Ngoài Đài Loan, Nhật Bản, đây là hai thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng, lao động có thể tham khảo

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 25/03/2022 20:14 PM (GMT+7)
Dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, kinh tế dần được mở cửa vì thế cơ hội cho việc đưa lao động đi làm việc nước ngoài (xuất khẩu lao động) cũng dần rộng mở.
Bình luận 0

Một số thị trường xuất khẩu lao động mới, tiềm năng

Ngoài thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), hiện nay có 2 thị trường lao động cũng rất tiềm năng đó là Hàn Quốc và Úc.

Ông Đinh Thanh Bình - Phó Giám đốc trung tâm Trung tâm XKLĐ Mai Linh, một thành viên của Tập đoàn Mai Linh cho biết, mức lương 30-40 triệu đồng/tháng tại Nhật Bản hay Hàn Quốc chưa phải là cao trong thị trường XKLĐ. Mới đây, Mai Linh đã ký kết với một đối tác Úc trong việc phái cử lao động làm việc trong các nông trại, nhà máy chế biến thủy hải sản, nông sản. Mức thu nhập mà người lao động (NLĐ) có thể nhận được khi tham gia chương trình này vào khoảng 50-80 triệu đồng/tháng.

xuất khẩu lao động

Nhiều lao động Việt Nam lựa chọn xuất khẩu sang Úc làm nông nghiệp. Ảnh:Bloomberg

"Với yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh và nhiều kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn của Úc, điều mà NLĐ nhận lại là thu nhập cao và được cọ xát trong môi trường làm việc chuyên nghiệp tại xứ xở chuột túi. Quan trọng hơn, do thiếu hụt nguồn nhân lực, Chính phủ Úc đang tạo mọi điều kiện để thu hút NLĐ, trong đó có việc tạo điều kiện làm việc dài lâu hoặc định cư lâu dài", ông Bình thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2022 có một thị trường truyền thống nhưng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng bứt phá mà lao động có thể tìm hiểu thêm đó là thị trường xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ.

Những năm trước đây, khi nhắc tới thị trường Hàn Quốc, lao động chỉ nghĩ tới đi làm việc theo các chương trình việc làm công (Chương trình EPS), giá rẻ. Để đi được lao động phải trải qua các kỳ thi tiếng Hàn và kỳ thi nghiệp vụ rất khắt khe, khó như thi đại học, thế nhưng thời gian gần đây thị trường này cũng rộng cửa hơn khi bắt đầu tiếp nhận lao động phái cử đi làm thời vụ trong các ngành nông nghiệp. Các chương trình chủ yếu là đi làm việc theo chương trình hợp tác công giữa địa phương Hàn Quốc với địa phương (các tỉnh) của Việt Nam.

Hiện có 8 tỉnh, thành Việt Nam đã tham gia chương trình này là: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Cà Mau. Lao động tham gia chương trình này được nhận mức lương rất khá từ 40-60 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài thị trường tiềm năng trên, người lao động có thể tham khảo thêm các thị trường mới ở Châu Âu như: Đức, Ba Lan, Hà Lan, Cộng hòa Czech… Các nước này cũng đang "làm tất cả" để thu hút NLĐ ngoại khối. Thiếu hụt nguồn nhân lực đang bao trùm cả châu Âu... khiến các quốc gia này có mong muốn tiếp nhận nhiều hơn lao động.

Lao động nộp hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ Việc làm (Sở LĐTBXH) tỉnh thành phố  theo danh sách trên để được xét tuyển. Lao động thuộc hộ nghèo, hộ chính sách sẽ được ưu tiên trong việc xét tuyển.

"Tuy nhiên, người lao động cũng cần cảnh giác, vì Hàn Quốc là thị trường tiềm năng, thu nhập khá lao động rất thích đi, lợi dụng tâm lý đó nhiều đối tượng cò mồi, môi giới đã lừa đảo lao động", ông Liêm nói.

Quy trình đi xuất khẩu lao động và mức phí đi làm việc ở nước ngoài

Trên đây là một số thị trường lớn, tiềm năng mà các doanh nghiệp và Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo lao động nên tham khảo có sự lựa chọn phù hợp trước khi quyết định nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, để đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nên lựa chọn các doanh nghiệp phái cử có uy tín, có thâm niên nhiều năm cung ứng lao động. Nếu không rõ thông tin về doanh nghiệp, lao động có thể gọi điện qua Cục Quản lý lao động ngoài nước, qua phòng chăm sóc quản lý lao động theo số ( 84-4) 38249517 để được tư vấn hỗ trợ.

Về mức phí đi xuất khẩu lao động, lao động có thể tìm hiểu tại Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có một số quy định cụ thể về chi phí môi giới người lao động cần biết.

xuất khẩu lao động

Lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp và mức phí trước khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: LOD

Theo đó, Bộ LĐTBXH quy định, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho 12 tháng làm việc.

Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động. Với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được quy định theo phụ lục đính kèm thông tư.

Với một số ngành nghề như: thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải (Đài Loan, Hàn Quốc); lao động giúp việc gia đình (Malaysia, Brunei, các nước Tây Á), mọi ngành nghề (Thái Lan) thì mức phí là 0 đồng.

Thông tư cũng quy định, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể. Như với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với ngành hộ lý và y tá bệnh viện, trung tâm dưỡng lão là 0,7 tháng tiền lương/12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên. Ngành nghề chăm sóc người bệnh tại gia đình, giúp việc gia đình, nông nghiệp, thuyền viên là 0,4 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 1 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên. Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với thuyền viên tàu cá xa bờ là 0 đồng.

Với thị trường Hàn Quốc, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Với thị trường Nhật Bản, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động với ngành nghề thực tập sinh kỹ năng số 3 và lao động kỹ năng đặc định là 0 đồng. Riêng với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động là 0,7 tháng tiền lương/mỗi 12 tháng hợp đồng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Thông tư này vừa có hiệu lực đầu tháng 2/2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem