Nghiên cứu sinh bị rớt vì công bố nhầm: Chuyện xưa nay... hiếm!

Quốc Hải Thứ hai, ngày 13/10/2014 17:10 PM (GMT+7)
"NCS sau đó đã chỉnh sửa theo đúng khuyến nghị của hội đồng và được người có trách nhiệm giám sát việc chỉnh sửa này xác nhận nhưng phòng Sau đại học và khoa Văn hóa học buộc phải bảo vệ lại thì thật vô lý", PGS.TS. Nguyễn Tri Nguyên- Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án của nghiên cứu sinh (NCS) Trương Thị Bích Tiên cho biết.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc NCS Trương Thị Bích Tiên bị đánh rớt luận án sau khi Phòng Sau đại học công bố nhầm, Dân Việt đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Tri Nguyên, Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án của nghiên cứu sinh (NCS) Trương Thị Bích Tiên thì được biết: "Trong kết luận của hội đồng ghi rõ là đề nghị cơ sở đào tạo cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường sau khi có chỉnh sửa theo khuyến nghị của hội đồng bộ môn và đưa bản chỉnh sửa cho hội đồng bộ môn đọc lại chứ không dùng từ  “bảo vệ lại”.

NCS sau đó đã chỉnh sửa theo đúng khuyến nghị của hội đồng và được người có trách nhiệm giám sát việc chỉnh sửa này xác nhận nhưng phòng Sau đại học và khoa Văn hóa học buộc phải bảo vệ lại thì thật vô lý”.

“Nếu nói có 3 phiếu không thông qua là không đúng, vì trong buổi họp kín các thành viên trong hội đồng đều thống nhất ý kiến trước khi ra quyết nghị. Và khi quyết nghị được đọc công khai cũng không nhận được bất kỳ phản đối nào của thành viên hội đồng", ông Nguyên cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên: “Sau khi nhận được thông tin này từ phía NCS, tôi đã có thư tay gửi cho Khoa Văn hóa học và phòng Sau đại học nhưng cả hai đơn vị này đều đổ cho quy chế. Điều này hoàn toàn không ổn, vì chẳng có nơi nào có quy chế lạ như vậy, chưa có nơi nào phòng chức năng lại can thiệp hành chính vào công việc của hội đồng khoa học chuyên môn cả. Phải chăng đây là quy chế riêng của trường ĐH KHXH & NV?”.

Trước đó như Dân Việt đã thông tin, sau buổi bảo vệ luận án, NCS Trương Thị Bích Tiên được Hội đồng chấm luận án đề nghị cơ sở đào tạo cho phép bảo vệ luận án cấp trường.

Tuy nhiên sau đó, Phòng Sau đại học lại thông báo kết quả bị… nhầm, NCS Trương Thị Bích Tiên bị rớt do có 3 phiếu không đồng ý.

Liên quan đến vụ việc trên, TS. Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và sau Đại học ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Thật ra vụ việc xảy ra nằm ở khâu thủ tục, có lẽ là giữa phòng sau đại học và hội đồng khoa học chưa khớp quy chế với nhau. Nếu xét về trách nhiệm thì cả hai đều có lỗi, nhưng lỗi của bộ phận quản lý nhiều hơn. Điều đáng tiếc là vụ việc đơn giản nhưng để kéo dài gần hai năm gây ra nhiều thiệt hại cho NCS”.

“Sau vụ việc này, sắp tới chúng tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ quy trình. Đặc biệt bản đánh giá phải có đủ định tính và định lượng, vì sau các đánh giá, góp ý, khuyến nghị các phần cần chỉnh sửa, mỗi thành viên hội đồng phải có kết luận rõ ràng là cho qua hay là không chứ không phải là không ghi rõ ràng như trường hợp của NCS Trương Thị Bích Tiên”, ông Chính nói.

“Suốt thời gian làm Bộ trưởng, tôi chưa thấy trường hợp nào là vậy”

“Trong suốt thời gian làm bộ trưởng, tôi chưa từng thấy có quyết nghị nào của hội đồng khoa học mà bị bác. Vì muốn bác quyết nghị của một hội đồng khoa học thì cần phải có một hội đồng khoa học khác cao hơn, phát hiện ra những sai sót trong quyết nghị. Ở trường hợp này lại là phòng Sau đại học bác bỏ quyết nghị của cả một Hội đồng khoa học gồm 7 thành viên và những GS.TS đầu ngành thì quả là chuyện… xưa nay hiếm” , GS.TS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

“Chưa từng thấy trong lịch sử đào tạo trong và ngoài nước”

“Việc cấp quản lý là khoa Văn hóa học và phòng Sau đại học có quyết định khác với kết luận của hội đồng chuyên môn là điều chưa từng thấy trong lịch sử đào tạo cả trong nước lẫn ngoài nước. Vì hội đồng đây là hội đồng đánh giá luận án, hội đồng chuyên môn chứ không phải là là hội đồng tư vấn. Kết luận của hội đồng chuyên môn sau khi đọc luận án, nghe NCS bảo vệ và thảo luận với nhau với sự nhất trí của 7/7 thành viên phải là tiếng nói cuối cùng, không có lãnh đạo nào có thể can thiệp vào được.

Trong trường hợp nếu lãnh đạo hành chính có cơ sở nào đó để nghi ngờ kết luận của hội đồng chuyên môn thì động tác trước hết phải là gặp trao đổi với Chủ tịch Hội đồng, nếu vẫn không thỏa mãn thì có thể thành lập một hội đồng chuyên môn khác để đánh giá, và trong trường hợp hội đồng thứ hai này có kết luận khác hội đồng thứ nhất, hai hội đồng phải cùng ngồi lại để đối thoại với nhau chứ cấp quản lý hành chính không thể bác bỏ hội đồng chuyên môn, lại càng không thể bác bỏ một cách đơn giản như vậy được”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo của ĐHQG TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem