Nghĩa Hành ở Quảng Ngãi phát triển kinh tế tạo "đòn bẩy" tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ năm, ngày 31/08/2023 05:05 AM (GMT+7)
Phát huy lợi thế là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi (năm 2018), Ðảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Hành tiếp tục nâng chất các tiêu chí trên tinh thần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây chính là động lực để địa phương tiến gần hơn tới mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Bình luận 0

Cơ sở hạ tầng đồng bộ tạo động lực cho Nghĩa Hành phát triển toàn diện

Ông Đàm Bàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực của toàn dân, tạo ra những bước đột phá trong công tác xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Huyện xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là động lực, tiền đề cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, phát huy vai trò mạnh mẽ của nhân dân, huy động nguồn lực từ cộng đồng.

Đến nay, 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện giữ vững tiêu chí huyện nông thôn mới, 17 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận. Tất cả các tuyến đường giao thông liên xã, đường huyện đã được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 90%; phát triển vùng chuyên canh trên 750ha cây ăn quả các loại, trong đó có 4 loại trái cây được chứng nhận OCOP 3 sao.

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1.

Một góc huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) hôm nay. Ảnh: T.H.

Huyện Nghĩa Hành luôn giữ vững 37/37 trường đạt chuẩn quốc gia, có 10 nhà văn hoá xã được đầu tư xây dựng mới; 11/11 xã có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi đang từng bước được đầu tư xây dựng.

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 2.

Ông Đàm Bàng (bên phải) – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành chia sẻ với phóng viên Dân Việt về quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ảnh: T.H.

Ông Bàng cho biết thêm, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã huy động 302 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để xây dựng nông thôn mới. Từ kết quả đó bộ mặt nông thôn từng bước chuyển biến rõ nét, khang trang hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 3.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã tạo động lực cho Nghĩa Hành phát triển toàn diện. Ảnh: T.H.

Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Hành là huyện đã phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 4.

Nghĩa Hành thường xuyên tổ chức các hội chợ nhằm xúc tiến thương mại, giúp người người dân tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ảnh: T.H.

Ngoài ra, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều cuộc tập huấn, hội thảo về các mô hình sản xuất hiệu quả và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn.

Ông Phan Thu - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Nghĩa Hành cho hay, thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là đường giao thông, trường học… đã giúp cho diện mạo nông thôn tại huyện Nghĩa Hành đổi thay từng ngày. Đặc biệt, các dự án thực hiện theo nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.  

Hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao

Ông Bàng cho biết, song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương đặc biệt chú trọng đến các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Điểm sáng là dự án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung được huyện triển khai với tổng diện tích khoảng 798ha. Trong đó, cây chuối 162,9ha; sầu riêng 121,7ha; cây bưởi 238,1ha; chôm chôm 40,5ha; mít 166,3ha và 69,2ha các loại cây ăn quả khác. 

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 6.

Nghĩa Hành quyết tâm hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Ảnh: T.H.

Để hình thành các vùng trồng nguyên liệu tập trung, huyện Nghĩa Hành đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hồ chứa, đập dâng trọng điểm, cung cấp nước tưới vườn cây ăn quả, trang trại tổng hợp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Ưu tiên phát triển hệ thống điện, hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm nước, giếng đào, giếng khoan, trạm bơm điện….

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung. Trong đó, có 10 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại nuôi trồng thủy sản. Với 6 trang trại chăn nuôi có hợp đồng thu mua sản phẩm được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong quá trình cung cấp đầu vào, quy trình chăn nuôi sạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho trang trại.

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 7.

Tại huyện Nghĩa Hành, 4 loại trái cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng cơm vàng hạt lép và chuối ngự đã được địa phương xây dựng chuỗi liên kết, nhờ đó đã nâng cao thu nhập cho người dân Ảnh: T.H.

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành bứt phá trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới huyện nông thôn mới nâng cao - Ảnh 8.

Trồng cây ăn quả là thế mạnh tại huyện Nghĩa Hành, mô hình này đã giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: T.H.

Cùng với đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) cũng được địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả. Qua 5 năm triển khai, Nghĩa Hành có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao, gồm có: chôm chôm; sầu riêng; bưởi da xanh; chuối ngự; hạt sen khô (xã Hành Thịnh); chổi đót (xã Hành Thuận).

Trong đó, 4 loại trái cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng cơm vàng hạt lép và chuối ngự được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu. Đây là những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Mỗi hecta trồng cây ăn quả, nông dân có nguồn thu nhập ổn định từ 200-250 triệu đồng/năm.

Nhờ đó, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm rõ rệt còn 3,88%; hộ cận nghèo còn 7,22%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,06 triệu đồng/năm, tăng 3,06 triệu đồng so với năm 2021.

Đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 4.963,6 tỷ đồng, tăng 10,03% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,61%; công nghiệp – xây dựng chiếm 30,40% và thương mại – dịch vụ chiếm 47,98%.

"Xây dựng nông thôn mới nâng cao là cơ hội để các tiêu chí nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu, vì thế huyện đang tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư, các dự án, từ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đáp ứng yêu cầu của huyện nông thôn mới nâng cao. Đồng thời phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...", ông Đàm Bàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem