Nghịch lý thiếu, thừa giáo viên

Thứ năm, ngày 16/09/2010 14:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện còn thiếu khoảng 153.000 giáo viên bậc tiểu học, THCS và THPT.
Bình luận 0

Ấy vậy mà nơi thiếu thì vẫn thiếu, nơi thừa thì cứ thừa. Tình trạng thừa giáo viên tập trung ở đồng bằng, thành phố. Nhiều trường đã phân không đủ tiết cho giáo viên giảng dạy, mỗi tuần giáo viên chỉ dạy có 8 - 9 tiết, trong khi đó, quy định là 17-19 tiết/ tuần nên buộc phải bố trí, phân công giáo viên thiếu tiết làm thêm những công việc khác, không thuộc chuyên môn chính của mình.

Bây giờ, xin được chỗ dạy, nơi gần nhà, có điều kiện thuận tiện chẳng dễ dàng gì. Không thuộc diện con ông cháu cha thì phải có tiền và biết chỗ để lo lót, chạy chọt. Có nơi phải tốn vài chục triệu đồng mới được nhận vào dạy.

Việc "làm luật" khi xin việc ở ngành giáo dục gần như là phổ biến, hiển nhiên, ngày càng tinh vi... Ngành giáo dục cũng như nhiều ngành nghề khác của nhà nước, dường như có vào mà không có ra, nghĩa là không cạnh tranh, không có sa thải, cho dù người đó làm không được, dạy không xong.

Trước đây, chỉ có bài toán thiếu giáo viên, còn nay trong thực tế lại phát sinh thêm bài toán thừa giáo viên. Chúng tôi thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên yêu cầu những địa phương, những nơi hiện còn thiếu giáo viên, cần tuyển thêm thầy cô, cần báo cáo, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa chỉ trường thiếu, môn thiếu, cùng với các chính sách, hỗ trợ đãi ngộ khác, thì nhất định sẽ có nhiều sinh viên đã ra trường ở nơi khác chưa xin được việc làm tìm đến.

Mặt khác, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt khó khăn, số lượng giáo viên luôn biến động, thiếu hụt, đến rồi đi, thì cần tăng cường đào tạo nguồn giáo viên tại chỗ, có thế họ mới ổn định, gắn bó lâu dài. Có như vậy mới cân bằng được nghịch lý “thiếu thừa” nói trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem