Ngô sinh khối có gì đặc biệt mà TH true Milk, Vinamilk liên kết với nông dân trồng 5.000ha ở Nghệ An?
Ngô sinh khối có gì đặc biệt mà TH true Milk, Vinamilk liên kết với nông dân trồng 5.000ha ở Nghệ An?
Khánh Nguyên
Thứ tư, ngày 15/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trong kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021, Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc liên kết với doanh nghiệp phát triển diện tích ngô sinh khối.
Tại Nghệ An, các mô hình liên kết trồng ngô sinh khối phát triển mạnh kể từ vụ đông năm 2020. Theo đó, các HTX trên địa bàn tỉnh đã liên kết với Công ty TH True Milk, Vinamilk trồng hơn 5.000ha ngô sinh khối trong vụ đông 2020, thu lãi 20 - 22 triệu đồng/ha/vụ.
Bắt đầu từ vụ đông năm 2020 ở các tỉnh phía Bắc, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn như TH true milk, Vinamilk, T&T 159... đã ký biên bản hợp tác với đại diện Sở NNPTNT nhiều địa phương để phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, trồng ngô sinh khối đang là một lựa chọn mới trong vụ đông của nhiều địa phương những năm gần đây.
Ngô sinh khối là giống ngô được trồng để lấy thân non phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc thu hoạch ngay từ khi cây chuẩn bị trổ cờ (hoa nở) giúp thời vụ của ngô sinh khối ngắn hơn đáng kể so với trồng ngô lấy hạt, qua đó, giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, thuận lợi cho việc bố trí thời vụ.
"Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70%, còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn)" - ông Cường nêu con số đáng chú ý.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lựa chọn phát triển ngô sinh khối là một hướng đi đúng, đảm bảo 3 lợi ích: Giúp đàn đại gia súc phát triển mạnh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và thúc đẩy mối liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất.
Năm 2019, diện tích ngô sinh khối của tỉnh Hà Tĩnh đạt 1.013ha, năng suất bình quân 33 tấn/ha. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, vụ đông năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh liên kết với trang trại bò sữa của Vinamilk, Công ty KC Hà Tĩnh... phát triển ngô sinh khối.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hiện nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò của các doanh nghiệp ngày càng lớn là điều kiện thuận lợi để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngô lấy thân lá.
"Chúng tôi chủ trương những vùng trồng ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho bò phải có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Các địa phương phối hợp với doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và bò thịt, có kế hoạch phát triển diện tích ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh nhằm giải quyết phần nào thời vụ trong vụ đông cũng như công lao động sau thu hoạch" - ông Hiếu nói.
Ngày 16/9, TTKNQG sẽ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@nông nghiệp trực tuyến với chủ đề: Thúc đẩy chuỗi ngô sinh khối trong vụ đông năm 2021 tại một số tỉnh phía Bắc, nhằm kết nối nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ngô sinh khối bền vững.
Nhân rộng mô hình trồng ngô sinh khối
Theo báo cáo kết quả hoạt động khuyến nông trong sản xuất vụ đông năm 2020, kế hoạch vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ đông năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện 09 dự án khuyến nông trong lĩnh vực trồng trọt, bảo quản, chế biến và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất do các đơn vị trong và ngoài Bộ thực hiện tại các tỉnh phía Bắc và kế hoạch trong vụ Đông năm 2021 thêm 6 dự án mở mới giai đoạn 2021-2023, trong đó có các dự án liên quan đến ngô sinh khối.
Cụ thể, dự án xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm ngô nếp, ngô ngọt và ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh phía Bắc do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông chủ trì, giai đoạn 2019-2021.
Dự án xây dựng mô hình trồng ngô nếp, ngô ngọt và ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh phía Bắc.
Riêng trong vụ đông năm 2020, dự án đã triển khai được 115ha mô hình, trong đó, mô hình ngô sinh khối cho năng suất từ 40 - 45 tấn/ha.
Kế hoạch vụ đông năm 2021, dự án sẽ xây dựng mô hình ngô sinh khối tại Hà Giang, quy mô 25ha, với giống ngô NK7328.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho biết, tiềm năng của mô hình sản xuất ngô sinh khối rất lớn do doanh nghiệp đang có nhu cầu thu mua cao.
Với giá thu mua 800.000 - 900.000 đồng/tấn ngô sinh khối thì thu nhập bình quân của mô hình đạt 35 - 40 triệu đồng/ha, trừ chi phí bà con có thể thu lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nhiều cây vụ đông khác.
Cũng theo ông Hồng, điểm đặc biệt của ngô sinh khối là thời gian trên ruộng chỉ khoảng 80 - 85 ngày, trong khi các loại ngô hạt là 110 - 125 ngày, như vậy có thể rút ngắn 1/3 - 1/4 thời gian trên ruộng. Lịch thời vụ của ngô sinh khối cũng không quá khắt khe, quá trình chăm sóc không khác nhiều so với các giống ngô khác nên có thể mở rộng diện tích" - ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, hiện TTKNQG được Bộ NNPTNT giao nhiệm vụ phê duyệt dự án trồng ngô sinh khối do Viện Nghiên cứu ngô chủ trì thực hiện trên 10 tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Nam Trung Bộ, quy mô tổng dự án là 570ha thực hiện trong 3 năm (2021 - 2023).
Riêng vụ đông năm 2021, Viện Nghiên cứu ngô sẽ triển khai 50ha mô hình ngô sinh khối tại 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên; quy mô 10ha/mô hình/tỉnh, dự kiến có 600 hộ tham gia.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), việc đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối không chỉ góp phần tận dụng quỹ đất lúa nhàn rỗi rất lớn trong vụ đông tại các tỉnh phía Bắc mà còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng tái cơ cấu, nhu cầu nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại trong ngành chăn nuôi.
"Để đảm bảo sản xuất bền vững, doanh nghiệp cần công bố công khai khả năng thu mua tới các địa phương để các cơ quan chức năng có cơ sở khuyến cáo người dân trồng bao nhiêu diện tích ngô sinh khối để đáp ứng được nhu cầu" - ông Hoàng Văn Hồng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.