Triển lãm cá nhân "Dòng chảy" của Ngô Thanh Hùng diễn ra tại The World Artspace, 21 Võ Trường Toản, Thảo Điền, Q.2 (cũ) từ ngày 18/11, kéo dài đến hết 4/12.
Với kỹ thuật sơn mài mới này, Ngô Thanh Hùng hoàn toàn chinh phục giới mộ điệu hội họa với những bức tranh trừu tượng chắc tay, đầy cảm xúc dồn nén và đặc biệt là sự thăng hoa trong bảng màu sắc và những đường nét. Có thể bắt gặp chút "Pollock" ở đây với những mảng sơn vẩy phóng khoáng, tưởng như ngẫu hứng mà tạo hiệu quả thị giác mãnh liệt.
Giám tuyển Lý Đợi chia sẻ: "Ngô Thanh Hùng gọi kỹ thuật hình thành các bức tranh của mình là "chất liệu mài tổng hợp", được anh tìm tòi từ năm 2020 cho đến nay. Xét về vật liệu và chất liệu, việc tìm tòi của Ngô Thanh Hùng gợi nhiều suy nghĩ về hành trình tranh sơn mài nói chung của Việt Nam. Gọi là "sơn mài nói chung", vì tự trong khái niệm này đã bao hàm: sơn mài mỹ nghệ, sơn ta Phú Thọ, sơn mài truyền thống, sơn mài Thủ Dầu Một, sơn mài Nam Vang, sơn mài Nhật, sơn mài tổng hợp, sơn mài mà không mài…
Có thể nói "chất liệu mài tổng hợp" của Ngô Thanh Hùng là một gợi ý thú vị cho số 8 trong "dãy quang phổ" của sơn mài nói chung".
Do giảng dạy tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, lại liên hệ trực tiếp với các đơn vị xây dựng, am hiểu và cập nhật nhiều vật liệu mới, Ngô Thanh Hùng đã có được cơ sở thực nghiệm cho việc tìm ra "chất liệu mài tổng hợp.
Lý Đợi nói thêm: "Còn về mặt thị giác, mới nhìn thoáng qua, thấy tranh Ngô Thanh Hùng chịu ảnh hưởng chút ít của Jackson Pollock (1912-1956), bậc thầy vảy sơn (drift painting), mang lại một hiệu ứng thị giác đặc biệt cho kỹ thuật biểu hiện trừu tượng sống động (abstract expressionist movement). Thế nhưng, điều thú vị ở đây là "chất liệu mài tổng hợp", nó vốn được định hình từ các tính toán về lớp lang và mài, không thể tung tẩy giống như vảy sơn.
Chính vì vậy mà, dù về bề mặt thị giác có chút tương đồng, nhưng quá trình tạo tác và định hình cảm xúc là hoàn tác khác nhau, trở thành một liên nối thú vị. Nói khác đi, nếu chỉ dừng lại ở việc "chuyển thể chất liệu" tranh Jackson Pollock thành "sơn mài nói chung", đã đáng ghi nhận, nhưng Ngô Thanh Hùng làm được nhiều hơn, nên càng đáng ghi nhận".
Nói về trừu tượng và chất liệu, họa sĩ Ngô Thanh Hùng chia sẻ: "Đối với tôi, trừu tượng như là huyết mạch, như một sự giải phóng cảm xúc, giải phóng nguồn năng lượng tích tụ để đạt được cái thăng hoa. Vẽ trừu tượng rất khó, vì đó là cả quá trình nghiên cứu, tu luyện với hình và vẽ hình rất nhiều, thì mới có được cảm giác "vô hình". Phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng trước khi vẽ, còn trong quá trình vẽ, thì sẽ kết hợp đường nét, mảng hình, màu sắc… với cảm xúc, ý niệm.
Thầy tôi, họa sĩ Trương Bé, có câu: "Trừu tượng không phải là không có hình, mà là có rất nhiều hình trong đó". Từ sinh viên năm đầu tiên, tôi đã rất thích dòng tranh trừu tượng của thầy, không hiểu sao lại thích như vậy, dù tôi đã biết và đã vẽ biểu hiện, hiện thực…
Hơn 3 năm nay trở lại đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi càng bùng nổ cảm xúc với trừu tượng. Đây cũng là lúc tôi dành được thời gian để nghiên cứu vật liệu mới và ứng dụng thành công vào tranh, tạm gọi là chất liệu mài tổng hợp. Thêm một cơ duyên, tôi được vài người anh thân thương đã hỗ trợ toàn bộ chi phí, vật tư, mặt bằng để làm xưởng vẽ. Thêm một may mắn, tôi bén duyên cùng nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước với chất liệu mài tổng hợp này, nên càng thêm động lực để dấn bước.
Về kỹ thuật mài tổng hợp, tôi dùng tổng hợp giữa các loại sơn vẽ truyền thống và sơn công nghiệp, đắp lớp tuần tự theo kỹ thuật sơn mài lên nền gỗ nhựa đã được xử lý độ bám dính màu, loại bỏ tối đa nguy cơ ẩm mốc, cong vênh, chống cháy. Sau đó, dùng kỹ thuật mài của sơn mài cho đến khi nào lộ ra được các lớp màu, mảng màu, hình thù mà mình mong muốn. Điều đặc biệt ở đây là loại sơn tôi dùng vẽ chính là màu của đất sét tự nhiên kết hợp với một ít phụ gia của ngành sơn, sau khi hoàn thiện, sẽ không có mùi và khá thân thiện với môi trường sống, độ bền và độ bão hòa của màu rất cao".
Theo PGS-TS Phan Thanh Bình (Đại học Nghệ thuật Huế), sự tìm kiếm gần như khai phá chất liệu nền mới trong tranh cũng là một sự nghĩ suy thực hành nghệ thuật táo bạo của Ngô Thanh Hùng sau hơn 3 năm thử nghiệm, tìm tòi và khẳng định. Trên mạch nguồn sáng tạo và tìm kiếm đó, anh tìm thấy sự phản chiếu tương giao từ ánh sáng, nhịp điệu trong mỗi bức tranh của Dòng chảy.
"Ở đây, anh không cô độc mà ngày càng có nhiều họa sĩ đương thời gặp nhau ở sự tìm kiếm không ngừng nghỉ đa dạng đó, mà với anh cái hồn của Dòng chảy ẩn dấu và tất phải xuôi chảy đến một hiệu quả thực chất nào đó. Nhiều mảng hình trong tranh của anh được xử lý bề mặt theo dạng đắp nổi, chặn nét, mài phẳng, mài phá tạo chất theo một sự chủ động có ý đồ liên kết nhịp sáng tối trong không gian mở trừu tượng", PGS-TS Phan Thanh Bình ghi nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.