Trong cuộc sống, tranh thắng thua tức là thua rồi
Việc so kè giữa người với người giống như việc tự chuốc lấy phiền phức cho bản thân. Trong cuộc sống, nếu như thích tranh thắng thua, thì sau cùng người bị thiệt vẫn là mình. Giàu hay nghèo, rồi cũng sẽ trở về với cát bụi. Cao hay thấp, béo hay gầy rồi cũng sẽ phải già đi. So đi so lại cuối cùng chúng ta vẫn là kẻ trắng tay.
Có hai siêu thị cùng mở trên một con phố nọ. Lượng khách ngày thường của hai siêu thị tương đương nhau. Hai bên vẫn luôn giữ quan hệ tốt đẹp trong nhiều năm qua. Nhưng đến năm nay, lượng khách đến hai siêu thị này đều đột ngột giảm mạnh. Từ đó, cả hai bên bắt đầu một cuộc cạnh tranh ngầm vô cùng khốc liệt.
Hôm trước, bên anh giảm giá 50%. Hôm sau, bên tôi giảm hẳn 60%. Hai bên đua nhau giảm giá và phải gánh chịu tổn thất lớn. Sau một khoảng thời gian, một siêu thị đã buộc phải đóng cửa vì không còn đủ vốn để duy trì. Ông chủ của siêu thị kia chưa kịp vui mừng vì chiến thắng, đã thấy một siêu thị mới lại chuẩn bị sắp mở tại đây. Cuộc cạnh tranh tiếp diễn, và kết quả là ông chủ của siêu thị kia cũng phải đóng cửa. Cuối cùng, trên phố chỉ còn sót lại đúng siêu thị mới mở kia. Hóa ra, trong cuộc cạnh tranh này, cả hai bên đều thua và người được lợi lại là người ngoài cuộc.
Trong mọi cuộc tranh chấp, không có ai là người thắng tuyệt đối. Hai bên đều phải gánh chịu những tổn thất nhất định. Đôi khi, ta chỉ ước mình là cây đại thụ để khỏi cần tranh giành với cỏ dại dưới chân. Tranh với người chính là tự mình làm hại mình. Suy cho cùng, người thắng cũng chỉ là người thua ít hơn đối phương mà thôi. Không tranh với người, ta mới có thể toàn tâm toàn ý phát triển bản thân.
Trong tình cảm, cãi đúng sai tức là sai rồi
François de La Rochefoucauld từng nói: "Nếu muốn kiếm thêm kẻ thù thì hãy để mình lấn át bạn. Nếu như muốn kết thêm bạn bè thì hãy để bạn giỏi hơn mình."
Trong tình cảm vốn không có chuyện ai đúng ai sai. Nếu như hai bên nhất định phải rạch ròi đúng sai, mối quan hệ đó cuối cùng rồi cũng sẽ phải tan vỡ.
Tranh với người nhà, bạn có thắng thì tình thân cũng chẳng còn. Tranh với người thương, bạn có thắng thì tình yêu cũng phai nhạt. Tranh với bạn bè, bạn mà thắng thì tình bạn cũng mất. Chỉ có không tranh mới là chìa khóa để duy trì một mối quan hệ lâu bền và hòa thuận.
Có một nhà văn đã đem cuộc hôn nhân 60 năm của mình với người vợ thủy chung viết thành một cuốn sách. Trong cuốn sách ấy, ông viết cả những lúc ngọt ngào và những lúc xích mích. Câu chuyện tình yêu của hai người đã trở thành hình mẫu lý tưởng được các cặp đôi hiện đại ca ngợi và học theo.
Ngày thường, ông rất thích đọc sách. Vì thế, đa phần mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay vợ ông. Khi vợ bị bệnh, dù ông đã tận tình chăm sóc, người vợ vẫn hay cằn nhằn ông. Ông không chấp nhặt vợ, trái lại trong lòng còn cảm thấy vui. Ông biết vợ mình khẩu xà tâm phật. Bình thường, tuy bà hay nói những lời khó nghe, nhưng thực ra ông biết bà rất thương chồng.
Hai người cũng đã từng vì một chuyện nhỏ mà nảy sinh mâu thuẫn. Khi ấy, do quá tức giận mà ông đã đánh rơi ấm nước nóng xuống đất. Hành động đó đã khiến vợ ông sợ hãi mà bật khóc. Ông biết nếu như tiếp tục cãi nhau sẽ gây ra những rạn nứt tình cảm vợ chồng. Vì thế, ông đã chủ động đến giảng hòa với vợ. Ông nắm lấy đôi tay vợ và nói lời xin lỗi với bà.
