Ngoại trưởng Ba Lan rút lại phát biểu khiến Ukraine mếch lòng về Crimea

V.N (Theo UP, RT) Thứ bảy, ngày 21/09/2024 14:12 PM (GMT+7)
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã rút lại phát biểu của mình về việc chuyển Crimea cho một ủy ban của Liên Hợp Quốc quản lý, gọi chúng là giả thuyết, lời nói của ông được cổng Onet trích dẫn.
Bình luận 0
Ngoại trưởng Ba Lan rút lại phát biểu khiến Kiev mếch lòng về Crimea - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski. Ảnh: Pravda.


Tại một hội nghị quốc tế  về chiến lược Châu Âu diễn ra tại Kiev tuần trước, ông Sikorski đã đề xuất chuyển Crimea cho Liên Hợp Quốc ủy trị và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng của bán đảo này trong 20 năm. 

Phát biểu này đã gây ra phản ứng giận dữ từ các quan chức Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine không nêu tên ông Sikorski, đã khẳng định rằng "tham vọng của Kremlin không được thỏa mãn trên sự thiệt hại của lợi ích Ukraine và luật pháp quốc tế."

Ngày 20/9, lên tiếng về phát biểu trên, Ngoại trưởng Ba Lan đã làm rõ rằng những nhận xét của ông chỉ là một phần của "cuộc thảo luận giả định".

Ông Sikorski nhấn mạnh rằng Ba Lan ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine: "Không có nghi ngờ gì về điều đó, và tôi đã nhiều lần nhấn mạnh điều này".

"Tuy nhiên, đã có một cuộc thảo luận giả định không chính thức giữa các chuyên gia tại hội nghị, trong đó chúng tôi xem xét cách thực hiện các đề xuất của Tổng thống Zelenskyy về việc lấy lại Crimea. Ông ấy đã nói về các biện pháp ngoại giao," ông thêm vào.

Moscow đã phản ứng mạnh mẽ trước gợi ý của Ba Lan về việc đặt Crimea dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc trong 20 năm. "Lãnh thổ và các vùng của Nga không thể là đối tượng của bất kỳ cuộc thảo luận nào hoặc chuyển giao cho ai," ông Peskov nói với các phóng viên hôm 20/6, mô tả ý tưởng này là "vô lý".

Ông Sikorsky cũng bình luận về các báo cáo truyền thông liên quan đến một "cuộc tranh cãi" với Tổng thống Zelensky ở Kiev. Ông lưu ý rằng Ba Lan hỗ trợ Ukraine về quân sự, tài chính và nhân đạo, nhưng như thường thấy giữa các nước láng giềng, đôi khi có những vấn đề cần được giải quyết.

"Chúng tôi cần có nhiều liên lạc sống động và thậm chí còn tích cực hơn với Ukraine để nước này gia nhập Liên minh Châu Âu, và chúng tôi hy vọng Ukraine cũng sẽ thể hiện sự nhạy cảm đối với những yêu cầu của chúng tôi" - ông Sikorski nói thêm.

Tuần trước, báo chí Ba Lan cho biết Ngoại trưởng Sikorski đã tranh cãi rất gay gắt với Tổng thống Ukraine Zelensky trong cuộc gặp ba bên tại Kiev bao gồm cả Thủ tướng Lithuania.

Onet cho biết, ông Zelensky đã chỉ trích ông Sikorsky bằng một loạt các lời phàn nàn mà người Ba Lan dường như thấy là vô lý. Ngoài ra,  ông Zelensky kêu gọi Warsaw bắn hạ tên lửa của Nga, hỗ trợ Ukraine nhanh chóng gia nhập EU vào năm tới và khiến các quan chức Ba Lan im lặng về những bất bình trong lịch sử giữa hai quốc gia.

Crimea và cảnh báo tới Ba Lan

Bán đảo Crimea lịch sử của Nga đã được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954 và đã được Kiev tuyên bố là thuộc về họ sau khi độc lập vào năm 1991.

Cư dân Crimea và thành phố Sevastopol đã bỏ phiếu một cách áp đảo để gia nhập Nga vào tháng 3 năm 2014, ngay sau khi cuộc đảo chính Maidan lật đổ chính phủ Ukraine ủng hộ các nhà dân tộc chủ nghĩa.

Kiev vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Crimea, cũng như các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk và các khu vực Kherson và Zaporozhye, đã gia nhập Nga vào tháng 9 năm 2023. Moscow nhiều lần nói rằng không có vùng lãnh thổ nào trong số này là chủ đề đàm phán.

Sau đề xuất của ông Ngoại trưởng Ba Lan, nhiều bên khác ở Nga cũng đã lên tiếng.

"Cư dân Crimea đã trở về Nga một thập kỷ trước và không cần những kẻ can thiệp phương Tây như Sikorski," nhà lập pháp Nga Leonid Ivlev nói với các phóng viên hôm 20/9. Vị cựu chuẩn tướng Không quân thậm chí còn đề xuất giả định đưa tây Ba Lan trở thành lãnh thổ ủy trị của Liên Hợp Quốc thay vào đó.

"Crimea là lãnh thổ của Nga một cách lịch sử và hợp pháp, chúng tôi sống trên đất của chính mình" - ông Ivlev nói. "Người Ba Lan không thể nói điều tương tự. Sikorski nên nhớ rằng Phổ, Silesia, Pomerania, Đông Brandenburg, và thành phố tự do Danzig đã được Stalin chuyển giao cho Ba Lan. Có lẽ chúng ta nên đưa những vùng đất Đức cũ này dưới sứ mệnh của Liên Hợp Quốc và sau đó tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến ở đó" - ông gợi ý.

Sau khi phát xít Đức thất bại vào năm 1945, Ba Lan đã nhận được các lãnh thổ cũ của Đức đến đường Oder-Neisse (biên giới hiện đại giữa Đức và Ba Lan) như một khoản bồi thường cho việc nhường lại cho Liên Xô các vùng đất mà họ đã chiếm giữ trong những năm 1920. Những vùng lãnh thổ đó đã trở thành một phần của Lithuania, Belarus và Ukraine hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem