Nghĩa tình Tết Canh Tý 2020 từ gian hàng giá "0 đồng"

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 26/01/2020 07:06 AM (GMT+7)
Cái lạnh cắt da cắt thịt của Tây Nguyên những ngày Tết nguyên đán Canh Tý 2020 không làm giảm nhiệt ở gian hàng 0 đồng.
Bình luận 0

img

Chị Phạm Thị Quy (người đội mũ) tại gian hàng 0 đồng

Thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện tại địa phương như hiến máu nhân đạo, quyên góp quà trung thu cho thiếu nhi, phát cháo từ thiện tại bệnh viện cùng nhà chùa, chị Phạm Thị Quy (Phó Chủ tịch UBND xã Eakly, huyện Krongpak, tỉnh Đắc Lắc) lúc nào cũng muốn làm được nhiều việc tốt hơn nữa cho người nghèo.

img

Gian hàng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người

Chị Quy thường tiếp cận với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên biết trên địa bàn còn nhiều người cực khổ, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số. Đối với họ, cái ăn còn chưa no, sao lo được cái mặc. Nhiều lần thấy khó chị Quy lại giúp, thấy khổ lại cho, nhưng một mình cũng chẳng thấm thía vào đâu.

img

Niềm vui của những em nhỏ Tây Nguyên khi xuân về có tấm áo mới

Nghĩ rằng, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” chị Quy bắt đầu kêu gọi quyên góp quần áo sách vở, nhu yếu phẩm… để giúp đỡ họ.

Gian hàng giá 0 đồng được chị Quy mở bán lần đầu tiên vào đầu tháng 10/2019 tại Buôn Krai B nhân dịp trung thu. Hơn 500 bộ quần áo cả người lớn và trẻ em được trao lại cho bà con dân tộc Ê Đê  trong niềm vui rộn rã.

img

Cụ bà người dân tộc thiểu số sau khi nhận được món đồ cụ thích

Sở dĩ chị Quy lấy tên gọi gian hàng 0 đồng vì không muốn người nhận phải ngại ngùng hay mặc cảm, mà đón nhận một cách vô tư và cũng chẳng phải hàm ơn. Đây sẽ đơn thuần là hoạt động mua bán, chỉ khác cái là mệnh giá luôn bằng 0.

Đến nay, gian hàng 0 đồng đã mở bán được 8 lần tại các thôn buôn như Krong Bach, Ko Nie, thôn 12 xã Vụ Bổn… với trên 6.000 bộ quần áo, cùng giày dép, mũ nón, sách vở và quần áo cho học sinh hai phân hiệu trường Lê Quý Đôn (Krongpak, Đaklak). Chị Quy còn phát động và trao tặng hơn 100 bộ áo dài cho các chị phụ nữ nghèo trong vùng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.

Chị chia sẻ, vật chất chỉ có giá trị khi được sử dụng, và càng có giá trị hơn khi được trao cho người đang cần đến. Những ngày đầu thực hiện, chị Quy được chị em phường Tây Thạnh, TP.HCM cho 5 bao tải đồ rất chất lượng để mở gian hàng đầu tiên. Tiếp đó, chị Quy gom góp mỗi nơi một ít, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Hễ ở đâu gọi là chị tới, nhiều khi nhìn như “cái bang ” chính hiệu, đi xin từng cái móc, cái túi rồi lênh khênh chở về nơi tập kết.

img

Tết có quần áo đẹp rồi

Đến nay, có rất nhiều bạn trẻ cùng chung tay với chị Quy và phát động quyên góp. Mỗi ngày chị đều nhận được “hàng” từ các thôn, từ bạn bè… tận Thanh Hóa, Tây Ninh thậm chí từ những người chưa quen. Nhìn niềm vui trên gương mặt của những đứa trẻ, những người già hay những người nông dân nghèo ôm bọc quần áo “mới”, chị Phạm Thị Quy thấy những việc mình làm thật ý nghĩa.

Sau 8 lần mở bán, cô xây dựng được đội nhóm thực hiện khoảng 7-8 người. Nếu đi gần thì mỗi người một xe chở đồ, còn đi xa thì thuê xe tải. Đường sá gập ghềnh, thôn buôn xa xôi, các chị xuất phát thật sớm để đến nơi sắp xếp, tổ chức. Sau này, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các mạnh thường quân, nhóm cô có thêm xe hơi để di chuyển.

img

Còn sức còn chiến: chuyến hàng mỗi ngày của “cái bang”

Năm 2020 chị Quy muốn thực hiện nhiều chuyến đi ở các vùng sâu – xa hơn như Eagieng, Eahiu và các xã thuộc huyện khó khăn khác để giúp đỡ phần nào cho các gia đình chính sách. Không chỉ dừng lại ở quần áo, sách vở, cô còn muốn kêu gọi tài trợ để sửa sang nhà cửa giúp họ, bởi nhiều nhà hiện nay đang sống trong cảnh tạm bợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem