Những bó lá Khat xanh ươm mơn mởn, bó gọn gàng, được bán trong hầu hết các khu chợ ở trên khắp vùng Sừng Châu Phi, để thỏa mãn cơn nghiện của người dân nơi đây, nhưng ít ai ý thức được rằng, loại lá này vô cùng nguy hiểm, âm thầm tước đoạt sự sống của con người.
Hồi đầu năm nay, ở Anh đã cấm loại lá này lưu hành. Nhìn bề ngoài, lá Khat không khác bất kỳ loại lá cây nào, nhưng bên trong nó chứa chất gây mê, tạo ra một cảm giác hưng phấn cho người sử dụng. Ở trên khắp các con phố ở thủ đô Sana’a của Yemen, cảnh tượng người “phê” lá Khat phổ biến mỗi ngày.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của thứ lá này là vòm miệng bị biến dạng, răng rụng và trong nhiều trường hợp bị phát điên nếu quá nghiện. Nhiều người dân châu Phi tin rằng, lá Khat có thể mang lại cho họ sự hưng phấn để nâng cao hiệu quả công việc, do vậy lá Khat đôi khi được phát cho người lao động, để họ vừa làm, vừa nhai.
Các nhà tâm lý học và các tổ chức sức khỏe tâm thần ở Yemen, Ethiopia và Somalia thống kê rằng, không chỉ có người lớn nghiện lá Khat, nhiều trẻ em châu Phi được sinh ra và lớn lên trong môi trường nghiện ngập này và từ lâu lá Khat cũng đã trở thành “món ăn” hàng ngày của chúng. Điều nguy hại, khi gia đình không còn một xu dính túi, thì cơn nghiện lá Khat vẫn không chấm dứt và những đứa con là mục tiêu dụ dỗ của các băng đảng xã hội đen.
Giá của mỗi bó lá Khat từ 0,5 đến 20 USD, tùy vào chất lượng và độ tươi ngon của lá. Theo ước tính, khoảng 20 triệu người chỉ ở riêng vùng Sừng Châu Phi là khách hàng thường xuyên của những người bán lá Khat. Theo một khảo sát được công bố ngày 19.10, nhu cầu dùng Khat thậm chí không giảm mà còn có xu hướng tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, khoảng 500.000 nông dân trên khắp vùng châu Phi và bán đảo Ả rập đã chuyển đất canh tác nông sản sang trồng loại lá Khat này.
Không giống như cà phê, Khat có thể thu hoạch 2 lần trong 1 năm và đòi hỏi phải tưới nước hàng ngày. Nhiều hộ nông dân ở châu Phi đã “phất” lên nhờ trồng Khat, tuy nhiên, do nhiều địa phương quá phụ thuộc vào nguồn thu từ lá Khat nên bất kỳ sự thay đổi nào trên thị trường đều có thể mang lại mối hại cho nền kinh tế địa phương.
Đặc biệt, từ khi Vương quốc Anh ban hành lệnh cấm nhập khẩu loại lá Khat, Ethiopia là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khat là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ tư ở Ethiopia, thu về hơn 160 triệu bảng mỗi năm. Lệnh cấm đã khiến hàng ngàn nông dân và người buôn bán nhỏ ở Ethiopia bị thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, ở Somali, hoạt động kinh doanh từ Khat vẫn ổn định với khoảng 571 băng nhóm hàng đầu ở đây vẫn bán ra khoảng 80 tấn lá Khat mỗi ngày. Những nhà cung cấp này thậm chí đã sử dụng máy bay để vận chuyển Khat đến Ethiopia hoặc đến Yemen, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Dailymail của Anh dẫn nguồn từ báo chí địa phương ở Somali cho biết, các hoạt động kinh doanh lá Khat ở quốc gia này dưới sự điều hành của một phụ nữ và lợi nhuận thu về mỗi năm là hàng triệu USD.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động xã hội ở các quốc gia châu Phi đã lên tiếng chỉ trích rằng, người phụ nữ bí ẩn đứng sau 571 băng nhóm kinh doanh lá Khat được hưởng lợi từ loại lá gây nghiện này, còn hàng triệu người dân bị nghiện lá Khat lại phải hứng chịu một tương lai không an toàn. Chưa kể đến việc buôn bán lá Khat đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống vì nó được bán trong các túi nhựa, người bán, người mua xả rác xuống đất ở khắp mọi nơi ở Yemen và Somali.
Phụ nữ châu Phi tin rằng, nhai lá Khat có thể giúp họ quyến rũ bạn tình. Vì lý do này, lá Khat đã trở thành mặt hàng không thể thiếu cung cấp cho các tụ điểm mại dâm và ngành công nghiệp tình dục ở châu Phi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.