ chức, với chuỗi các sự kiện dành cho bố mẹ và con. Ảnh: O.M

Theo Bộ LĐTBXH, tại Việt Nam, thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 43%. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước và tai nạn giao thông là hai nguyên nhân hàng đầu với khoảng 3.000 trẻ em và vị thành niên tử vong mỗi năm, tương đương khoảng hơn 9 trẻ tử vong mỗi ngày.

Bà nói đó là chủ trương tốt, nhưng thực tế nhiều cha mẹ lại không đồng tình với kế hoạch nghỉ hè này. Bà nhận xét thế nào về điều đó?

- Tôi cho rằng điều này hoàn toàn không mâu thuẫn. Đã đi học thì phải có nghỉ hè. Hiện giờ các chương trình học của chúng ta khá dài và nặng, khiến nhiều học sinh bị căng thẳng. Trong khi đó, trẻ thiếu những kỹ năng mềm, sự trải nghiệm từ thực tế. Điều này chỉ có thể tiếp thu thông qua các tương tác. Do vậy, việc nghỉ hè dài là cần thiết. Nhiều cha mẹ biết nghỉ hè dài là tốt nhưng họ vẫn phản đối, lý do là bởi họ lo lắng trong suốt 3 tháng nghỉ hè dài đằng đẵng đó họ sẽ chăm sóc, quản lý con thế nào cho an toàn?

Cuộc sống hiện đại luôn hạn chế về mặt thời gian, cha mẹ từ thành thị cho tới nông thôn còn bận mưu sinh kiếm sống, vì thế không thể dành hết thời gian để trông coi chăm sóc con, họ có phản đối cũng là dễ hiểu.

Vấn đề ở đây là khi đưa ra chủ trương, thì Bộ GDĐT cũng cần tính đến giải pháp để chủ trương đó khả thi. Muốn vậy, Bộ GDĐT cần tham khảo kỹ ý kiến của dư luận xã hội, cộng đồng phụ huynh trước khi quyết định.

Vậy theo bà, Bộ GDĐT cần làm gì để hiện thực hóa chủ trương cho học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng?

- Theo tôi, trước khi đưa ra quyết định thực hiện nghỉ hè 3 tháng hay không, ngành giáo dục nên tổ chức các hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các bậc phụ huynh. Đồng thời ngành giáo dục cũng cần phải có những giải pháp đồng bộ cùng với các địa phương chăm lo nghỉ hè cho các con. Có vậy mới phát huy được ý nghĩa của những kỳ nghỉ hè. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo kỳ nghỉ hè cho các con, hướng tới kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, lý thú.

Vấn đề đảm bảo an toàn cho các con trong kỳ nghỉ hè thật sự đang là vấn đề gây đau đầu cho các gia đình. Nhiều gia đình lo ngại, nghỉ hè dài có thể làm gia tăng tai nạn thương tích. Bà có nghĩ vậy không?

- Đúng vậy, cứ vào dịp nghỉ hè thì vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em lại được nói đến nhiều. Thực tế cứ đến hè là chúng ta ghi nhận quá nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ như đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn trong nhà...

Ngày nay mật độ dân số đông, phương tiện đi lại nhiều và đủ thứ nguy cơ khác. Một nguyên nhân nữa khiến tai nạn thương tích trẻ em gia tăng là bởi các khu vui chơi trẻ em khá ít. Không phải bố mẹ nào cũng có kinh phí để cho con đi chơi trong trung tâm thương mại, đi trại hè, nhất là ở các vùng quê. Vì vậy, tình trạng trẻ tự chơi, tự ra ao hồ, sông suối bơi lội... rồi chết vì đuối nước vẫn thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, không phải cứ nghỉ hè dài thì tai nạn thương tích ở trẻ em sẽ nhiều. Vấn đề ở đây là câu chuyện chăm sóc quản lý trẻ. Nếu gia đình, các tổ chức chăm sóc trẻ tốt, không sao nhãng thì tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ em sẽ giảm. Còn ngược lại, kể cả khi nghỉ hè ngắn nhưng chỉ trong phút xao nhãng thì trẻ vẫn có thể đối mặt với các tai nạn.

Vì thế để chăm lo cho trẻ, cần sự vào cuộc, phối hợp của nhiều đơn vị, nhiều cá nhân. Nếu chỉ trông chờ vào ngành giáo dục và gia đình là không đủ. Địa phương cần thấy được trách nhiệm của mình, nhất là vào dịp hè để hỗ trợ chăm sóc các em.

Vậy câu chuyện phối hợp này cần được thực hiện thế nào, thưa bà?

- Như tôi đã nói, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, toàn thể gia đình và xã hội. Vì thế, mỗi đơn vị cần làm tốt nhiệm vụ của mình. Ngành giáo dục làm tốt công tác đào tạo, quản lý khi các con ở trường; bố mẹ, gia đình chăm sóc quản lý, giáo dục tốt khi con ở gia đình, và địa phương cũng vậy.

Khi trẻ nghỉ hè, nhà trường cần làm lễ bàn giao các em về địa phương, qua đó, địa phương thấy được trách nhiệm của mình trong việc chăm lo cho trẻ. Để làm được điều này địa phương phải thành lập ban chỉ đạo sinh hoạt hè cho học sinh, phân công cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Ví dụ: Hội phụ nữ thì làm gì, đoàn thanh niên làm gì, tổ dân phố làm gì?... Có vậy chúng ta mới tạo được kỳ nghỉ hè có ý nghĩa cho các con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem