Nghi phạm người Trung Quốc gây án tại Đà Nẵng có thể bị xử lý thế nào?

Vũ Hiếu Thứ bảy, ngày 08/02/2020 17:16 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc nghi phạm là người Trung Quốc gây án tại Đà Nẵng, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư để hiểu rõ hơn những vấn đề pháp lý.
Bình luận 0

Trưa ngày 7/2 Công an Đà Nẵng đã xác định và bắt giữ một nghi phạm liên quan vụ thi thể bị cắt rời được phát hiện dưới chân cầu Trần Thị Lý, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

img

Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường nơi phát hiện thi thể - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nghi phạm được xác định là Xiao Qui Ping (27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và cơ quan công an đã bắt giữ chỉ sau ít giờ thi thể của nạn nhân được phát hiện.

Vào sáng cùng ngày, một số người dân kéo lưới dưới chân cầu Trần Thị Lý phát hiện một chiếc vali màu đỏ chứa thi thể người. Theo các ngư dân, khi kéo vali vào bờ và mở ra, họ phát hiện một thi thể nữ bị cắt rời mất phần đầu. 

Nạn nhân được xác định tên là Bao Dan Ping mang quốc tịch Trung Quốc, sinh năm 1990. Người này nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực nhập cảnh 1 lần cấp tại Côn Minh (Trung Quốc), có hiệu lực từ 4/12/2019 đến 4/3/2020.

img

Nghi phạm tại cơ quan công an - Ảnh: CA.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Văn phòng luật sư Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng của con người. Tội giết người được quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

"Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định, căn cứ vào các cấu thành tội phạm người nước ngoài thực hiện, họ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật giống như công dân Việt Nam phạm tội. Việc xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định", luật sư Tuấn phân tích.

Theo vị luật sư, khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

img

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Văn phòng luật sư Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh).

"Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định nêu trên, căn cứ vào các cấu thành tội phạm người nước ngoài thực hiện, họ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật giống như công dân Việt Nam phạm tội", luật sư Tuấn chia sẻ

Luật sư Tuấn cho biết có hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc theo đó, tội phạm Trung Quốc thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được dẫn độ về Trung Quốc xét xử.

Mặc dù quy định là vậy, việc phát hiện tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của cơ quan tố tụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề vướng mắc. Việc xử lý hành vi phạm tội của người nước ngoài sẽ liên quan đến vấn đề ngoại giao của các nước liên quan.

"Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001, là văn bản được áp dụng chủ yếu hiện nay trong việc hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất.

Nhưng trường hợp này đặc biệt nghiêm trọng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam", vị luật sư nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem