Ngoài Triều Tiên, đây là quốc gia châu Á Covid-19 không thể xâm nhập phải "né xa"

Thứ bảy, ngày 25/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Turkmenistan cũng như Triều Tiên tuyên bố chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 nào.
Bình luận 0
Ngoài Triều Tiên, đây là quốc gia châu Á Covid-19 không thể xâm nhập phải "né xa" - Ảnh 1.

Phụ nữ Turkmenistan đeo khẩu trang đi bộ ở Ashgabat ngày 13/7/2020. Ảnh CNN.

Turkmenistan, đất nước Trung Á với gần 6 triệu dân là một trong ít nhất 5 quốc gia không ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm Covid-19 nào, theo một đánh giá dữ liệu do Đại học Johns Hopkins và Tổ chức Y tế Thế giới thu thập.

Ba trong số 5 quốc gia trên là những hòn đảo biệt lập ở Thái Bình Dương và Triều Tiên, quốc gia kiểm soát chặt chẽ và đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của đại dịch Covid-19.

Tổng thống của Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov, người đã cầm quyền từ năm 2006 từng lên tiếng bác bỏ các báo cáo về tình hình Covid-19 đáng quan ngại ở nước này và tuyên bố với Liên Hợp Quốc trong một bài phát biểu tuần này rằng, phản ứng với đại dịch không nên được "chính trị hóa".

Ngoài Triều Tiên, đây là quốc gia châu Á Covid-19 không thể xâm nhập phải "né xa" - Ảnh 2.

Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov có bài phát biểu từ xa trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9/2021.

Khi Covid-19 lan rộng khắp thế giới vào đầu năm 2020, Turkmenistan gây bất ngờ khi khẳng định họ không có ca mắc Covid-19 nào, ngay cả khi các quốc gia có chung biên giới với đất nước Trung Á này báo cáo dịch bệnh bùng phát tăng vọt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Iran - quốc gia có đường biên giới dài trên bộ với Turkmenistan đã ghi nhận một trong những đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất thế giới với tổng số gần 5,5 triệu ca mắc.

Theo trang web của Bộ ngoại giao Anh và Úc, tất cả các chuyến bay đến Turkmenistan hiện đang bị đình chỉ và chỉ công dân Turkmenistan mới được phép nhập cảnh vào nước này.

Mặc dù vậy, các tổ chức độc lập, các nhà báo và nhà hoạt động bên ngoài Turkmenistan vẫn cáo buộc rằng có bằng chứng nước này đang chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ 3 đã áp đảo các bệnh viện và giết chết hàng chục người. Họ đồng thời cáo buộc Tổng thống Turkmenistan đang giảm bớt mối đe dọa đại dịch Covid-19 chết người để duy trì hình ảnh của mình trong công chúng.

Thực tế, tháng 6/2020, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Ashgabat đã đưa ra cảnh báo về sức khỏe liên quan đến "các báo cáo người dân địa phương mắc các triệu chứng bao gồm Covid-19" và bị cách ly trong vòng 14 ngày.

Chính phủ Turkmenistan ngay lập tức gọi tuyên bố trên là "tin giả". Một phái bộ của WHO đến Turkmenistan vào tháng 7/2020 đã không xác nhận bất kỳ trường hợp nhiễm Covid-19 nào trong nước nhưng cho biết họ lo ngại về "số ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và viêm phổi gia tăng".

Vào tháng Giêng năm nay, Turkmenistan thông báo họ đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng trong nước. Sau đó, vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý cho chính phủ Turkmenistan vay 20 triệu USD, chủ yếu để xây dựng các cơ sở y tế, như một phần của chương trình "ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa do Covid-19 gây ra".


Phương Đăng (theo CNN) ( )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem