Nghiên cứu mở rộng đường Láng: Tính phương án giữ lại hàng cây xà cừ giữa đường

Phan Hoàn Thứ bảy, ngày 11/05/2024 21:06 PM (GMT+7)
Sau thông tin Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu mở rộng đường Láng từ 21m lên 53,5m, người dân kỳ vọng dự án sẽ sớm triển khai để giúp giải bài toán ùn tắc tại Ngã Tư Sở và giữ được hàng cây xà cừ giữa đường.
Bình luận 0

Đường Láng dài 3,8 km với chiều rộng mỗi bên đường là 10,5m. Theo thiết kế, đường Láng đáp ứng lưu lượng tối đa là 3000 phương tiện/giờ. Nhưng hiện tại, con số này đã lên tới 8000 phương tiện/giờ nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là tại nút giao với Ngã Tư Sở.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Dự án đầu tư Cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã tư Sở đến cầu Giấy hiện nay hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu chưa được trình thẩm định.

Theo dự kiến, có thể đầu tư cải tạo, mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy dự kiến có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Nghiên cứu mở rộng đường Láng: Tính phương án giữ lại hàng cây xà cừ giữa đường- Ảnh 1.

Nút giao đường Láng - Ngã Tư Sở là nơi thường xảy ra ùn tắc (Ảnh: Phan Hoàn)

Nghiên cứu mở rộng đường Láng: Tính phương án giữ lại hàng cây xà cừ giữa đường- Ảnh 2.

Giao thông tại nhà ga Láng (Ảnh: Phan Hoàn).

Đường Láng thường ùn tắc

Là xe ôm công nghệ thường xuyên đỗ tại ga Láng để đón khách, ông Vũ Tiến Sỹ đã quá quen với tình trạng tắc nghẽn và mong có sự thay đổi. “Đi qua đây vào mười ngày thì ngày nào cũng tắc. Nếu mở rộng đường Láng như tại đường Trường Chinh tôi nghĩ quá tốt cho người dân”, ông Sỹ bày tỏ.

Đồng quan điểm với ông Sỹ, ông Cao Đức Chỉnh (Hà Nội) bức xúc: “Mỗi lần tắc đường, tôi phải mất 30 đến 45 phút để thoát ra. Tôi hy vọng dự án mở rộng mặt đường sẽ sớm được triển khai để giúp người dân đi lại nhanh chóng hơn”.

Nghiên cứu mở rộng đường Láng: Tính phương án giữ lại hàng cây xà cừ giữa đường- Ảnh 3.

Ùn tắc thường xuyên xảy ra tại đường Láng vào giờ cao điểm (Ảnh: Phan Hoàn)

Theo ghi nhận vào chiều 10/5, từ 18 giờ, trên hướng đi dẫn ra Ngã Tư Sở, tốc độ di chuyển của các phương tiện giao thông di chuyển rất châm, tình trạng ùn t ắc thường xuyên xảy ra. Ngoài tín hiệu của đèn đỏ, lượng phương tiện lưu thông quá lớn, cảnh ùn tắc kéo dài cả km. 

Ở hướng ngược lại là Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, gần khu vực nút giao giữa Láng - Lê Văn Lương, tình trạng ùn tắc cũng không mấy khả quan. Việc phải di chuyển chậm chạp kéo dài khiến người dân đi xe máy leo lên cả vỉa hè. Tình trạng ùn tắc cũng khiến xe buýt chậm giờ hơn gây nhiều khó khăn cho người dân.

Nghiên cứu mở rộng đường Láng: Tính phương án giữ lại hàng cây xà cừ giữa đường- Ảnh 4.

Hàng cây xà cừ hàng trăm tuổi tạo bóng mát trên đường Láng (Ảnh: Phan Hoàn).

Ông Phạm Ngọc Quân (Tổ phó Tổ dân phố khu dân cư số 9, đường Láng) cho biết, ông đã nắm được thông tin quy hoạch dự án từ hàng chục năm trước. Ông cho rằng khó khăn lớn nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. 

“Nếu dự án được thông qua, phải làm cho người dân hiểu lợi ích để sẵn sàng nhường đất lại để mở đường giao thông. Thành phố quyết tâm, người dân đồng thuận thì chắc chắn sẽ sớm hoàn thành”, ông Quân bày tỏ.

Hiện tại, dọc bên đường Láng là hàng nghìn căn nhà để kinh doanh hoặc sinh sống, ở giữa giải phân cách đường Láng có hàng cây xà cừ hàng trăm năm tuổi, sát mép sông Tô Lịch là tuyến đường dành cho xe đạp mới đi vào sử dụng gần đây. Đặc biệt, hàng cây giữa đường được coi là đặc trưng của tuyến đường Láng. 

"Nếu dự án cải tạo, nâng cấp đường Láng thành hiện thực, người dân sinh sống quanh tuyến đường này mong muốn chính quyền sẽ có những giải pháp quy hoạch phù hợp, đảm bảo phát triển kinh tế, lợi ích người dân và cảnh quan đô thị", một người dân kiến nghị.

Sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng mở rộng đường Láng

Trao đổi với báo chí, đại diện Sở GTVT cho biết tổng đầu tư lớn nên Sở GTVT Hà Nội đề xuất tách thành hai dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng.

Với dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2 trên cao, điểm đầu kết nối với Vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tuyến đường dài 3,8km, rộng 19m, vận tốc 80km/h, là đường trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng. Dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

“Sở GTVT đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn để tổ chức nghiên cứu một cách cụ thể, kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các kịch bản, phương án đầu tư cụ thể. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là chọn được phương án phù hợp, khả thi nhất" - ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GTVT thông tin với báo chí.

Sở GTVT cũng đã tính toán các yếu tố kỹ thuật, thoát nước, môi trường, hiệu quả đầu tư, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới người dân trong khu vực dự án cũng như có phương án bảo tồn hàng cây xà cừ lâu năm. 

Được biết, dự án sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng tác động của dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem