Nghiên cứu về rơm rạ đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016

Vinh Hải Thứ tư, ngày 18/05/2016 22:28 PM (GMT+7)
Chiều 18.5, Bộ KHCN đã công bố 3 nhà khoa học đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.
Bình luận 0

Đây là lần thứ 3, Bộ KHCN trao giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Để được xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, các nhà khoa học phải có công trình khoa học được thực hiện trong nước, trong thời gian gần đây và được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Đây được coi là giải thưởng trong nước đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc mang tầm thế giới.

GS.TS Đinh Dũng – Thành viên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 cho biết: “Đây là giải thưởng không tặng vì thành tích nghiên cứu trong cả một quá trình, mà cho nhà khoa học có đóng góp chính trong một công trình khoa học xuất sắc duy nhất. Chính vì thế mà cơ hội được tặng giải thưởng đối với các nhà khoa học lão thành đã nổi tiếng và các nhà khoa học trẻ là như nhau”.

Các công trình tham gia xét giải được các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia sơ tuyển. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của hai nhà khoa học uy tín trong nước và hai nhà khoa học quốc tế uy tín. Các công trình được tặng giải thưởng đều nằm trong top đầu trong hàng trăm các tạp chí ISI có uy tín trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả tầm cỡ quốc tế.

Năm nay, Bộ KHCN đã trao tặng Giải thưởng chính Tạ Quang Bửu được trao cho hai nhà khoa học là GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (SN 1972, Đại học Bách khoa Hà Nội) và PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (SN 1979, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN).

Giải thưởng trẻ Tạ Quang Bửu được trao cho TS Phùng Văn Đồng (SN 1981, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Quốc gia).

img

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh (giữa) trao Giải thưởng chính Tạ Quang Bửu được trao cho hai nhà khoa học là GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (bên phải ảnh) và PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (ảnh Ngũ Hiệp).

GS.TS Đinh Dũng cho biết cả ba công trình trên đều được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản thực hiện trong nước. Đặc biệt, công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (2012) được trích dẫn 69 lần và của TS Phùng Văn Đồng (2013) được trích dẫn 19 lần (không tính tự trích dẫn).

“Điều này chứng tỏ các công trình khoa học này được các đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến các công trình cùng lĩnh vực nghiên cứu” – GS.TS Đinh Dũng cho biết.

Đáng chú ý, công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thuộc lĩnh vực khoa học Thổ nhưỡng và Đất. PGS.TS Minh đã nghiên cứu được cấu trúc hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây.

Đây là cơ sở để đề xuất quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt, có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa.

Chia sẻ sau khi nhận giải, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Điều tôi hướng đến trong nghiên cứu này, không có gì khác là giúp ích cho người nông dân cải thiện cuộc sống, xây dựng môi trường sống trong lành và một nền nông nghiệp bền vững, nhiều triển vọng”.

Được biết, mỗi nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ nhận tiền thưởng 200 triệu đồng (với Giải thưởng chính) hoặc 50 triệu đồng (đối với tác giả là nhà khoa học trẻ của công trình khoa học).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem