Nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái ở Hà Nội đã tự tử, ai phải bồi thường?
Nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái ở Hà Nội đã tự tử, ai chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 23/09/2023 15:15 PM (GMT+7)
Về vụ bắt cóc bé gái 21 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội), các luật sư đã đưa ra quan điểm về trách nhiệm bồi thường và tình huống pháp lý khi bị can đã chết.
Nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái ở Hà Nội đã nhảy cầu tự tử
Tối 22/9, Công an TP. Hà Nội thông tin kết quả điều tra vụ bé gái 21 tháng tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, bị bắt cóc sau đó bị sát hại.
Theo đó, cơ quan chức năng xác định nghi phạm của vụ án là Giáp Thị Huyền Trang, 27 tuổi, trú xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang.
Nhà chức trách cho biết, khoảng 21h37 ngày 19/9, Công an thành phố nhận tin báo của người dân về việc tối cùng ngày nhìn thấy một người nhảy từ cầu Đuống xuống sông. Qua miêu tả của nhân chứng, người này có đặc điểm nhận dạng giống Trang.
19h30 ngày 21/9, lực lượng chức năng phát hiện, trục vớt thi thể một phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Các đơn vị chức năng đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân tử vong. Kết quả giám định ADN xác định thi thể người phụ nữ trên là Giáp Thị Huyền Trang.
Trước đó, ngày 19/9, Công an Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị M.T.H., 33 tuổi, ở huyện Gia Lâm, về việc con gái ruột là cháu N.H.T. (SN 2021) bị Giáp Thị Huyền Trang (người được gia đình thuê đón cháu) bắt cóc, đòi số tiền 1.5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T.
Nhận tin báo, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã đề nghị Công an tỉnh Hưng Yên và Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp điều tra.
Sáng 20/9, người dân và lực lượng chức năng phát hiện thi thể bé gái bị bắt cóc dưới mương nước ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ai phải bồi thường cho gia đình người bị hại?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đối với vụ án hình sự mà đối tượng thực hiện hành vi đã chết, có thể cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra.
Quá trình điều tra xác định người phạm tội duy nhất đã chết, không có đồng phạm khác, không còn người khác phạm tội, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với vụ án đó.
Theo thông tin vụ án này, cho đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang về tội giết người để tiến hành điều tra.
Kết quả điều tra cũng cho thấy cơ quan điều tra xác định Giáp Thị Huyền Trang đã chết. Vì thế, sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can này nhưng vụ án vẫn có thể tiếp tục.
Bởi, cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ vụ án có đồng phạm hay không, có người khác phạm tội hay không để tiếp tục tiến hành xử lý.
Theo ông Cường, nếu có người khác phạm tội với vai trò đồng phạm hoặc kết quả điều tra cho thấy có người khác phạm tội phạm khác, sẽ tiếp tục điều tra xử lý đối với các bị can khác.
Con nếu vụ án chỉ có một bị can duy nhất đã chết, không còn người khác đồng phạm, không có người khác phạm tội khác, sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can. Đồng thời cũng đình chỉ điều tra đối với vụ án và vụ án này sẽ chính thức khép lại.
Trao đổi với PV Dân Việt về trách nhiệm bồi thường trong vụ án này, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP.Hà Nội ) cho biết, những vụ án hình sự không chỉ có quan hệ pháp luật hình sự mà còn làm phát sinh quan hệ dân sự, đó là quan hệ về bồi thường thiệt hại.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại, phải bồi thường trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Vì vậy, trong trường hợp đã xác định Giáp Thị Huyền Trang là hung thủ, có trách bồi thường thiệt hại, thì những người thừa kế là chồng, con, cha, mẹ của bị can phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản do bị can để lại. Việc này căn cứ theo Điều 615 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, theo luật sư Thơ, Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.
Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, lúc này vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Có nghĩa, người thân của người bị hại có thể thỏa thuận hoặc làm đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại từ những người thừa kế của Giáp Thị Huyền Trang.
Việc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự. Cụ thể, phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai tang, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại…
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được, mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.