“Gỡ khó” vẫn gặp khó
Theo Nghị định 55, có 7 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm: Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp…
Ông Đào Xuân Hải, chủ trang trại nuôi hơn 60.000 gà đẻ trứng ở xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết dù có NĐ 55, chủ trang trại vẫn khó tiếp cận vốn. ảnh: Việt Tùng
Về cơ chế bảo đảm tiền vay, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo 8 mức: 50, 100 cho tới 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; Tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã; Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản…
Quy định là vậy, song trên thực tế, các chủ trang trại rất khó tiếp cận với nguồn vốn. Ông Cấn Văn Mai, thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) chủ trang trại 0,5ha hiện đang nuôi 30.000 gà đẻ trứng cho biết, mặc dù ông đã đầu tư hàng tỷ đồng vào trang trại, nhưng do trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giấy chứng nhận trang trại (GCNTT), nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng. Lý do mà ngân hàng đưa ra là thiếu các thủ tục về mặt pháp lý nên ngân hàng rất khó định giá để cho vay.
Nhiều chủ trang trại khác cũng cho biết chính sách tín dụng trên “trái khoáy”, khó tiếp cận bởi quy định là không phải thế chấp nhưng lại phải “gửi” GCNQSDĐ tại ngân hàng. “Chẳng hạn, trong Khoản 2, Điều 9 thì không cần tài sản thế chấp, nhưng Khoản 3 lại bắt buộc người vay phải nộp cho ngân hàng GCNQSDĐ, GCNTT, trong khi đó đa số các hộ, HTX đều thuê đất làm gì có GCNQSDĐ, nên không thể đáp ứng. Một quy định “làm khó” chủ trang trại nữa là, để được cấp GCNTT phải có GCNQSDĐ. Không vay được vốn đã làm cho trang trại khó mở rộng quy mô sản xuất và bỏ qua nhiều cơ hội phát triển, có nhiều ý tưởng sản xuất phải tạm dừng vì thiếu vốn” – ông Mai phân tích.
Ngân hàng “chùn tay”
Theo hướng dẫn của Agribank Việt Nam (số 515/QĐ –HĐTV – HSX), cơ chế đảm bảo tiền vay là người vay không có tài sản đảm bảo phải nộp cho Agribank nơi cho vay GCNQSDĐ (đối với các đối tượng được cấp GCNQSDĐ) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp GCNQSDĐ và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận. Với quy định trên, có thể nói các HTX và trang trại rất khó vay được vốn từ Nghị định này. Các chủ trang trại mới, các HTX mới càng khó tiếp cận hơn nữa, bởi phải là “ khách hàng tốt” của ngân hàng.
|
Chia sẻ về những khó khăn của các chủ trang trại, nhiều ngân hàng cho rằng, chỉ riêng Nghị định 55 chưa đủ kích thích cho vay nông nghiệp. Tuy nông nghiệp là lĩnh vực an toàn hơn các lĩnh vực khác, song chỉ cần 1-2 khoản nợ xấu là có khi lợi nhuận cả năm của một chi nhánh bằng không. Chính vì vậy, ngân hàng chủ yếu cho vay thế chấp. Cái khó của phía ngân hàng là việc gửi lại GCNQSDĐ tại ngân hàng không phải là thế chấp, mà ngân hàng chỉ giữ hộ để phòng trừ trường hợp rủi ro, nhưng ngân hàng không có quyền xử lý tài sản. Vì vậy, các ngân hàng cũng luôn cân nhắc những phương án sản xuất hiệu quả, an toàn với khoản vay của mình. Đồng thời, để được vay theo Nghị định 55/CP thì hộ cá nhân vẫn gửi lại GCNQSDĐ, còn các trang trại, HTX để được vay thì phải xếp loại A, tức là khách hàng tốt.
Mặc dù hiện có nhiều ngân hàng tham gia tín dụng nông nghiệp, song chủ yếu tập trung vào các dự án lớn, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản. Rất ít ngân hàng tài trợ trực tiếp cho hộ nông dân làm nông nghiệp. Cho đến nay, hầu như chỉ có Ngân hàng NNPTNT (Agribank) là cho vay đến tận các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Các ngân hàng TMCP còn lại, dù có tham gia cho vay nông nghiệp thì cũng chỉ bám trụ ở những thành phố lớn, thị xã, thị trấn. Thực tế là dù Nghị định 55 có hiệu lực, có rất ít ngân hàng dám “mạnh tay” bơm 3 tỷ đồng cho vay mà không cần thế chấp.
Trở lại câu chuyện của ông Cấn Văn Mai sau nhiều lần “gõ cửa” ngân hàng nhưng đều bị từ chối, ông đành mượn GCNQSDĐ của anh em vay vốn đầu tư. Ông Mai cho hay: “Hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu phải có một trong hai giấy tờ là GCNQSDĐ hoặc GCNTT. Còn tài sản của trang trại, họ bảo chỉ là phần “hỗ trợ” tăng tính thuyết phục khi cho vay thôi, chứ không thể mang ra thế chấp được”.
Khi chúng tôi đề cập đến những quy định của ngân hàng, ông Mai phân trần: “Trong lĩnh vực khác, người vay thường được ngân hàng cho thế chấp bằng tài sản, chẳng hạn như người vay tiền mua nhà, họ được thế chấp bằng chính ngôi nhà họ mua. Hay vay mua ô tô, họ được thế chấp bằng chính chiếc ô tô đó... Nhà nước vẫn luôn nói, ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp là quan trọng. Vậy tại sao trong lĩnh vực nông nghiệp lại không được thế chấp bằng chính chuồng trại, đàn lợn, đàn gà của mình?”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.