Nhìn dáng vẻ hối lỗi của chồng, vợ ông cũng chẳng còn muốn trách ông nữa. Tình cảm vợ chồng lại hòa hợp như xưa. Cuộc sống hôn nhân của hai người cũng vấp phải nhiều sóng gió. Nhưng cứ mỗi khi cơm không lành canh không ngọt, họ sẽ không bao giờ cãi đến cùng để thỏa mãn cái tôi của mình. Họ luôn biết điểm dừng để tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân. Trên thực tế, chỉ có chữ "nhẫn" mới là thứ giúp duy trì được một mối quan hệ tốt đẹp.
Tranh cãi không những không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ càng làm cho đôi bên thêm xa cách. Đối với mọi mối quan hệ, chúng ta buộc phải chấp nhận sự khác biệt trong suy nghĩ và quan điểm của đôi bên. Nếu như chuyện gì cũng so đo xem ai đúng ai sai, thì mối quan hệ đó rốt cuộc cũng sẽ chẳng đi đến đâu.
Thế gian này vốn nhiều cám dỗ. Con người ham tranh giành, cuối cùng lại chẳng có gì trong tay. Bạn có thể thắng được cái lý nhưng lại thua mất cái tình. Phần thưởng cho chiến thắng chẳng thể bù đắp nổi cho cái giá mà bạn phải trả. Hãy bớt đi chút ganh đua đố kỵ, biết nhường nhịn nhau hơn để tình cảm đôi bên được bền lâu.
Không tranh không giành mới là bậc cao nhân
Không tranh không phải là yếu đuối hay chịu thua mà đó chính là biểu hiện của một loại trí tuệ. Gặp chuyện không tranh thì mới có thể làm tốt bản thân mình. Gặp người không tranh thì mới có cơ hội xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp.
Hồi còn đi học, Tăng Quốc Phiên đã gặp phải một người bạn học ngang ngược và hống hách. Khi ông đọc sách trước cửa sổ, người này nói ông đi ra chỗ khác vì ông đang che mất ánh sáng của người ta. Tăng Quốc Phiên chẳng nói câu gì mà chỉ lẳng lặng mang sách lên giường đọc. Đến tối, người kia lại nói ông đọc sách ồn ào quá làm người ta khó ngủ. Lần này, ông cũng chỉ im lặng và mang sách ra ngoài phòng đọc.
Có lần, thầy giáo có ý muốn Tăng Quốc Phiên đi yết kiến một viên quan nọ. Nhưng người kia lại muốn thể hiện nên xin thầy cho đi thay. Khi thầy giáo đang khó xử không biết làm gì, Tăng Quốc Phiên liền nói với thầy để người kia đi, còn ông tiếp tục yên tĩnh đọc sách. Sau này, Tăng Quốc Phiên thi đỗ làm quan. Người bạn kia lại đổ là ông đã lấy hết may mắn của họ.
Từ đầu đến cuối, Tăng Quốc Phiên chưa từng tranh giành bất cứ điều gì với người kia. Tăng Quốc Phiên đã ghi danh mình vào sử sách, còn người kia sớm đã trở thành kẻ vô danh giữa dòng đời.
Có người từng nói: "Đời người giống như một ván cờ. Thắng thua là chuyện khó mà đoán định. Ta u mê tưởng mình là người trong cuộc, khi tỉnh ra mới biết mình đã là người ngoài cuộc lúc nào không hay."
Đời người ngắn ngủi, tranh đi tranh lại nào có được gì đâu? Thắng hay thua thì cũng chỉ là nhất thời. Không tranh sẽ khiến ta tự do hơn. Không giành mới chính là cảnh giới cao nhất của đời người.
Trong cuộc sống, ta phân cao thấp với người thì người thua sẽ là chính ta. Trong tình yêu, ta cãi đúng sai với đối phương thì người bị tổn thương vẫn là chính ta. Bạn có tranh cái gì đi chăng nữa, cuối cùng bạn vẫn là kẻ thất bại. Không tranh chính là biết giấu mình chờ thời và nhu cương đúng lúc. Đời này, chỉ có không tranh mới giúp con người tĩnh tâm mà sống cuộc đời của riêng mình.
Đình Trọng (Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.