Nghiên cứu về chữ viết của PGS Bùi Hiền rất đáng trân trọng

Tùng Anh Thứ tư, ngày 27/12/2017 14:52 PM (GMT+7)
Hoàn thiện công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết sớm hơn dự kiến, mới đây, PGS.TS Bùi Hiền đã công bố công trình của mình thêm phần nguyên âm cải tiến. Công trình đầy đủ của ông một lần nữa lại khiến dư luận xôn xao.
Bình luận 0

Trong phần thứ hai này, PGS Bùi Hiền hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của Tiếng Việt. Tác giả tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của Tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc "một âm vị - một chữ cái". Tác giả cũng đưa ra bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội gồm 33 đơn vị.

Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ),  w (ngờ), x (khờ), z (dờ).

img

Bản hoàn chỉnh chữ viết cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh minh họa: IT.

PGS.TS Bùi Hiền cũng khẳng định, đây là nghiên cứu, đề xuất khoa học cá nhân, việc có thể áp dụng hay không do Chính phủ quyết định. Ông cũng cho biết: “Việc nghiên cứu khoa học tôi thử nghiệm, nếu thích bạn có thể sử dụng, nếu không thì thôi”.

Sau khi tác giả Bùi Hiền công bố công trình hoàn chỉnh có nhiều ý kiến đã ủng hộ sự nghiêm túc, quyết tâm, kiên trì và “bất chấp dư luận” của ông dù đã ở độ tuổi “gần đất xa trời”.

Trả lời báo Dân Việt ngày 27.12, Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - Nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia), người từng có đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa cho rằng, nghiên cứu này rất đáng trân trọng.

Theo NCS Sóng Hiền, mặc dù không phải là chữ viết do người Việt sáng tạo ra nhưng phải thừa nhận ngôn ngữ và chữ viết của mình hiện nay đã tương đối ổn định, đã được chấp nhận và đón nhận hơn 200 năm nay, nhưng không có giá trị nào là bất biến.

img

Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - Nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia).

“Thế giới vận động và biến đổi không ngừng thì không có lý do gì các quốc gia đứng ngoài sự vận động và biến đổi ấy, huống gì là chữ viết cái mà chính Bộ GD ĐT cũng không ít lần mong muốn cải cách” – NCS Sóng Hiền nói.

NCS Sóng Hiền cho rằng, công trình nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền cần được đặt ở vị trí như là người Việt đầu tiên tiên phong nghiên cứu chữ viết của Việt Nam một cách có hệ thống.

“Cho dù về mặt thực tiễn còn nhiều điều cần phải bàn nhưng về mặt ý nghĩa, chúng ta cũng nên dành cho công trình này một chỗ đứng trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt. Có thể về tính tổng thể của công trình còn nhiều bất cập và chưa thể ứng dụng vào thực tiễn, nhưng ở góc độ nào đó đây cũng là một tài liệu khoa học đáng được trân trọng, có giá trị tham khảo để sửa đổi và bổ sung thêm cho hệ thống chữ viết của chúng ta phù hợp với thực tiễn hơn, hoàn thiện hơn" – NCS Sóng Hiền bày tỏ.

Nói về việc đề xuất cải tiến tiếng Việt và chủ nhân của đề xuất này đã phải chịu không ít “sóng gió” dư luận trước và hiện tại khi công trình đã hoàn thiện, NCS Sóng Hiền cho rằng: “Chúng ta thường thích a dua theo đám đông mà thiếu đi cái nhìn chính kiến và lập luận quan điểm riêng của mình. Điều đó rất không nên. Dừng công kích cá nhân thay vào đó mỗi người hãy thể hiện sự tôn trọng người khác qua những luận cứ xác đáng đó cũng là cách bạn tôn trọng bản thân. Một xã hội văn minh khi quyền cá nhân được quy định bởi pháp luật  thật sự được tôn trọng. Chúng ta như những thành viên của một cộng đồng xã hội thì không hà cớ gì tự cho mình quyền đứng trên”.

Không nhận định thêm về công trình cải tiến chữ viết ở thời điểm này, nhưng PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng cho biết, ý tưởng cải tiến chữ viết tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngôn ngữ học, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.

Trước đó, ông Tình cũng thừa nhận, nghiên cứu của PGS Bùi Hiền có luận cứ riêng của ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của của một nhà giáo, nhà nghiên cứu rất tâm huyết với tiếng Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem