Đến Hải Phòng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nên thưởng thức 3 món này trong top 100 đặc sản Việt Nam

Huy Hoàng (tổng hợp) Thứ tư, ngày 26/04/2023 18:25 PM (GMT+7)
Hải Phòng là mảnh đất nổi tiếng với nhiều món hải sản tươi ngon và rẻ, có nhiều món đặc sản lọt top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam. Dưới đây là 3 món đặc sản mà du khách nhất định nên thử hoặc mua về làm quà.
Bình luận 0

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) đã công bố Top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam (lần thứ V năm 2021-2022) trong hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam. Trong đó, Hải Phòng có 4 đặc sản: bánh mì cay và dừa dầm được chọn vào top món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022), đặc sản ruốc tôm Hải Phòng và táo muối Bàng La.

Do táo muối Bàng La hết mùa nên dưới đây là gợi ý về 3 đặc sản còn lại.

Ẩm thực Hải Phòng: Đặc sản bánh mì cay

Đến Hải Phòng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nên thưởng thức  3 món này trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam - Ảnh 1.

Bánh mỳ cay Hải Phòng. Ảnh:L.H.D.L

Bánh mỳ cay Hải Phòng được biết đến từ những năm 80, có xuất xứ trong ngõ Khánh Lạp, gần Hàng Kênh. Cho đến ngày nay, bánh mỳ cay đã trở thành món ăn nổi tiếng khắp ngõ ngách đất Cảng.

Bánh mỳ cay dù là món ăn quà vặt nhưng lại là món đặc sản nổi tiếng ở Hải Phòng và được rất nhiều người ưa chuộng. Bánh mỳ cay chỉ to bằng gần hai ngón tay, dài tầm 20cm, nhân bánh dùng pate bên trong, không thêm giò, chả hay bất cứ loại rau nào khác.

Đến Hải Phòng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nên thưởng thức  3 món này trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam - Ảnh 2.

Bánh mì cay Hải Phòng. Ảnh: L.H.D.L

Nguyên liệu làm bánh bao gồm bột mỳ, bột nở, chút muối, quan trọng nhất là khâu trộn bột theo tỉ lệ, nướng đủ lửa để bánh không bị cháy. Bên ngoài bánh có lớp vỏ giòn, bên trong mềm xốp. Nhân bánh mỳ cay được chế biến từ pa tê gan.

Thịt lợn phải là loại nửa nạc, nửa mỡ sau đó được xay nhuyễn cùng với gan lợn, thêm một ít ruột bánh mì, gia giảm một số các gia vị khác nhau rồi nấu nhừ. Phần nhân pa tê thơm mùi gan, béo ngậy của thịt mỡ rồi thoảng thoảng vị tiêu bắc, húng lìu, hoa hiên... tạo nên hương vị tổng hòa đặc biệt phù hợp gu ẩm thực của đa số người.

Bên cạnh đó thì gia vị không thể thiếu trong bánh mỳ cay đó chính là tương ớt Hải Phòng chính hiệu, có thể nói như "linh hồn" của món ăn và điều thú vị là ở mỗi quán thì lại có một loại tương ớt gia truyền riêng biệt. Do đó chủ quán cũng phải lựa chọn cẩn thận các loại nguyên liệu như ớt tươi, cà chua, tỏi... kết hợp với quá trình lên men tạo ra một mẻ tương ớt có vị cay hấp dẫn.

Ẩm thực Hải Phòng: Đặc sản dừa dầm

Đến Hải Phòng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nên thưởng thức  3 món này trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam - Ảnh 3.

Đặc sản dừa dầm Hải Phòng, món quà vặt nức tiếng. Ảnh: L.H.D.L

Đặc sản dừa dầm Hải Phòng là một trong những món ăn dân dã chỉ có riêng tại thành phố hoa phượng đỏ. Được biết, một ly dừa dầm Hải Phòng đầy đủ sẽ bao gồm cùi dừa nạo sợi, thạch rau câu, trân châu nhân dừa và sữa dừa. Dừa dầm thường được tạo nên bởi 100% nguyên liệu từ dừa.

Dừa được sử dụng phải là trái dừa còn non bởi vì dừa non thì sẽ có cùi dừa mềm, ngọt và có vị thơm béo hơn so với các lứa dừa già hơn. Nếu sử dụng dừa già, cùi dừa sẽ cứng, khô khiến cho món dừa dầm không giữ được độ mềm mịn, sánh sánh vốn có. Trong quá trình chế biến, người bán cũng sẽ phải pha chế thêm sữa đặc, cốt dừa để tăng độ ngọt cho món ngon này. Ngoài ra, phần thạch rau câu khi được bào mỏng còn tạo cảm giác dẻo dẻo, ngậy mùi thơm cho người ăn.

Ẩm thực Hải Phòng: Ruốc tôm

Đến Hải Phòng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nên thưởng thức  3 món này trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam - Ảnh 4.

Đặc sản ruốc tôm Hải Phòng. Ảnh: L.H.D.L

Hải Phòng là một trong những thành phố với biển nổi tiếng với những món ăn hải sản tươi ngon và đa dạng. Không những thế, Hải Phòng còn nổi tiếng với những món quà du lịch như mắm tép, mực khô,…và không thể không kể đến món ruốc tôm. Món ăn ngọt thơm vị hải sản, vị mặn vừa đủ.

Ruốc tôm được làm từ thịt tôm 100%, tuy nhiên tôm có nhiều loại khác nhau như tôm he, tôm sú…và mỗi giá thành loại tôm khác nhau, nên người làm ruốc tôm làm ra nhiều loại để người mua dễ dàng chọn lựa theo từng nhu cầu, túi tiền.

Để làm ra được món ruốc tôm, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ trong tất cả các khâu. Tôm sú được chọn làm ruốc phải là loại tôm sú to, thịt chắc, khi xay nhỏ và chế biến mới giữ được hương vị thơm ngon như bước ban đầu.

Đầu tiên, người làm sẽ sơ chế thịt tôm, làm sạch sau đó luộc sơ cùng gừng và muối. Sau đó tôm sẽ được bóc vỏ, xào cùng với hành tím phi thơm và nhiều loại gia vị khác. Cuối cùng là cho thịt tôm đã chế biến vào cối xay hoặc giã cho đên khi thành sợi ruốc tơi nhỏ. Đặc biệt, muốn giữ ruốc được lâu thì cần phải rang thật kỹ cho khô vừa ăn. Nếu để thịt tôm quá ướt thì sẽ không để được lâu, nhất là trong mùa hè – thu. Ruốc tôm có hạn sử dụng ngắn hạn, không có chất bảo quản bởi vậy chỉ nên ăn trong từ 3 – 7 ngày.

Ruốc tôm là một món ăn có thể ăn kết hợp với cơm, bánh mỳ, xôi… Hương vị thơm ngon, mềm mềm, ngọt ngọt chắc chắn sẽ hợp khẩu vị với rất nhiều người. Đặc biệt, ruốc tôm rất lành tính và phù hợp với trẻ nhỏ và có thể kết hợp cùng cháo để cho trẻ con ăn cũng rất ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bảo quản ruốc tôm rất đơn giản. Chỉ cần để ruốc tôm trong ngăn mát tủ lạnh là bạn có thể sử dụng chúng trong khoảng từ 3 – 7 ngày. Không nên để ruốc quá lâu sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng của ruốc tôm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem