"Tiền để làm gì? Tiền nhiều làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?". Đó là phát biểu của "vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên tòa ly hôn gây "bão" dư luận mấy ngày qua.
Nhầm lẫn giá trị của đồng tiền
Thật ra, ông Vũ đặt câu hỏi ấy với vợ mình trong bối cảnh của phiên tòa, với ngụ ý của riêng ông. Tuy nhiên, nếu tách riêng câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?" đặt ra trong bối cảnh xã hội hôm nay cũng cho chúng ta nhiều suy nghĩ về giá trị của tiền và cách ứng xử với đồng tiền.
Ảnh minh họa.
Con người tạo ra tiền làm phương tiện thanh toán, là công cụ trung gian để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Chúng ta cần tiền để có thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ; để được an toàn; để nuôi dưỡng gia đình, xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội; để vui chơi và giải trí; để được công nhận là thành đạt, để được tôn trọng và yêu mến.
Như vậy tiền không có giá trị mục đích mà chỉ có giá trị phương tiện. Nói ra nghe có vẻ hiển nhiên, ai cũng biết. Thế nhưng, vẫn có nhiều người "quên" hoặc cứ lẫn lộn, xem tiền là mục đích. Họ lấy sức khỏe hay lợi dụng các mối quan hệ để kiếm tiền. Họ làm mọi cách để có tiền, kể cả bán linh hồn cho quỷ dữ, làm những việc trái lương tâm. Họ hủy hoại hạnh phúc gia đình, phản bội bạn bè, gây khổ đau cho người khác, còn bản thân thì luôn sống trong lo âu và sợ hãi.
Khi được hỏi cái gì làm ông ngạc nhiên nhất về đời sống con người, Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Có những người hy sinh sức khỏe của mình để kiếm tiền. Sau đó dùng tiền kiếm được để phục hồi sức khỏe. Anh ta vì quá lo lắng cho tương lai, nên không thể tận hưởng cuộc sống hiện tại; kết quả là anh ta không sống trong hiện tại cũng như tương lai; anh ta sống y như sẽ không bao giờ chết và rồi chết đi mà chưa từng thực sự sống".
Không tôn thờ cũng đừng coi khinh
Sống trong căn nhà đẹp, vật dụng đắt tiền, đi chiếc xe sang…, chẳng có gì sai, nếu chúng ta biết tận hưởng, không đồng hóa chính mình với vật chất. Nghĩa là không sử dụng vật chất để gia tăng hình ảnh của cái tôi: Đi xe sang cảm thấy mình quan trọng, đi xe kém sang lại thấy mình thấp hèn. Đi xe sang hay kém sang thì mình vẫn là mình, chẳng quan trọng hơn và cũng chẳng thấp hèn đi.
Ngược lại, cũng có người nhận thấy đời sống vật chất cản trở con đường tinh thần nên buông bỏ tất cả và tách mình khỏi đời sống xã hội. Hành động này đã gây ra nhiều khó khăn cho gia đình, cho những người anh ta yêu thương và những người yêu thương anh. Anh ta đi chân trần, nhìn thấy một người đang lái chiếc xe sang, anh ta nghĩ: "Ta đây giác ngộ hơn người kia. Ta đây có đời sống tinh thần cao hơn người kia". Trong trường hợp này, cái tôi của anh ta thậm chí còn lớn hơn cái tôi của người trong chiếc xe sang. Và cái tôi của anh ta sẽ là một trở ngại vô cùng lớn để anh có thể đạt tới đời sống tinh thần như mong muốn.
Sức khỏe, hạnh phúc gia đình, trạng thái an yên… là những thứ không phải hễ có tiền là mua được. Tiền giúp chúng ta có được căn nhà nhưng chính chúng ta phải tạo ra mái ấm. Tiền giúp chúng ta có được cái giường nhưng chính chúng ta phải tự mình dỗ dành giấc ngủ ngon.
Về bản chất, tiền không tốt cũng không xấu. Tốt hay xấu là do cách con người sử dụng. Con người sử dụng tiền để tạo dựng hay để phá hoại, để được người khác xem trọng hay để bị người khác xem thường. Con người sử dụng tiền để phục vụ cho cuộc sống hay con người sống để phục dịch cho tiền.
Warren Buffett dù đã bước sang tuổi 89 vẫn miệt mài làm việc và là người hiện giàu thứ 3 thế giới nhưng ông đi xe rẻ tiền, vẫn sống trong căn nhà mua vào năm 1958, thời điểm ông chưa là tỉ phú. Ông dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và được xem là một trong những nhà từ thiện hào phóng nhất địa cầu. Warren Buffett từng chia sẻ tiền chỉ là phương tiện giúp ông có được sự tự do. Ông chỉ mua những gì cần thiết và không mua hơn; vì vượt ngưỡng cần thiết, việc có thêm chẳng mang lại sự khác biệt gì, thậm chí là tệ đi.
Nguyễn Hồng Huấn (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.